Nhất Hạnh - Khơi dậy ngọn lửa thiêng

Tuesday, October 27, 2009

Các con nhớ thở thật nhẹ cho thầy và đi thiền hành thảnh thơi cho thầy. Dù trong hoàn cảnh nào, chúng ta cũng thực tập xử lý ngày hôm nay cho thật hết lòng. Chúng ta cần tập sống cho thật, tập nhìn tất cả với con mắt từ bi.

Tu Viện Bích Nham, ngày 21-10-2009

Hôm qua tại thiền đường Đại Đồng của tu viện Bích Nham đã có lễ xuất gia cho hai người trẻ tuổi, một người đã tốt nghiệp Nha Khoa và một người đã tốt nghiệp Kinh Doanh. Đó là hai sư cô Chân Lân Nghiêm và Chân Mạnh Nghiêm. Hai người này đã có cơ hội được thầy chỉ dạy về giới luật và uy nghi trong suốt một tuần lễ trước ngày xuất gia. Các vị này đã được chấp nhận thường trú ở xóm Hạc Trắng của tu viện Bích Nham.

Thầy nhớ khi xuống tóc cho các sư em thầy đã nhất tâm hộ niệm để các em giữ mãi được tâm ban đầu trong suốt một đời tu. Giữ được tâm ban đầu thì thế nào tu tập cũng thành công. Có những người tu thành công, và có những người tu không thành công. Nếu người tu không biết cách thực tập thì có thể bị hư hỏng trong khi tiếp nhận sự cung kính và cúng dường từ người tại gia. Cho nên mỗi khi có một đợt người trẻ xuất gia, điều đầu tiên thầy căn dặn họ là phải rất cẩn thận trước sự cung kính và cúng dường của người cư sĩ.

Khi mặc vào chiếc áo tu, mình trở thành biểu tượng của Tam bảo là Bụt, Pháp và Tăng. Mình đại diện cho Tăng Bảo. Trong Tăng Bảo có Pháp Bảo và Phật Bảo. Vì vậy thấy hình dáng của một vị xuất gia, người cư sĩ có khuynh hướng muốn tỏ bày niềm cung kính. Và cách thức tỏ bày niềm quy kính ấy là lễ lạy và cúng dường.

Một người mới xuất gia phải thực tập như thế nào khi có người tới lễ lạy? Ta có khuynh hướng muốn nói: xin đừng lạy tôi, tại vì tôi mới xuất gia, chưa có đức độ gì để quý vị lễ lạy. Nhưng nếu ta từ khước như thế thì vị cư sĩ kia mất đi một cơ hội để tỏ bày niềm quy kính Tam Bảo của người ấy. Cho nên ta phải ngồi thật yên, theo dõi hơi thở và quán chiếu: người cư sĩ kia đang tỏ bày niềm quy kính đối với Tam Bảo chứ không phải đang tôn sùng cái ngã của mình. Mình phải ngồi thật yên cho người ấy lạy. Họ lạy Tam Bảo chứ không phải lạy mình. Và như thế mình sẽ được an toàn, và đức khiêm cung của mình sẽ được bảo vệ. Nếu không thì mình sẽ hư hỏng. Hư hỏng vì mình tưởng mình là đối tượng của sự cung kính. Cũng như lá cờ quốc gia. Lá cờ ấy chỉ là một mảnh vải. Người ta chào cờ là người ta chào một quốc gia chứ không phải chào một mảnh vải. Nếu mảnh vải nghĩ nó là đối tượng của sự kính trọng kia thì mảnh vải đã lầm.

Bản thân thầy vốn không thích để ai lễ lạy. Nhưng mà thầy phải tập ngồi để người ta lễ lạy. Lễ lạy là một phép thực tập quan trọng của người tại gia. Mình phải ngồi với chánh niệm để đại diện cho Tam Bảo. Nếu thực tập được như thế thì người lễ lạy nuôi dưỡng được niềm tôn kính Tam Bảo, còn mình cũng nuôi dưỡng được đức khiêm cung. Nếu không thực tập thì mình trở thành nạn nhân của sự cung kính và đời tu của mình sẽ thất bại.

Sư Ông của các con, tổ Thanh Quý, là một người có đức khiêm cung rất lớn. Bản tính của Sư Ông là không thích ai lễ lạy mình, nhưng vì là một vị thầy nên Sư Ông phải để cho người ta lễ lạy. Khi đại sư Chí Niệm xây tháp cho Sư Ông, Sư Ông dặn là phải an trí trên chóp tháp một tượng đức Bổn Sư, như vậy sau này có ai đến lễ lạy ở tháp, Sư Ông muốn đó là họ đang lễ lạy đức Bổn Sư chứ không phải là lễ lạy Sư Ông. Ở chùa tổ Từ Hiếu ai cũng biết chuyện đó. Thầy trò chúng ta phải học cho được thái độ khiêm cung ấy của Tổ Thanh Quý. Đức khiêm cung đó sẽ có thể giữ cho chúng ta mãi mãi còn là chúng ta. Chúng ta thấy cả trong hai truyền thống Bắc Tông và Nam Tông đều có những vị xuất gia hư hỏng vì thiếu sự thực tập này; các vị ấy thấy người ta lễ lạy mình thì cứ tưởng là người ta đang khâm phục cái ta của mình. Trong khi đó ai cũng biết rằng cái ta là cái đáng ghét nhất. Trong truyền thống đạo Bụt, cái ta chỉ là một ảo tưởng.

Khi lạy xuống, ta có cơ hội buông bỏ ảo tưởng về cái ta. Năm vóc sát đất, ta mở rộng hai bàn tay. Ta quán chiếu: “Lạy đức Thế Tôn, lạy chư vị tổ sư tâm linh và huyết thống, con không có gì để tự hào cả. Những gì con đang có như một chút ít tài năng, một chút thông minh, tất cả đều do đức Thế Tôn và liệt vị trao truyền. Con chỉ là sự tiếp nối của liệt vị.” Khi quán chiếu như thế ta thấy trong con người của ta có rất nhiều không gian, có rất nhiều tự do, và ta buông bỏ được mọi mặc cảm tự tôn. Nếu ta có mặc cảm tự ti, ta cũng quán chiếu như thế: “Lạy đức Thế Tôn, lạy chư vị tổ sư tâm linh và huyết thống, con có những yếu kém, những yếu kém này cũng không phải là con mà đã được trao truyền lại. Là sự tiếp nối của liệt vị, con nguyện sẽ thực tập để chuyển hóa những yếu kém ấy trong con, và đáp ứng được sự trông đợi của liệt vị.”

Đời sống của người xuất gia phải vừa khiêm cung vừa giản dị. Mười giới sa di và sa di ni mà ta tiếp nhận ngày ta được gia nhập đoàn thể của những người xuất gia là những giới pháp đẹp tuyệt vời. Giới thứ sáu là không sử dụng các loại mỹ phẩm và các đồ trang sức, giới thứ bảy là không vướng mắc vào các lối tiêu khiển trần tục, giới thứ tám là không sống đời vật chất sang trọng và xa hoa. “ Ý thức được rằng sống trong những điều kiện vật chất và xa hoa, người xuất gia sẽ khởi tâm ái dục và tự hào, con nguyện suốt đời chỉ sống một nếp sống giản dị, thiểu dục và tri túc. Con nguyện không ngồi và không nằm trên những chiếc ghế và chiếc giường lộng lẫy, không sử dụng lụa là, gấm vóc, xe cộ bóng loáng và nhà cửa cao sang.” Cái đẹp của người xuất gia được làm bằng đức khiêm cung và nếp sống đơn giản. Cho nên khi tiếp nhận phẩm vật cúng dường, người xuất gia không giữ phẩm vật ấy cho mình mà phải chuyển lại cho đại chúng, nghĩa là cho đoàn thể của người xuất gia. Những phẩm vật cúng dường này là để dành cho những vị nào đang thực sự thiếu thốn. Đời sống xuất gia thì phải “tam thường bất túc” nghĩa là trong ba cái ăn, mặc và ở thì đừng có cái nào quá đầy đủ. Phải thiếu một chút thì mới đúng. Ví dụ ăn thì không nên ăn quá no. Mặc thì không nên mặc quá ấm, đừng nói là quá đẹp. Ở thì không nên ở quá tiện nghi, đừng nói là quá sang. Theo tiêu chuẩn ấy mà xét, ta có thể thấy được ai là người chân tu, ai không phải là người chân tu. Khoác áo người xuất gia, ta có tư cách để tiếp nhận sự cung kính và cúng dường. Nếu ta không thực tập, thì ta sẽ lạm dụng sự cung kính và cúng dường ấy và đánh mất pháp thân của ta. Pháp thân là đời sống tâm linh đích thực.

Thầy có cái may mắn là tới tuổi này rồi mà thầy vẫn còn cảm thấy e thẹn khi có một vị cư sĩ cúng dường. Các con biết đó, thầy cũng sống đơn giản như các con, và mỗi khi có ai cúng dường thầy chẳng bao giờ giữ lấy cho riêng thầy. Đạo tràng nào của chúng ta cũng có chương trình Hiểu và Thương, và chúng ta luôn luôn biết cắt bớt sự tiêu thụ để chia sẻ những tài vật đang có với những người thiếu thốn: những bé cô nhi, những bô lão cô đơn, những trẻ em thiếu học hành và dinh dưỡng, những nạn nhân của nghèo đói, bệnh tật và thiên tai. Chúng ta nuôi dưỡng từ bi bằng những chương trình cứu trợ ấy. Và ta có biết bao nhiêu sư anh sư chị và các thân hữu cư sĩ đã và đang hết lòng giúp chúng ta làm việc này. Đó là một trong những hạnh phúc lớn của người xuất gia. Đó là sự thực tập giới thứ hai: chia sẻ thì giờ, năng lực và tài vật với những kẻ thiếu thốn. Hạnh phúc của chúng ta được làm bằng chất liệu lý tưởng và tình huynh đệ chứ không phải là làm bằng khả năng tiêu thụ. Sở dĩ những người trẻ tới đông đảo với chúng ta vì họ thấy được cái hạnh phúc đó. Đến với chúng ta, họ thực tập buông bỏ được những hệ lụy và khổ đau của họ, và họ nếm được chất liệu hạnh phúc do lý tưởng và tình huynh đệ đem lại. Hai vị mới được xuất gia ngày hôm qua đều là con nhà đại gia, có học vị cao, có dư điều kiện sống một đời sống vật chất dư dã và xa hoa, nhưng các vị ấy đã buông bỏ hết để được xuất gia. Mắt họ long lanh khi tiếp nhận giới pháp, đều này chứng tỏ họ đang có hạnh phúc lớn, và hạnh phúc ấy được làm bằng chất liệu lý tưởng và tình huynh đệ.

Thầy thấy người đi làm cách mạng cũng có chí hướng tương tợ như chí hướng của những người xuất gia. Hành động của Siddharta Gotama khi bỏ ngai vàng để đi xuất gia cũng là một thứ hành động cách mạng. Sở dĩ ta buông bỏ được là tại vì ta có chí nguyện lớn. Người làm cách mạng phải là người có chí nguyện lớn, nếu không thì người ấy cũng không buông bỏ được nếp sống phù hoa để đi theo con đường phụng sự đất nước. Và cũng như người xuất gia, người cách mạng cũng phải sống một nếp sống đơn giản không nặng nề danh vọng và lợi lộc. Một nhà cách mạng chân chính cũng sống một nếp sống đơn giản như một người xuất gia, và cũng có cái hạnh phúc tương tợ như cái hạnh phúc của người xuất gia, nghĩa là có chất liệu lý tưởng và có tình huynh đệ, có tình đồng chí. “Áo anh rách vai, quần tôi có hai miếng vá. Miệng còn cười, chân giá buốt không giày. Yêu nhau tay nắm lấy bàn tay.” Theo tinh thần này, thì một người công an cũng là một chiến sĩ cách mạng. Người công an cũng có thể sống có hạnh phúc với lý tưởng cách mạng và với tình đồng chí như người xuất gia.

Trong số các vị đệ tử thọ giới Tiếp Hiện tại Hoa Kỳ, có một đại úy công an tên là Cheri Maples. Vị này đã tu tập rất giỏi theo pháp môn Làng Mai, ban đầu thì thọ Năm Giới, nhưng sau đó nhiều năm đã thọ giới Tiếp Hiện, và năm 2008 đã được nhận lễ Truyền Đăng làm giáo thọ cư sĩ. Thật ra Cheri Maples trong hơn mười năm qua đã làm trách vụ giáo thọ cư sĩ một cách xuất sắc rồi, và quần chúng mà vị này hướng dẫn tu tập phần lớn đã thuộc về giới những người có nhiệm vụ giữ gìn an ninh cho xã hội, trong đó có giới cảnh sát, công an, thẩm phán, luật sư và ban quản giáo các nhà tù, các trung tâm cải huấn. Cheri Maples đã ở trong ngành cảnh sát 20 năm, đã từng giữ trách vụ đào tạo cảnh sát công an, có nhiệm vụ bổ dụng và cất chức những vị này.

Trong 20 năm phục vụ ở ngành Cảnh Sát, Cheri Maples đã thực tập theo pháp môn Làng Mai được 14 năm. Sự thực tập này đã giúp cho Cheri chuyển hóa rất nhiều và đã giúp cho Cheri thành công lớn trong việc đào tạo phân phối và bổ nhiệm nhân viên Cảnh Sát. Do sự thành công lớn lao đó mà Cheri đã được đưa lên một chức vị cao trong cục Cải Huấn và Tư Pháp. Trong nhiệm vụ mới này, Cheri đã huấn luyện hơn 1500 nhân viên, trong đó có các luật sư, chánh án, sĩ quan công an và quan chức nhà nước, huấn luyện bằng cách sử dụng những pháp môn mà Cheri đã học được từ Làng Mai. Trong hiện tại, Cheri đang áp dụng những pháp môn (gọi là kỹ thuật tu tập) ấy để giúp cho những nhân viên quản trị các trại giam và ngay cho những người bị giam giữ trong các trại tù ấy.

Năm 2003, Cheri đã tổ chức một khóa tu tại Madison, Wisconsin cho trên 650 người, trong đó phần lớn là các nhân viên Cảnh Sát, Công An, và các viên chức trong ngành Tư Pháp. Thầy và tăng thân Làng Mai đã được mời tới hướng dẫn khóa tu này. Trong khóa tu này, không có đốt hương, không có tụng niệm, không có lễ nghi, chỉ có sự thực tập để làm lắng dịu và chuyển hóa thân tâm, làm sống dậy và nuôi dưỡng chất liệu lý tưởng và tình huynh đệ, đem một chiều hướng tâm linh vào đời sống chuyên nghiệp, để có thể thành công hơn trong nghiệp vụ và để có thêm niềm vui trong đời sống hàng ngày. Khóa tu thành công lắm. Các con hãy tưởng tượng những chú cảnh sát Hoa Kỳ to con đang tập đi thiền hành với những bước chân thảnh thơi, đang tập ngồi thiền với những hơi thở lắng dịu, đang tập hạnh lắng nghe và ái ngữ với một thế ngồi bình an. Giới cảnh sát công an và các viên chức làm trong ngành Tư Pháp có một đời sống rất căng thẳng và nhiều khổ đau. Các con có biết là mỗi năm ở Hoa Kỳ có khoảng 300 cảnh sát viên tự tử bằng súng của chính họ không? Hành động này gọi là ăn súng của chính mình (eating their own gun). Số lượng các vị cảnh sát tự tử bằng súng của mình đông bằng hai lần số lượng cảnh sát bị côn đồ và tội đồ bắn chết. Giới viên chức quản trị các trại giam cũng có rất nhiều căng thẳng vì phải đối diện thường xuyên với năng lượng bạo động trong trại giam và ngay trong chính bản thân. Người ta cho biết là sau 20 năm phục vụ trong ngành này, phần lớn các nhân viên chỉ có tuổi thọ trung bình là 58 tuổi.

Những nhân viên cảnh sát và công an đã từng tới Bát Nhã và đã gây khó khăn cho các con Bát Nhã của thầy chắc chắn cũng có nhiều căng thẳng và khổ đau trong bản thân. Họ là viên chức nhà nước và phải tuân theo mệnh lệnh của cấp trên, nhiều khi buộc phải làm những điều khiến cho họ cảm thấy bứt rứt trong thân tâm họ. Các baby monks của thầy khi viết thư cho các chú công an đã thấy được điều này, cho nên thầy đã thầm khen các con khi thầy được đọc lá thư ấy. Lương bổng của người công an không đủ sống, thầy biết như vậy, và một số những người công an đã phải sử dụng quyền hành và chức vụ của mình để kiếm thêm tiền, do đó cũng dần dần đánh mất lý tưởng phục vụ đất nước của họ.

Cheri Maples nói rằng năm 1984, khi đi vào ngành Cảnh Sát, nguyện ước sâu sắc nhất của cô là phục vụ cho hòa bình, chấm dứt bạo động và bất công xã hội. Đó là chất liệu lý tưởng. Cheri viết trong bài tựa một cuốn sách của thầy những dòng sau đây: “Mỗi đêm, tôi đều trăn trở với những khổ đau do nghèo đói, kỳ thị chủng tộc, bất công xã hội, trộm cắp, lạm dụng tình dục, bạo hành trong gia đình, tiêu thụ bừa bãi và áp bức xã hội gây nên. Tôi khao khát bình an, nhưng tôi không biết rằng cái bình an ấy phải tới từ trái tim của mình trước. Tôi bị tràn ngập bởi những khổ đau mà tôi chứng kiến được trong xã hội, bởi những hiểu lầm, và bởi chính cái chính sách của nha Cảnh Sát Công An của tôi. Cái bất bình giận dữ của kẻ khác đã thắp cháy lên cái bất bình giận dữ trong tôi. Và tôi bắt đầu thực hành nhiệm vụ của tôi một cách máy móc. Tôi bắt đầu uống rượu. Tôi bị chứng trầm cảm. Và tôi đã tạo ra khổ đau cho tôi, cho những người thân, và cho cả những người khác.” Sau khi được tiếp xúc với Pháp Môn Làng Mai, được biết rằng có thể mang bên hông một khẩu súng với chánh niệm thì Cheri mới bắt đầu được chuyển hóa, và đã làm sống dậy được lý tưởng của mình. Cuối cùng Cheri đã phục vụ được thật nhiều cho đất nước và dân tộc của Cheri. Hạnh phúc của Cheri tăng tiến rất nhiều, đó là nhờ công phu tu tập. Nghe tin các con bị trục xuất khỏi Bát Nhã và đang bị bao vây tại Phước Huệ, Cheri đã viết thư cho Chủ Tịch Nước và Ông Bộ Trưởng Bộ Công An để nhờ can thiệp cho các con được trở về tu tập an ổn tại nơi các con đã được xuất gia, và Cheri đã gửi cho thầy một bản sao của lá thư ấy.

Nếu Cheri đã tu tập thành công, đã làm sống dậy được lý tưởng phụng sự đất nước, đã tìm được niềm vui trong đời sống phục vụ quốc gia, nhờ vào công phu tu tập, thì các chú công an của mình cũng có thể làm như thế được, phải không các con, nhất là khi ta biết rằng nhiều vị sĩ quan và nhân viên công an cũng là con nhà Phật tử. Trong lá thư gửi cho Chủ Tịch Nước và Ông Bộ Trưởng Bộ Công An, Cheri đã nói lên ước vọng là trong tương lai sẽ có những khóa tu tổ chức cho giới cảnh sát và công an tại Việt Nam như khóa tu đã từng được tổ chức ở tiểu bang Wisconsin, và có thể có khả năng là các vị cảnh sát và công an Hoa Kỳ cũng được đi Việt Nam thực tập chung với các vị cảnh sát và công an Việt Nam. Khóa tu ở Wisconsin thành công lớn lắm, tuy không phải là một khóa tu dễ dàng. Khổ đau và thành kiến lúc ban đầu rất lớn, đã được từ từ chuyển hóa trong khóa tu. Khóa tu ấy có chủ đề là “Canh Giữ Cho Hòa Bình” (Keeping the Peace). Chủ đề này làm thầy nhớ bài hát của thiếu nhi Việt Nam ở ngoài Bắc “Chú bộ đội, chúng cháu yêu chú lắm, súng vác trên vai, chú canh giữ cho hòa bình.” Những thực tập trong khóa tu đã giúp cho mọi người thực hiện thêm được rất nhiều bình an trong lòng người nhân viên công an và trong các cộng đồng xã hội mà những vị ấy phục vụ. Cheri đã viết trong lá thư: “Nhờ sự giáo huấn của Thầy, cả Cục Cảnh Sát trong đó có tôi đã được chuyển hóa. Từ những nhân viên chỉ biết sử dụng quyền hành, chúng tôi đã trở nên những chiến sĩ hòa bình có liên hệ tốt đẹp với quần chúng.”

Các khóa tu tổ chức cho giới cảnh sát công an, cũng như các khóa tu tổ chức cho giới dân biểu và quan chức nhà nước đều được tổ chức dưới hình thức không tôn giáo (non sectarian) vì vậy cho nên trong các khóa tu ấy không có sự thực tập nghi lễ và tín mộ, bởi vì luật lệ của các nước dân chủ Tây phương là như thế: “Không được trộn lẫn giáo quyền và chính quyền.” Thầy và Tăng thân đã tôn trọng nguyên tắc ấy, và các khóa tu kia không có mục tiêu khuyên người ta trở thành Phật tử mà chỉ muốn giúp cho người thực tập chuyển hóa khổ đau và khó khăn nội tâm, tìm lại được niềm tin nơi lý tưởng và tình huynh đệ. Cái học trong các Phật học đường của chúng ta có tính lý thuyết nhiều hơn thực tập, và vì thế những pháp môn thực tập này cần phải được đưa vào các trường cơ bản, trung cấp và cao cấp Phật học, để cho đạo Phật thật sự có thể được ứng dụng thực tế vào đời sống hàng ngày. Có sự thực tập này, người tu mới phục hồi và giữ vững được lý tưởng của người xuất gia, không bị lợi và danh ràng buộc. Sự thực tập này cũng rất có ích lợi cho các trường Trung Cấp Công An Nhân Dân, các trường Đại Học Cảnh Sát Nhân Dân và các Học Viện An Ninh Nhân Dân. Nó có thể được giảng dạy như một môn học và thực tập không có màu sắc tôn giáo, giống như trong khóa tu Wisconsin. Thầy nghĩ rằng vị Vụ Trưởng Vụ Hợp Tác Quốc Tế của ngành Công An có thể trao đổi với Giáo Thọ Cheri Maples để có thêm kiến giải về vấn đề này và các vị giáo thọ của chúng ta cũng sẽ có thể góp phần trong việc giảng dạy và thực tập trong các cơ sở đào tạo nhân viên Công An và Cảnh Sát ấy. Làm được công việc ích nước lợi dân thì dù có bị chụp mũ là cộng sản cũng không sao, miễn là nhờ đó mà dân chúng bớt khổ. Công an khổ thì dân chúng cũng khổ theo. Công an có những khổ đau trong lòng mà không giải tỏa được thì sẽ trút lên đầu gia đình và trên đầu dân chúng. Công an mà tham nhũng và lạm quyền thì không những tội cho công an mà còn tội cho chánh quyền và nhất là cho dân chúng. Giáo dục làm sao mà những chánh sách của các Tổng Cục và của các Cục có thể đáp lại nhu yếu đích thực của người dân thì đó mới là một nền giáo dục thật sự hữu ích.

Này các con của thầy, trong lịch sử, cứ thỉnh thoảng lại có một vị đại đạo sư xuất hiện để thanh lọc và làm mới lại truyền thống Phật giáo. Các vị như Long Thọ, Đề Bà, Vô Trước, Thế Thân, Trần Na, Huyền Trang, Huệ Năng, Lâm Tế, Trí Giả, Tăng Hội v.v... đều là những nhà cách mạng có khả năng làm cho đạo Bụt trẻ lại, để có thể phục vụ hữu hiệu hơn trong những hoàn cảnh xã hội đã thay đổi. Đạo sư Thái Hư trong những năm 30 của thế kỷ trước đã kêu gọi “Cách mạng giáo lý! Cách mạng giáo chế! Cách mạng giáo sản!”; rất nhiều người trong giới xuất gia nước ta đã lắng nghe những lời kêu gọi ấy và đã nỗ lực tìm cách chấn hưng đạo Phật. Suốt một cuộc đời thầy, thầy cũng chỉ tìm cách làm những việc ấy. Nếu không cách mệnh giáo lý thì khó có thể ứng dụng giáo lý vào đời sống mới, vì vậy từ đạo Bụt nhập thế mình đã có đạo Bụt ứng dụng. Nếu không cách mạng giáo chế thì giới luật và uy nghi truyền thống không đủ để đối phó với những vấn nạn lớn của thời đại và những băng hoại trong xã hội nhiều tệ nạn ngày nay. Vì vậy mà mình đã có Năm Giới tân tu, Mười Giới tân tu, dòng Tiếp Hiện, và giới Khất Sĩ tân tu. Nếu không cách mệnh giáo sản mà cứ bám vào chế độ cúng dường thì làm sao có đủ tự do để thực hiện cách mạng giáo lý và cách mạng giáo chế và để đóng góp được vào công tác thanh lọc và xây dựng một xã hội công bình và lành mạnh? Không có cách mạng giáo lý, giáo chế và giáo sản thì đạo Phật sẽ trở nên già nua, hư hỏng, thiếu sự sống, không tiếp tục được nữa sứ mạng của mình, và sẽ bị đào thải. Một tổ chức chính trị cũng vậy, nếu không có ngọn lửa cách mạng nuôi dưỡng thì sẽ trở nên già nua, hư hỏng, đi ngược lại với bản hoài của mình lúc ban đầu, và những người tìm cách gia nhập tổ chức cũng chỉ vì lợi lộc mà không phải vì lý tưởng.

Trong chuyến về nước năm 2007 thầy đã có dịp một mình ghé vào một ngôi chùa ở Hà Nội để quan sát. Trong chính điện, ở tổ đường, ngoài sân chùa, hễ nơi nào có tượng Phật, tượng Bồ Tát, La Hán, Tổ Sư, Hộ Pháp, Thánh Mẫu v.v... thì đều có tiền cúng dường trên tay các bức tượng. Thầy có cảm tưởng là tất cả các vị Bụt, Bồ Tát, La Hán, Tổ Sư, v.v... đều trở thành những người ăn hối lộ, và các vị đều là những vị thần linh chỉ phù hộ cho những ai biết đút lót cho mình mà thôi. Hình ảnh này cho ta thấy thế giới thần linh chỉ phản ảnh thế giới nhân sự: ai không chấp nhận tham nhũng thì sẽ không thành công, và sẽ không làm gì được. Thầy đặt câu hỏi: có phải vì Bát Nhã không chịu theo cái quy luật ấy cho nên Bát Nhã đã không thể tồn tại? Có người đã nói: nước trong quá thì cá sẽ không sống được. Có phải đây là sự thực hay không?

Không, thầy không muốn tin đó là sự thực. Chúng ta đang có những vị chân tu trên đất nước, không bị danh vọng và tiền tài mua chuộc. Và các con của thầy đang nối gót theo các vị ấy, dù quanh ta có nhiều người xuất gia đã đánh mất tâm ban đầu và chỉ đang đi tìm những tiện nghi vật chất và tình cảm để sống cho hết một cuộc sống thiếu lý tưởng và thiếu tình huynh đệ của họ.

Trong giới trí thức, nhân bản và chính trị cũng thế, chung quanh ta còn có những người liêm khiết, chính trực, thà chịu nghèo chứ không để tán tận lương tâm. Ông thân sinh của sư anh Pháp Hội là một cán bộ rất liêm khiết và chính trực; bác ấy đã chịu sống nghèo trong suốt cả một đời để nuôi các đức liêm khiết và chính trực của mình cho nên ngày nay ta mới có một sư anh Pháp Hội. Và có bao nhiêu người khác nữa, nhờ có niềm tin nơi truyền thống đạo nghĩa của đất nước mà vẫn giữ được nếp sống liêm chính của mình.

Những hạt giống Phật pháp, những hạt giống của Pháp môn gieo trồng trong những năm qua đã bắt đầu nẩy mầm. Tiếp xúc với Pháp môn, tiếp xúc với Tăng thân, những hạt giống tốt của lý tưởng và của hạnh phúc có sẵn nơi người trẻ đã bắt đầu mọc lên tươi tốt. Người trẻ xuất gia cũng như người trẻ tại gia thấy được một con đường tâm linh đẹp có thể mở ra một chân trời mới của tình huynh đệ và của lý tưởng độ đời. Những Cheri Maples của Việt Nam cũng đã bắt đầu xuất hiện. Có những sĩ quan công an và cảnh sát trẻ đã tới với chúng ta để thực tập và bắt đầu được chuyển hóa. Các con đã có dịp làm quen với các vị ấy. Một vị đã tâm sự: khi tâm ta bất an thì ta không có khả năng đem lại sự an bình trong xã hội, và vì những bất an trong tâm ấy mà ta có thể làm cho tình trạng xấu thêm. Đó cũng là cái chân lý mà chính Cheri Maples đã tìm ra. Vụ việc đau thương của Bát Nhã là chứng tích của sự bất an trong lòng người. Vì lo sợ, vì oán trách, vì nhận thức sai lầm mà những người có trách vụ an ninh đã tạo ra những bất an trong xã hội và làm xấu đi hình ảnh của đất nước trên vũ đài quốc tế. Một trong những vị Cheri Maples của Việt Nam ấy cũng đã ngỏ ý muốn xin được xuất gia.

Cách đây chỉ mới mấy hôm, một vị tập sự nữ ở xóm Mây Đầu Núi tên là T.M.T. đã viết một lá thư làm cho chúng ta rúng động và đã cho ta thấy được rằng ngọn lửa thiêng của lý tưởng và của tình huynh đệ có thể được dễ dàng khơi cháy lại nơi tâm hồn những người trẻ. Vị tập sự nữ ký tên T.M.T. trong lá thư ấy (Đằng Sau Ánh Hào Quang) đã chứng tỏ có khả năng buông bỏ mọi ràng buộc, giàu sang và quyền thế đang có để được xuất gia, sống đời đạm bạc mà hạnh phúc với lý tưởng độ đời và giúp người. Cả đại gia đình của T.M.T. đều chống đối việc này và ai cũng cho T.M.T. là điên. Các con nghĩ sao? Nếu T.M.T. có điên thì cái điên ấy cũng không khác gì cái điên của thái tử Sĩ Đạt Đa khi bỏ ngai vàng mà đi xuất gia. Sĩ Đạt Đa là ai? Sĩ Đạt Đa là một người trẻ có khả năng buông bỏ tất cả để tìm cầu một lý tưởng đẹp. Sĩ Đạt Đa có ngọn lửa cách mạng trong lòng nên mới có đủ năng lượng dứt bỏ tất cả mọi đặc ân và mọi tiện nghi. Sĩ Đạt Đa là ai? Sĩ Đạt Đa chính là T.M.T. của ngày hôm nay đó. Chúng ta là những người trẻ đi tìm một lý tưởng đẹp. Chúng ta là sự tiếp nối của Sĩ Đạt Đa. Sĩ Đạt Đa đang có mặt trên quê hương cho nên ta có quyền hy vọng. Những thanh niên đi xuất gia có tâm ban đầu rất mạnh, cũng như những thanh niên đi làm cách mạng có tâm ban đầu rất mạnh. Phải giữ cho được tâm ban đầu thì ta mới thành công. Có tâm ban đầu thì ta không bị ràng buộc bởi lợi danh. Còn tâm ban đầu thì còn tự do và giải thoát. Phương pháp của đức Thế Tôn là tưới tẩm những hạt giống ân nghĩa, từ bi, trí tuệ và dũng cảm nơi ta. Những đau thương của Bát Nhã đã đánh động được trái tim của bao nhiêu người trong nước và ngoài nước và giúp cho ngọn lửa lý tưởng và chất liệu can trường nơi họ sống dậy. Nhà thơ Hoàng Hưng đã viết trong bài Bốn Trăm Quả Chuông Bát Nhã rằng Lá Thư Thỉnh Nguyện mà ông khởi xướng để kêu gọi sự che chở cho Tăng thân Bát Nhã đã có được chữ ký của những tên tuổi lớn trong giới khoa học và văn nghệ, những người “chưa bao giờ từng tham dự vào bất cứ một cuộc bày tỏ tập thể nào trước chánh quyền.” Như vậy có nghĩa là hạt giống của từ bi và dũng cảm nơi các vị ấy đã được tưới tẩm, do đó các vị ấy đã không ngần ngại ký tên vào Lá Thư Thỉnh Nguyện. Có một vị đã tâm sự: “Trước đây tôi rất sợ dính vào những chuyện như thế này, nhưng lần này tôi thấy mình không lên tiếng thì hèn quá, sẽ tự mình không chịu nổi chính mình.” Và cố nhiên là ký xong thì vị ấy có ngay được cái hạnh phúc của một người biết rằng mình đang có chất liệu liêm trực trong trái tim. Công phu thực tập của các con Bát Nhã của thầy đã tưới tẩm được hạt giống tốt trong lòng người, Phật tử cũng như không Phật tử, trong nước cũng như ngoài nước, người đồng bào cũng như người nước ngoài. Đó là những hạt giống của niềm tin, hạt giống của thương yêu và của sự quả cảm. Cách hành xử bất bạo động và không hận thù của các con đã khơi dậy niềm tin nơi một hướng đi nhân bản thuần hậu của nhân loại trong tương lai, đã đánh động lòng yêu thương nơi mọi người và làm sống dậy nơi mọi người đức vô úy sẵn có của họ. Các vị tôn túc đã lên tiếng. Học tăng đã lên tiếng. Sinh viên đã lên tiếng. Giới nhân sĩ và trí thức đã lên tiếng. Giới tiểu thương đã lên tiếng. Giới cán bộ và đảng viên đã lên tiếng. Bằng hữu của các tôn giáo bạn đã lên tiếng. Thế giới đã lên tiếng. Bát Nhã như một đóa sen ngát hương đã làm sống dậy biết bao nhiêu tình cảm đẹp đẽ của con người. Pháp môn “tưới tẩm hạt giống tốt” của chúng ta có thể đem lại hoa trái thương yêu và hạnh phúc rất mau chóng.

Này các con, nếu nhìn cho kỹ thì các con sẽ thấy các vị có trách nhiệm giải thể Tăng thân Bát Nhã đã làm ngược lại với pháp môn. Họ chỉ tưới tẩm những hạt giống xấu. Họ đe dọa và nói dối để tưới tẩm hạt giống sợ hãi nơi chúng ta. Họ nói Tăng thân Bát Nhã làm chính trị. Họ nói sự có mặt của Tăng thân Bát Nhã là một đe dọa cho nền an ninh quốc gia. Họ sơn phết để gán cho Bát Nhã danh từ phản động. Một vị thiếu tướng của Tổng Cục Xây Dựng Lực Lượng Công An Nhân Dân đã được gửi vào để “đối phó” với Bát Nhã như là một tập đoàn phản động. Trong khi đó thì các con là những người tu tập trong trắng, không tha thiết gì đến chính sự, rất mong muốn được tu tập an lành dưới sự che chở của Giáo Hội và của luật pháp đất nước. Họ thuê những người nghèo khổ, thất học, không biết gì về Phật pháp, không phải là Phật tử đến để thay họ đánh phá và trục xuất các con ra khỏi tu viện; họ lừa dối những người này, nói rằng các con là những người đi chiếm chùa, các con là những người phản động, đi cõng rắn về cắn gà nhà, rằng các con là một mối đe dọa cho an ninh quốc gia, nói tóm lại là họ tưới tẩm những hạt giống hiểu lầm, nghi kỵ, hận thù nơi người đồng bào khác. Khi những người này mất hết bình an trong tâm thì họ mới có khả năng tới chửi rủa, đập phá và xâm phạm đến tài sản và nhân phẩm của những người đồng bào của họ. Làm gì có thứ Phật tử đốt kinh, đốt tượng, liệng phân thối vào các vị tôn đức, xé ca sa của các vị xuất gia, lôi xềnh xệch các vị ấy như những bao rác và xâm phạm vào chỗ kín của những vị này? Thầy thấy cách hành động này rất nguy hiểm và những viên chức nào sử dụng những người như thế sau này cũng sẽ trở thành nạn nhân của chính những người này.

Nhìn lại cho kỹ ta thấy rằng không những Tăng thân Bát Nhã là nạn nhân của một chính sách sai lầm mà chính quyền và nhân dân địa phương cũng là nạn nhân của chính sách ấy. Các chú công an cũng như những viên chức khác của chính quyền đã nhận được lệnh triệt tiêu Bát Nhã và đã phải làm tất cả những gì có thể làm để hoàn thành nhiệm vụ này, dù những điều mình làm có trái với luân thường đạo lý. Người ta nói vì Đảng, vì chế độ, vì an ninh quốc gia, ta phải buộc lòng làm những việc ấy. Ta cố trấn áp ta để tin rằng đó là việc làm vì nước vì dân. Nhưng trong chiều sâu tâm thức ta, ta biết rằng đó là những việc làm thất đức, trái với luân thường đạo lý. Lương tâm ta cắn rứt. Những người trong gia đình ta nhìn ta bằng con mắt nghi ngờ, oán trách. Đồng bào ta nhìn ta với con mắt khinh khi, chê trách và ghét bỏ. Cái khổ của một viên chức chính quyền lương không đủ sống, đó là một cái khổ tương đối nhỏ. Cái khổ bị lương tâm cắn rứt, bị gia đình và đồng bào nhìn bằng con mắt oán trách mới là cái khổ thật sự. Mất đi sự bình an, mất đi sự tự trọng, cái ấy mới là cái khổ to lớn. Đó là một tổn thất lớn. Ra trận, thì phải có tổn thất. Đó là số người chết, số người bị thương và số người mất tích. Trận đánh nào cũng phải có tổn thất. Trong những trận đánh như Bát Nhã, tuy không có ai chết nhưng tổn thất rất trầm trọng. Đó là đứng về phương diện nhân phẩm, lương tri, lý tưởng, tình đồng bào và thể diện của đất nước trên trường quốc tế. Chúng ta đã không có công mà còn có tội với đất nước khi bị dồn vào thế phải đánh những trận thất đức như thế. Cho nên tất cả chúng ta, tu sinh, viên chức chính quyền hay công an đều đã trở thành nạn nhân.

Một chính sách ích nước lợi dân luôn luôn được dựa trên nền tảng của một cái thấy chính xác, trong đạo Bụt gọi là chánh kiến (right view). Nếu tâm ta bị tham dục, sợ hãi và ghi ngờ che lấp thì ta không có được chánh kiến, và cái thấy của ta bị méo mó, sai với sự thực. Cái thấy này gọi là tà kiến (wrong view). Thấy Bát Nhã là một đe dọa cho một nền an ninh quốc gia là một cái thấy sai lạc rất lớn. Một chuyện buồn cười như thế mà xảy ra được, điều này thật là khó hiểu. Vì cái tà kiến đó cho nên mới có loại tư duy sai trái: cần phải triệt tiêu Bát Nhã, bằng mọi cách. Đó là tà tư duy (wrong thinking). Tư duy sai trái thì ngôn ngữ và hành động cũng sẽ sai trái. Nói rằng Bát Nhã là một tranh chấp nội bộ, nói rằng chính quyền và công an không can thiệp vào Bát Nhã, nói rằng Bát Nhã làm chính trị, v.v... tất cả những lời nói ấy đều không phải là chánh ngữ mà là tà ngữ. Tiếp theo là loại hành động được gọi là hành động sai trái, tức là tà nghiệp (wrong action). Đập phá, trục xuất, bắt bớ, xâm phạm vào nhân phẩm của người dân, đem lại khổ đau cho cộng đồng mà mình muốn phục vụ và đem lại khổ đau cho chính bản thân mình. Cái gốc của khổ đau xét cho cùng là ở cái thấy sai lạc. Vì cái thấy sai lạc ấy nên mới có những chính sách sai lầm có hại cho dân và cho nước.

Để vực dậy niềm tin và sức sống của cộng đồng Phật giáo, các vị chân tu phải tìm cách ngồi lại với nhau, nhất là các vị không còn giữ trách vụ trong tổ chức Phật giáo. Vì sợ hãi nghi ngờ cho nên người ta mới có chủ ý kiểm soát tổ chức Phật giáo. Mà cách thức kiểm soát lâu nay thường được sử dụng là đưa người của người ta vào để có thể giật dây. Một chức sắc Phật giáo mà có tỳ vết thì mới giật dây được. Nếu vị ấy liêm trực thì mình không thể giật dây. Đưa vào những người như thế trong tổ chức Phật giáo là làm hư tổ chức. Có những văn kiện của tổ chức đưa ra mà ngôn ngữ không phải là ngôn ngữ đích thực của truyền thống Phật giáo. Ai cũng biết là các văn bản ấy đã được soạn thảo sẵn để viên chức Phật giáo ký tên. Như thế thì tổ chức Phật giáo làm sao thực sự đóng được vai trò lãnh đạo? Nếu một tổ chức tôn giáo mà bị kiểm soát đến mức tê liệt không dám lên tiếng để bảo vệ cho con em của chính mình thì tổ chức ấy không còn có đủ uy tín để lãnh đạo. Cho nên thầy nghĩ là các vị chân tu phải ngồi lại với nhau, phải lên tiếng để hướng dẫn cho tuổi trẻ Phật tử và chuyền năng lượng cần có cho tổ chức Phật giáo để tổ chức này có cơ duyên thức dậy và đi tới. Điều này cũng đúng với một tổ chức cách mạng. Các vị cách mạng lão thành liêm khiết phải ngồi lại với nhau và phải cùng lên tiếng. Lên tiếng để chỉ dẫn cho tuổi trẻ, để khơi dậy niềm tin nơi họ. Để giúp làm khơi dậy ngọn lửa thiêng của cách mạng đang thoi thóp trong tổ chức. Phải làm sao cho những người tới với tổ chức cách mạng là những người có lý tưởng, có bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, có khả năng buông bỏ quyền hành và danh vọng. Nếu không tổ chức sẽ chỉ quy tụ được những phần tử cơ hội chủ nghĩa, gia nhập vào tổ chức chỉ với mục đích là tìm cầu địa vị và quyền hành. Một tổ chức như thế không còn là một tổ chức cách mạng nữa, nhất là khi những bậc đàn anh trong tổ chức là những kẻ kẹt vào địa vị và quyền hành, sống một cuộc đời quá sung túc và xa hoa, có các bọc tiền khổng lồ chôn dấu tại các ngân hàng nước ngoài. Không có ngọn lửa cách mạng trong lòng, làm sao chúng ta gọi nhau là đồng chí mà không ngượng miệng?

Họ muốn tiêu diệt Bát Nhã nên mới đặt điều cho rằng các vị xuất gia ở Bát Nhã là những người làm chính trị, chống đối chế độ, chống đối giáo hội, và Bát Nhã phải được đối trị như một tổ chức phản động. Nước lã mà người ta muốn vã nên hồ. Trong lá thư của tập sự nữ T.M.T. có câu: muốn giết một con chó thì phải nói đó là một con chó điên. Đó là cái luật ngàn đời, chỉ có kẻ ngu mới không hiểu điều đó. Tại sao con lại đi theo cái dòng Bát Nhã đó? Đó là con đường đi vào cửa tử. Người ta đã muốn triệt tiêu thì nó sẽ bị triệt tiêu thôi, dù sớm muộn nó cũng bị triệt tiêu.

Nhưng các con của thầy chắc cũng đã thấy rằng trường hợp Bát Nhã đã trở thành một trường hợp đặc biệt. Nhờ cách hành xử của các con, nhờ những dòng nước mắt trong veo không hận thù không bạo động của các con mà thiên hạ biết rằng đây không phải là một con chó điên, một con chó dại, và người ta có thể sẽ không bao giờ giết được con chó Bát Nhã. Hàng xóm của chúng ta, trong nước và ngoài nước, đã thấy được rằng đây là một con chó khôn, ta cần bảo tồn tính mạng cho nó, bởi lẽ một con chó khôn thì có khả năng giữ được cửa được nhà.

Các con nhớ thở thật nhẹ cho thầy và đi thiền hành thảnh thơi cho thầy. Dù trong hoàn cảnh nào, chúng ta cũng thực tập xử lý ngày hôm nay cho thật hết lòng. Chúng ta cần tập sống cho thật, tập nhìn tất cả với con mắt từ bi. Ngày hôm nay là chất liệu để làm nên ngày mai. Vì vậy ta phải sống cho đẹp ngày hôm nay. Thầy có niềm tin lớn nơi các con. Năng lượng lành của Tam Bảo đang che chở cho chúng ta. Các con hãy chuyên cần thực tập bài thi kệ Quay Về Nương Tựa. Không nên đi tìm một nơi nương tựa khác ngoài hải đảo tự thân. Đó là lời đức Thế Tôn căn dặn.

Về lại Mai Thôn, thầy sẽ có dịp viết tiếp cho các con.
Thầy của các con,
Nhất Hạnh

Huệ Trân - ONE BUDDHA IS NOT ENOUGH

“Một vị Phật, không đủ. One Buddha is not enough”

Đó là chủ đề khóa tu đầu tháng 9 năm 2009 tại YMCA, công viên Estes, tiểu bang Colorado mà thầy Nhất Hạnh sẽ hướng dẫn.

Nhưng khi sắp đến giờ lên xe Bus từ tiểu bang Massachusetts để ra phi trường đi Colorado, các thầy cô trong tăng thân tháp tùng mới biết là Thầy không cùng đi!

Đây là lần đầu tiên trong quá trình hoằng pháp từ nhiều thập niên, Thầy đã bất ngờ không có mặt. Sự việc bất ngờ và bất thường này có thể làm rúng động một số sư cô sư chú trẻ, nhưng Thầy trấn an là không có Thầy, sẽ vẫn có khóa tu.

Cái lá phổi trên 80 tuổi của Thầy nó lên tiếng cằn nhằn từ đầu khóa tu ở đại học Stonehill, tiểu bang Massachusetts. Khóa tu này bắt đầu ngày 11 tháng 8 năm 2009. Lá phổi cằn nhằn mà Thầy làm ngơ, cứ thiền tọa, thiền hành, thuyết giảng, pháp đàm, tham vấn …. nó bèn dọa dẫm “Thầy không nghỉ thì tôi nghỉ đó. Thầy trên 80 thì tôi cũng … trên 80 chứ trẻ trung gì” và nó quyết liệt cảnh cáo bằng dấu hiệu. Đó là, sau 2 ngày đầy năng lượng của khóa tu mang chủ đề “ Be Peace, Be Joy, Be Hope - Bình An, Hạnh Phúc, Hy Vọng”, thì Thầy ho ra máu!

Sự cảnh cáo này chỉ Thầy biết thôi. Chắc là sau đó Thầy điều đình với lá phổi “Được rồi, để xem!” nên giữa ngày thứ ba của khóa tu, Thầy lợi dụng có chút thì giờ, tìm đến phòng mạch một bác sỹ.

Chẩn bệnh xong, bác sỹ nghiêm trọng hỏi chương trình của Thầy, còn làm gì nữa? Chắc là Thầy mỉm cười, thong thả trả lời rằng “Không gì nhiều, khóa tu này đang dang dở, và xong khóa này thì khóa kế tiếp là ngay đầu tháng 9, ở tiểu bang Colorado, cuối tháng 9 là khóa ở Cali …”

Người thầy thuốc, chắc không thể giữ nổi chánh niệm mà không ngắt lời Thầy: “Không được! Thầy phải ngưng ngay khóa đang dở và hủy bỏ khóa sắp tới. Thầy phải ở lại bệnh viện này và phải được điều trị lập tức!”

Lá phổi của Thầy nghe thế chắc mừng lắm, và lá phổi của ông bác sỹ chắc khởi ý ganh tỵ “Không biết khi mình mệt, ổng ấy có sốt sắng điều trị mình ngay lập tức không?’

Cả hai lá phổi đều ngạc nhiên khi Thầy Nhất Hạnh vẫn cứ thong thả mà nói, chẳng nhận cũng chẳng chối “Vâng, để xem!”

Lần chẩn bệnh đó, Thầy về lại đại học Stonehill thì đã quá nửa đêm.

Khi Thầy nói “Để xem!” chắc bác sỹ không biết chờ xem gì. Nhưng Thầy đã biết. Một khóa tu đang dở dang mà vị thầy hướng dẫn phải bỏ ngang, nhập viện thì sự hoang mang cho đại chúng ở khóa tu này và khóa tu sắp tới chắc không nhỏ!

Thầy biết như thế. Và Thầy không để điều đó xảy ra.

Có lẽ Thầy đã dỗ dành lá phổi: “Ngoan đi con, ta sẽ không bắt làm việc nhiều quá nữa đâu. Ta sẽ không thức quá khuya, không đi quá nhiều, không ăn quá ít! Ta hứa thế. Nhưng hãy ngoan ngoãn chờ ta hoàn tất khóa tu này rồi ta sẽ chăm sóc con. Chẳng gì chúng ta cũng từng đi chung hơn 80 năm rồi, khi nào nghỉ thì cùng nghỉ, chớ dọa dẫm nhau, ta còn bao việc lợi ích để làm mà!”

Lá phổi, chắc được an ủi vì thấy Thầy đã quan tâm nên nó lại “thở vào, thở ra”, sau khi không quên nhắc Thầy “Sau khóa này thôi nhé, ông chủ!”

Và Thầy tiếp tục khóa tu ở đại học Stonehill, hoàn mãn đúng như chủ đề “Bình An, Hạnh Phúc, Hy Vọng”.

Không ai biết Thầy bệnh và đáng lẽ phải nhập viện rồi.

Vị bác sỹ thì không thể nhượng bộ hơn, thấp thỏm chờ vừa dứt khóa là đón Thầy vào bệnh viện ngay. Lương tâm của y sỹ phải như thế.

Việc có vẻ đơn giản này tôi làm được không? bạn làm được không, ông bà cô bác làm được không, nếu chúng ta đang ho ra máu và bác sỹ chuyên khoa thẩm định là phải ngưng mọi sinh hoạt, nhập viện tức khắc?

Nhiều phần, chúng ta thấy dấu hiệu bệnh, đã hốt hoảng, lại nghe bác sỹ chẩn là nghiêm trọng thì đang làm gì mà chẳng buông, chẳng bỏ, lo chữa cái thân để đừng bệnh, đừng chết. Đó là chưa kể ta đang làm điều gì đó cho chính ta, chứ đang làm cho người khác thì chắc còn buông nhanh hơn!

Khi ấy, Thầy Nhất Hạnh đang không làm gì cho chính Thầy. Thầy đang làm cho rất nhiều người, đến từ rất nhiều nơi để chờ nghe Thầy nói, chờ Thầy chỉ dẫn những gì dễ hiểu nhất, thiết thực nhất mà họ có thể áp dụng để chuyển hóa những bất an, đau khổ của chính họ và của những người thân. Làm sao để truyền đạt lời vị Đạo Sư đã Giác Ngộ 2600 năm trước, giúp vơi bớt biển khổ của người 2600 năm sau?

Chúng ta có thể tin rằng, không riêng Thầy Nhất Hạnh mà những vị trưởng tử Như Lai tự nguyện mang sứ mạng này, chắc đều có sự thỏa thuận minh bạch với tấm thân tứ đại, nên các ngài thường an nhiên khi đất nước gió lửa chẳng thuận hòa. Trong sự an nhiên đó, chúng ta ngẫm xem, có phải là cả một tấm lòng từ bi mênh mông không?

Khi biết đã đến lúc không thể chần chờ sự điều trị lâu hơn, Thầy đã họp những thầy cô lớn trong ban giáo thọ để phân trách nhiệm, thay Thầy trong khóa tu kế tiếp. Thầy nói “May thay, đây cũng là cơ duyên để Thầy biết, Thầy đã có tiếp nối chưa”.

Khóa tu đó với số ghi danh là 980 người, có những người phải bay đến, từ rất xa, có những người, chỉ nghe băng, đọc sách của Thầy và cố thu xếp khó khăn bao việc để lần này mong gặp Thầy.

Đây là điểm có thể làm ban giáo thọ hồi hộp nhất, phải làm sao để không phụ lòng Thầy và không phụ lòng những người mong đợi Thầy. Làm sao để thông báo Thầy không có mặt nơi đây mà không làm đại chúng thất vọng?

Nghĩ mà sợ!

Nhưng lạ lùng thay, Thầy đã có mặt ngay trong khi tăng thân loan báo là Thầy không có mặt.

Thầy có mặt ở những búp tay sen chắp lại, cầu nguyện cho Thầy.

Thầy có mặt ở những bài pháp xuất thần mà các vị giáo thọ đăng tòa thay Thầy.

Thầy có mặt ở sự tinh tấn vượt bực của toàn thể đại chúng trong khóa tu khi họ đồng nghĩ rằng sự tinh tấn này sẽ hồi hướng cho sức khỏe của Thầy.

Thầy có mặt ở rừng cánh tay đồng loạt giơ lên, biểu tỏ sự đồng ý khi sư cô Chân Đẳng Nghiêm đọc lá điện thư Thầy gửi từ bệnh viện Massachusetts General Hospital, đưa ý kiến là mỗi năm sẽ mở một khóa tu ngay tại đây, dù Thầy có mặt hay không.

Lá phổi hơn 80 tuổi của Thầy đã góp phần đưa ra sự thử nghiệm, tình cờ hy hữu lại trùng hợp với chủ đề khóa tu “One Buddha is not enough”. Một thiền sinh đã cảm động phát biểu trong khóa tu là “Một vị Thầy, không đủ!”

Thầy đã nhìn thấy sự tiếp nối. Thầy rất an lòng đã nhìn thấy sự tiếp nối. Các thầy cô lớn trong ban giáo thọ đã vừa chứng tỏ là tiếp nối của Thầy khi làm tròn trách nhiệm được giao phó bất ngờ một cách xuất sắc, đến mức nhiều thiền sinh chia xẻ rằng đây là khóa tu cảm động nhất, mang lại nhiều sự học hỏi tuyệt diệu nhất.

Thầy giữ lời hứa với lá phổi, ở lại bệnh viện MGH nhận sự điều trị tận tâm của bác sỹ nên ngay sau khi Thầy xuất viện, nó đã ngoan ngoãn theo Thầy về khóa tu kế tiếp, chủ đề Mindfulness Is A Source Of Hapiness, trên Đại Ẩn Sơn Lộc Uyển Tự, tiểu bang California.

Không những thế, chắc nó còn biết điều đang xảy đến nên nó phải khỏe mạnh để cùng Thầy, có mặt với 400 đứa con bé bỏng của Thầy sẽ lãnh chịu thử thách bão giông bên kia trời quê hương.

Khi bước vào thiền đường Thái Bình Dương, tu viện Lộc Uyển, Thầy biết, đại chúng đều chăm chú xem có dấu hiệu gì về sức khỏe của Thầy không; nên trước khi bắt đầu bài pháp thoại, Thầy đã nhìn khắp, rồi chậm rãi nói rằng “Bạn ơi, mỉm cười đi, đừng lo lắng nữa! Bác sỹ cứ làm việc bác sỹ, việc của mình là tu thì cứ tu!”

Thế đó.

Làm sao mà Mindfulness không Is A Source Of Hapiness được.



Huệ Trân
(Phong Vân Am, tháng 10/2009)

Thu Nguyen - Hoa sẽ nở trên đường ta bước!

Em thân yêu, các em Bát Nhã thân yêu của tôi. Các em nhỏ nhoi quá có thể vỡ tan bởi cơn bão lớn. Nhưng lịch sử sẽ nhớ em, chúng tôi sẽ nhớ em. Chúc em và các em Bát Nhã có nhiều năng lượng thương yêu, vững chãi, sáng suốt và hạnh phúc trong thử thách và quyết định của mình. Và hãy tin rằng hoa vẫn sẽ nở trên đường ta bước.

Gửi em T.M.T thân yêu và các em Bát Nhã của tôi!

Nhân đọc bài “đằng sau ánh hào quang” của em tôi xin viết vài dòng chia sẻ nỗi niềm cùng em - một người tôi chưa hề quen biết - một cách sâu sắc. Bởi những gì em gặp phải hôm nay, chính tôi đã phải đối mặt hôm qua. Tôi xin kể em nghe câu chuyện của tôi, một câu chuyện chưa ai được biết trọn vẹn. Mong em và các em Bát Nhã đừng buồn vi không phải chỉ các em, các anh chị cũng đã từng âm thầm gánh chịu nỗi gian truân: Làm tu sĩ ở nơi quê hương mình.

Em biết không tuổi thơ của tôi từ khi tôi biết nhớ là cả một thời thơ mộng, thời là một học sinh cấp hai tôi là một học sinh khá giỏi và rất ngoan. Là đội viên xuất sắc ở trường, có lẽ vì vậy năm tôi 13-14 tuổi gì đó tôi đã trở thành đoàn viên, đoàn viên Thanh niên Cộng Sản Hồ Chí Minh trẻ nhất ở chi bộ trường tôi. Sự kiện trở thành đoàn viên Thanh Niên Cộng Sản là một niềm vui của tôi và của cả gia đình. Tôi vui vì từ nay mình có một lý tưởng cao đẹp và mình sẽ sống và bảo vệ lý tưởng cao đẹp đó, lý tưởng Cộng Sản. Cha mẹ còn vui hơn tôi với mong ước của của các bậc làm mẹ làm cha, vì họ nghĩ rằng mai này tôi sẽ trở thành Đảng Viên Đảng Cộng Sản, nhờ đó tôi sẽ được quyền cao chức trọng, giàu sang phú quý, sung sướng an nhàn trên khổ sở của vạn người, đó là con đường tiến thân duy nhất thủa đó vì không phải là đảng viên anh đừng hòng mơ tưởng một tương lai cho dù có giỏi đến đâu...

Tâm An - Chân Pháp - Thư lòng kính gửi các chú Lãnh đạo và Công an

Chúng cháu không đến với những quyền hành, danh vọng mà chỉ muốn đến với nhau để được sống thật lòng với nhau. Xây dựng được tăng thân, chúng cháu cũng đã đóng góp được phần nào đem đến bình an và hạnh phúc cho những người đến với mình. Trong những người đến với tăng thân cháu có rất nhiều người thuộc nhiều thành phần khác nhau, và dù có khác nhau đi nữa thì ai đến rồi thì cũng được học cách để sống có hạnh phúc, tập thể hiện tình yêu thương đến với mọi người, tập chuyển hóa những nỗi khổ niềm đau trong tâm.

Các chú kính mến!

Cháu là một tu sĩ nhưng vẫn cảm thấy thoải mái được xưng hô là chú - cháu. Ngày trước khi còn là một em bé cắp sách đến trường cháu thường được các thầy cô giáo dạy là hễ ra đường mà gặp một người lớn tuổi bằng ông thì “thưa ông”, tuổi bằng ba thì “thưa chú”, mà tuổi bằng mẹ thì là “thưa cô”, “thưa dì”. Các chú cũng bằng tuổi ba cháu nên cháu gọi là chú. Vả lại trong đại gia đình thì người chú là dễ gần hơn hết.

Là những người xuất gia trẻ, trong các anh em của cháu hầu hết đã từng ngồi trên ghế nhà trường, đã từng là đội viên, đoàn viên, mang trên mình chiếc khăn quàng đỏ thắm hay huy hiệu đoàn, và cũng đã được học những bài học đạo đức về tư cách của một người đội viên, đoàn viên, những bài học dạy chúng cháu yêu quê hương, đất nước, con người Việt Nam.

Bây giờ đã là người xuất gia nhưng cháu vẫn còn yêu những người đội viên, đoàn viên ấy. Những người con trai, con gái với tâm hồn trong sáng và tình yêu quê hương nồng nàn. Là một người xuất sĩ, cháu và các anh em cháu không nghĩ là mình không yêu quê hương, đất nước. Mà trái lại, thầy của cháu dạy là phải thể hiện tình yêu đó bằng cách sống hằng ngày của mình. Cháu phải thực sự có bình an và hạnh phúc trong tâm thì mới gọi là yêu quê hương, đất nước được. Vì vậy mà trong cách sống hằng ngày, anh em cháu đã tập sống với hiểu biết và thương yêu. Mà cụ thể nhất là anh em cháu đã sống và có sự tôn trọng đến sự sống của mọi người và mọi loài, không có gian dối, trộm cắp, không có quan hệ tình cảm nam nữ, trái lại chúng cháu tôn trọng lý tưởng và tự do của mỗi cá nhân, không có hút thuốc, uống rượu và tiêm chích ma túy, sống có hạnh phúc và hiến tặng niềm vui cho mọi người. Đây là những điều cụ thể nhất mà anh em cháu đã sống để thể hiện tình yêu quê hương, đất nước của mình. Các anh em cháu đã đi đến với nhau bằng một tình yêu thương như vậy đó, và ước muốn có được một môi trường mà trong đó mọi người được sống để thể hiện tình yêu thương chân thật là một khát khao cháy bỏng trong tim của mỗi anh em cháu. Cháu không nghĩ yêu quê hương, đất nước thì phải theo bên này hay bên kia, tổ chức này hay tổ chức kia. Cháu không nghĩ như vậy. Đó không phải là một thước đo chính xác. Yêu quê hương đất nước là phải có hiểu biết, thương yêu, có tha thứ và bao dung. Sống có hạnh phúc và bình an trong tâm. Nếu cháu và tăng thân của cháu sống mà không có được những chất liệu đó thì tăng thân của cháu đang chết, xã hội của cháu không có những chất liệu đó thì xã hội cũng đang chết, và đất nước cũng đang chết.

Là một người trẻ, lớn lên trên đất nước Việt Nam mà không được thể hiện tình yêu quê hương, đất nước của mình thì cháu nghĩ đó là một sự thiệt thòi rất lớn, một nỗi đau rất lớn. Cháu không hiểu tại sao các anh em cháu không có được cái quyền và nghĩa vụ đó. Tại sao anh em cháu không được yêu quê hương đất nước bằng chính trái tim của mình, bằng chính lý tưởng và cuộc sống của mình. Cháu nghĩ rằng đó là cái quyền, là nghĩa vụ thiêng liêng và cao đẹp nhất, mà cũng là một gia tài quý báu nhất của dân tộc cho mỗi công dân Việt Nam. Mang tình yêu đó trong lòng, cháu cảm thấy thật ấm áp và đi đâu cũng thấy quê hương, dân tộc nằm trong trái tim mình.

Cháu đã từng nói với anh em cháu rằng, “Bát Nhã là một đất nước Việt Nam thu nhỏ”. Bởi vì trong đó các anh em cháu được sống với những giá trị đạo đức rất tốt đẹp, những điều hay, lẽ phải mà chúng cháu đã được học từ gia đình, thầy cô và từ những nét văn hóa của con người Việt Nam. Bát Nhã là nơi mà các anh em cháu đã đến với nhau bằng những lời nguyện, bằng những trái tim trong sáng và tình yêu chân thực. Chúng cháu không đến với những quyền hành, danh vọng mà chỉ muốn đến với nhau để được sống thật lòng với nhau. Xây dựng được tăng thân, chúng cháu cũng đã đóng góp được phần nào đem đến bình an và hạnh phúc cho những người đến với mình. Trong những người đến với tăng thân cháu có rất nhiều người thuộc nhiều thành phần khác nhau, và dù có khác nhau đi nữa thì ai đến rồi thì cũng được học cách để sống có hạnh phúc, tập thể hiện tình yêu thương đến với mọi người, tập chuyển hóa những nỗi khổ niềm đau trong tâm. Cũng có những người con trai, con gái thuộc hạng nhà giàu có và con cháu của các vị cán bộ nữa. Đối với những người này tiền bạc, danh vọng, quyền hành không phải là thứ họ cần, cái mà họ cần là sự bình an trong tâm hồn của họ. Đó là những việc làm mà anh em cháu thích thú nhất. Bởi vì sống mà có cơ hội để giúp đỡ cho đồng bào bớt khổ là một niềm hạnh phúc rất lớn và làm cho cuộc sống có ý nghĩa hơn. Họ khổ không chỉ là thiếu cơm thiếu áo mà còn có những cái khổ ở trong tâm. Cái khổ ở trong tâm thì người nào cũng có.

Là một người trẻ, đến với đạo Bụt và trở thành một người tu sĩ, cháu không nghĩ là mình đã trở nên dị lập, đã đứng ra ngoài cuộc sống của một người dân Việt. Mà trái lại cháu thấy mình thật may mắn vì có cơ hội để trở về với cội nguồn những giá trị văn hóa đạo đức của dân tộc Việt Nam. Đạo Bụt đã có mặt trên hai ngàn năm ở Việt Nam, đạo Bụt Việt Nam đã trở thành một sản phẩm của văn hóa Việt Nam rồi, thì một người trẻ như cháu sống trong thế kỷ 21 có đến với đạo Bụt cũng không có gì là lạ. Các thế hệ tổ tiên đã đến và đã phát huy được những giá trị tốt đẹp của đạo Bụt, để rồi cống hiến và làm giàu thêm cho nếp sống phong hóa của con người Việt Nam, thì một người trẻ như cháu thấy mình cũng có bổn phận phải tiếp nối sự nghiệp của tổ tiên.

Đến với đạo Bụt, cháu thấy cuộc sống nó đẹp hơn, biết đâu là những giá trị đạo đức văn hóa của dân tộc. Có niềm tin vào đạo Bụt, cháu thấy mình không còn là một người cô đơn, buồn khổ và không có hướng đi. Cháu mong rằng các anh em cháu vẫn có quyền được sống với nhau để được yêu quê hương, đất nước bằng chính trái tim của mình. Cháu cảm ơn các chú đã lắng nghe cháu tâm sự. Kính chúc các chú có nhiều bình an.


Kính thư,
cháu
Tâm An - Chân Pháp

Dòng Suy Tư…

Friday, October 23, 2009

Tôi thiết nghĩ không nhất thiết phải là con của Phật mà một người bình thường với sự hiểu biết về đạo đức và nhân quả đều có đủ sáng suốt để thấy được việc xảy ra ở tu viện Bát Nhã là một việc làm trái với tình người, luật pháp và có tính gian trá. Tôi kính xin ông Chủ Tịch để chứng minh là Ông đang có mặt và không bất lực thì hãy dùng khả năng sáng suốt của một người lãnh đạo một nước. Hãy vì nước, vì dân xóa bỏ sự đa nghi, tri giác lầm lạc và sợ hãi. Hãy tạo một hình ảnh đẹp cho đất nước mình, dân tộc mình và nhiều thiện cảm với trên thế giới.

Tôi sinh ra trong một gia đình bình thường, theo đạo Ông Bà và không biết nhiều về Đạo Phật. Khi còn bé, thỉnh thoảng tôi được Bà Nội dẫn đi Chùa. Với những suy nghĩ còn non nớt thuở còn cắp sách đến trường, tôi có những ước mơ sẽ trở thành một cô giáo hoặc một nữ công an. Làm cô giáo tôi sẽ có cơ hội mang tất cả kiến thức có được đến tận những vùng xa xôi để hướng dẫn và dìu dắt các em nhỏ bất hạnh và không có điều kiện đến trường.

Trở thành một nữ công an với bộ đồng phục uy nghi đó là một hình ảnh đẹp và cao cả khi tôi biết mình may mắn có được cơ hội phục vụ cho đất nước. Nhưng đó chỉ là những suy nghĩ chưa trưởng thành của một cô bé. Nhưng ước mơ đó theo mẹ tôi nói thì, "nó không đẹp như trong tư tưởng đâu con ạ, mẹ không thích con trở thành công an, tuy có uy quyền nhưng nó có nhiều mặt trái và không có đức. Nghề cô giáo tuy cực khổ những vẫn là lựa chọn tốt hơn." May mắn thay tôi luôn có mẹ bên cạnh để chỉ dẫn và giải thích và tôi đã trở thành một cô giáo chứ không phải là một nữ công an.

Sau khi tốt nghiệp Đại Học, tôi có cơ hội đi du học và làm việc ở nước ngoài. Câu nói "Đi một ngày đàng, học một sàng khôn" thật không sai. Nhờ vậy, tôi đã có dịp so sánh và học hỏi văn minh của nước bạn, hơn thế nữa tôi hiểu được giá trị hai chữ "Tự Do". Tôi đã có những ấp ủ, sẽ có một ngày, một ngày không xa, tôi sẽ trở về quê hương với không chỉ một bằng cấp cử nhân trong tay mà còn với tất cả kiến thức tôi thu nhặt được để đóng góp, phục vụ cho quê hương. Đã có bao nhiều lần tôi vật lộn với những mâu thuẫn trong trí tôi là "Tại sao những đứa con Việt, những đứa con nằm trong thế hệ trẻ như tôi, sau khi du học đều không muốn trở về phục vụ quê hương mình?" Tôi hiểu và lý giải được lý do vì sao những người thế hệ trước tôi lìa bỏ quê hương sau chiến tranh bất chấp mọi nguy hiểm, không màng cả sinh mạng của mình lênh đênh trên biển cả không biết rồi sẽ về đâu. Tuy họ biết rằng nơi họ đến là một nơi hoàn toàn xa lạ với nhiều trắc trở nhưng họ muốn tìm tự do và bình đẳng và họ được các quốc gia tự do dân chủ giang tay tiếp nhận. Vậy thì còn thế hệ trẻ như tôi thì sao, khi chúng tôi đang sống trong bình yên, không chiến tranh, lý do gì đã ngăn cản họ trở về sum vầy với những người thân yêu đang sinh sống, trở về để giúp đỡ và phục vụ cho chính đất nước của mình. Ngay giờ phút này, với cây viết trên tay và đôi mắt cay xé, tôi hiểu rỏ hơn bao giờ hết lý do vì sao mà không cần bất cứ ai giải thích. Đó là vì chúng tôi không tìm được sự bình đẳng và tự do khi trở về.

Trở về đó, nếu lỡ như chúng tôi dùng quyền tự do ngôn luận về quyền căn bản của con người, quyền tự do tôn giáo, quyền bình đẳng cũng như kiến thức phục vụ quê hương theo lý lẻ và con tim của mình đã có được từ nước ngoài thì chúng tôi sẽ không được sự an toàn, chúng tôi sẽ bị bao vây bởi sự đa nghi, ích kỷ, tham nhũng và bạo lực chính quyền. Mới đây nhất, việc xảy ra ở tu viện Bát Nhã là một bằng chứng đích thực.Đọc thư Sư Ông viết cho các đệ tử Bát Nhã tôi rất xúc động đến rơi nước mắt. Được nhờ vào phước đức Ông Bà Cha Mẹ và Chị hiện đang tu tập ở Làng Mai mà tôi có nhân duyên được tham dự khóa tu với Sư Ông ở Bích Nham vào ngày 17 tháng 10, 2009 vừa qua. Tôi được tưới tẩm những hạt giống của yêu thương và bao dung. Các thầy cô sống rất giản dị, bình đẳng, từ bi và phi chính trị. Chúng tôi có mặt bên nhau để cùng xây dựng, nuôi dưỡng và phát triển sự hiểu biết, yêu thương và giúp ích cho Xã Hội. Tôi thiết nghĩ không nhất thiết phải là con của Phật mà một người bình thường với sự hiểu biết về đạo đức và nhân quả đều có đủ sáng suốt để thấy được việc xảy ra ở tu viện Bát Nhã là một việc làm trái với tình người, luật pháp và có tính gian trá. Tôi kính xin ông Chủ Tịch để chứng minh là Ông đang có mặt và không bất lực thì hãy dùng khả năng sáng suốt của một người lãnh đạo một nước. Hãy vì nước, vì dân xóa bỏ sự đa nghi, tri giác lầm lạc và sợ hãi. Hãy tạo một hình ảnh đẹp cho đất nước mình, dân tộc mình và nhiều thiện cảm với trên thế giới.

Toronto, Canada
Ngày 22 tháng 10 năm 2009
Grape-De Men

Điện thư từ Chhime Rigzing VĂN PHÒNG ĐỨC ĐẠT LẠI LA MA

Nguyện rằng suốt đời tôi từ bây giờ cho tới mãi mãi sẽ là người che chở cho người không được chở che, là người hướng dẫn cho những ai lạc lối, là chiếc tàu cho người vượt biển, là chiếc cầu đưa người sang sông, là nơi trú ẩn cho những người bị hiểm nguy, là ngọn đèn cho người không ánh sáng, là nơi nương náu cho người không nhà và là người phục vụ cho những ai cần đến. trích lời nguyện của Bồ Tát

Ngày: 2009/10/20

Về việc Tu Viện Bát Nhã ở Việt Nam
gửi thầy jñānabhadra Shākya nhờ chuyển giao

Thưa quý vị

Cám ơn thư của các vị báo tin về sự đuổi xua các nam tăng và nữ tăng ra khỏi Tu Viện Bát Nhã ở Việt Nam. Quả thật, Đức Ngài Đạt Lại Lạt Ma rất buồn vì những sự kiện ấy. Ngài cầu mong chính quyền Việt Nam khéo léo giải quyết sự việc trên và cho phép quý thầy quý sư cô sớm trở về tu viện của họ để tu học. Quý thầy quý sư cô nên biết rằng hằng ngày , hình ảnh của quý vị đã hiện ra như những người sư anh sư chị sư em tâm linh Việt Nam trong lời cầu nguyện của Ngài và Ngài cầu mong cho chính quyền Việt Nam sẽ phục hồi sự tự do tu tập chung cho quý vị.

Như quý vị từng biết, Đức Ngài đã dạy ở Los Angeles do công đồng Phật tử Việt Nam thỉnh cầu và Ngài cũng đã dạy ở New York hôm ngày 4 tháng 10 năm nay cũng do Phật tử Việt Nam ở New York thỉnh mời.

Kính gửi những lời chúc tốt lành nhất của Ngài.

Chhime R Chhoekyapa
Thư ký Văn Phòng Đức Ngài Đạt Lại Lạt Ma


Đây là lời cầu nguyện hằng ngày của Đức Ngài:

Nguyện rằng suốt đời tôi từ bây giờ cho tới mãi mãi sẽ là người che chở cho người không được chở che, là người hướng dẫn cho những ai lạc lối, là chiếc tàu cho người vượt biển, là chiếc cầu đưa người sang sông, là nơi trú ẩn cho những người bị hiểm nguy, là ngọn đèn cho người không ánh sáng, là nơi nương náu cho người không nhà và là người phục vụ cho những ai cần đến. trích lời nguyện của Bồ Tát Bodhisatwacharyāwatāra [Tib. byang chub sems dpa'i spyod pa nyid 'jug pa bzhugs so; Ing. The Guide to the Bodhisattva Way of Life, Chapter III, Verse 18-19]~ Śhāntidewa.

“Hiểu biết là nền tảng và chìa khóa để mở ra cánh cửa của tình thương chân thật. TS Thích Nhất Hạnh.”



Bản gốc thư từ Văn Phòng Đức Đạt Lại La Ma

Thank you for your email regarding the forced eviction of monks and nuns from Bat Nha Monastery in Vietnam. Indeed, His Holiness is deeply saddened by these developments. He prays that the Vietnamese authorities will exercise restraint in dealing with such situations and allow the monks and nuns to return to their monastery. Please rest assured that His Holiness will remember these Vietnamese spiritual brothers and sisters in his prayers and hopes that the Vietnamese authorities will restore their freedom to practice together.

As you may perhaps know, His Holiness was in Los Angeles last month to give a two-day teachings at the invitation of Vietnamese Buddhists and also half a day teachings in New York on October 4, 2009 by Vietnamese Buddhists in New York area.

With good wishes,
Chhime R. Chhoekyapa
Secretary

jñānabhadra Shākya

His daily prayers

"May I become at all times, both now and forever; a protector for those without protection; a guide for those who have lost their way; a ship for those with oceans to cross; a bridge for those with rivers to cross; a sanctuary for those in danger; a lamp for those without light; a place of refuge for those who lack of shelter; and a servant to all in need"-- Bodhisatwacharyāwatāra [Tib. byang chub sems dpa'i spyod pa nyid 'jug pa bzhugs so; Ing. The Guide to the Bodhisattva Way of Life, Chapter III, Verse 18-19]~ Śhāntidewa

Understanding is the ground and the key that unlocks the door to true love" --Thich Nhat Hanh

http://nyanabhadra.wordpress.com/

Kinh Tâm Thích Pháp Bảo - Hoa Nở Trong Biển Lửa

Thursday, October 22, 2009

(kể chuyện: Bát Nhã mùa hương tàn khói lạnh)

Mấy hôm nay chúng ta lại được tắm mình, trong giếng nước thơm lừng trên quê hương thực tại. Rừng thông Bát Nhã tuy không hiện diện trước con mắt của những bước chân hiền sĩ ‘ đầu đội trời, chân đạp đất.’ suối nước âm vang như tiếng gầm của sư tử hống bên đồi trà xanh thâm sơn.Tình đồng đạo sao vẫn lưu lại kỉ niệm một thời dấu yêu qua những buổi chuyện trò Hoài Thiên Cổ. Thật vậy, Bát Nhã ca đã trở thành một huyền thoại bất hủ với Bếp Lửa Hồng sưởi ấm lòng người qua những đêm giá lạnh. Hương rừng Phương Bối như tỏa khắp mỗi buổi chiều về, hòa quyện với khung cảnh thơ mộng của Mây Đầu Núi đã tạo nên một bức tranh sinh động gắn kết tình người bao thế hệ. Cánh Đại Bàng muôn thuở, thế mà giờ đây tất cả đều đã khép lại. Than ôi! Một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp thắm đượm tình người giờ đây đã trở thành một dĩ vãng nhạt nhòa. Quán Nước Trà Thơm, xa xa thấp thoáng Cốc Lưng Đồi, Tùng Xanh lộng gió vẫn còn nở nụ cười thương yêu.Vạn vật vẫn một lòng thong thả dõi bước theo sau đoàn Tăng vững bước. cánh cửa Trai Đường Thệ Nhật luôn giang rộng niềm tin âu yếm những tâm hồn bé nhỏ. Sự nhiệm mầu hé mở chân trời Tăng Xá Cây Tre Triệu Đốt bên cánh đồng màu hoa sim nở rộ. Dường như đâu đó nắng đã lên rồi, từng giọt sương lấp lánh, khoe mình trước ánh hào quang rực rỡ của mái đại hùng bảo điện thiêng liêng.

Những cái buổi đầu tiên của đời xuất sĩ đã lặng mình dưới cội đa hào kiệt. Có lúc chúng tôi ngắm trăng lên trên tản núi rêu phong và một tách trà gừng xứ Huế đậm đà sáng đêm. Buổi vắng, mọi người cũng được có riêng một không gian yên bình để chế tác mây và gầy lấy nắng ngay nỗi nhớ mơ màng. Rồi lãng tử quay trở về an trú dưới bóng mát vườn hoa Tao Đàn Lâm Bi Ni. Tất cả hoa lá điều có đủ màu sắc và hương cỏ thơm đầy quyến rũ. Bước chân thiền hành có mặt cho Cối Nước Trái Đất mỗi ngày. Người trẻ như chúng tôi luôn khao khát uống được một hớp tình thương không điều kiện của các bậc cha anh. Vườn Hồng Cha Mẹ của Nghệ nhân Nguyễn Sánh kiến thiết đã giữ ấm vạn chục trái tim non dại đang lạc mất đường về. Làm trái tim bồ đề chúng tôi lớn dần theo tháng năm. Như khơi dậy vùng trời biết ơn bao dung sâu kín ngay giữa chốn đau thương không vũ khí . Do đó theo suy nghĩ nửa vời, Tăng Thân của chúng tôi chưa hề chia cắt và phân ly. Vì tận đáy lòng ở mọi góc nhìn đã có một Bát nhã to lớn hơn, độ lượng hơn. Thật vậy dù cho tấm thân ốm yếu, mọi thứ rách nát, ngã nghiêng trước thềm, ngoài kia gió đỗ, nhưng lòng chúng tôi vẫn mong mỏi được cuộc sống tự do ‘ giây phút hiện tại giải thoát’ có nhiều tình thương mến. Biết nuôi dưỡng lẫn nhau đó là con đường lý tưởng đẹp còn rớt lại trong thiên niên kỉ mới này.

Trước lúc chúng tôi xa rời mái nhà tâm linh thân yêu để cất bước lang thang muôn vạn lối, trên mọi nẻo đường dường như đóng lại. Mùa này ở cội nguồn Bát Nhã các cánh phượng vàng tươi vẫn thả hồn trước hiên Chùa và hoa trà vẫn thơ thẩn tiễn chân người cố hương một dặm đường ĐamRi. Khi chúng tôi ra đi, con đường năm ấy vẫy chào e ấp và hang đá lặng lẽ thì thầm mỉm cười cùng chúng tôi. Các gốc cây lớn đầy ắp bốn trăm và hàng nghìn bản nhật kí vô danh. Vũ trụ, con người với nhau sẽ lánh mặt trong khoảng thời gian hữu hạn. Như núi rừng hùng vĩ luôn là một bản nhạc hòa tấu vô sinh. Dòng người Tăng lữ sẵn sàng đề cao giá trị chân tình, lẽ sống “Độ Sinh”. Từ mọi chân trời, miền đất mẹ; anh chị em đã về, đã tới nơi đây sống gần bên người Sư Phụ kính yêu, chan hòa yên ấm dưới bóng dặn dò Người cha lành. Tình nghĩa vai huynh đệ qua một buổi sáng bình minh chìm trong lệ ngọt và bầu trời thả xuống bức tranh hổ ly sơn. Người đã lặng lẽ cuộn tròn tám mươi hai tuổi lại để biểu hiện thành một giấc mơ kì quang, đóa hoa tình Thầy trò bất diệt. Giấc mơ ấy là gì vậy? có phải là tình yêu tuổi trẻ và lý tưởng không !. “ Hỡi người giàu sang bậc nhất, hãy thôi làm thân cùng tử, về đây tiếp nhận gia tài, một lõi kim cương sáng chói”. Bài kinh Pháp Hoa lâu nay, tôi thường tụng niệm mỗi ngày nhưng chưa lần nào thẩm thấu hết ý kinh. Trong bước đường cùng, vào tối hai bảy trời mưa lạnh buốt, vừa đi vừa tủi cho cái kiếp tha phương cầu thực ‘học đạo’ bị người ta hất hủi, làm dơ chiếc áo Ca Sa mà nhiều đời chư Phật, chư Tổ dày công nâng niu cho đến bây giờ; cái năng lượng làm cho yên thân, yên tâm. Đàn hậu duệ của quí Ngài sẽ tiếp nối nguồn ánh sáng vô thỉ và nhận lấy tinh thần vô úy trong đạo Phật. Với bao điều hành hạ, cảnh đời tu đơn chiếc và sống để lắng nghe sự nguyền rủa. Áp dụng lối sống tiền sử vào thiên hà thanh minh nhưng chúng tôi đâu có lời thở than nào, chỉ đáp lại nguồn cảm tưởng ân nghĩa “ tâm từ mở ra, khổ đau khép lại”. Cho nên sau một thời gian người con Phật khổ luyện “Cất Túi Hương Trầm”. Chúng tôi lại nghe thoáng, một chút lửa lòng: “Chư tôn đức và các bậc cha hiền dân tộc sẽ che chở, đỡ đầu những mái đầu tóc non. Nỗi băn khoăn ‘không nhà’ luôn hiện về sau bữa cơm chiều ấm bụng chiến sĩ hiền lương.

Nhớ lại cái đêm ly biệt, mỗi người đi một hướng. Có người khóc nức nở, có tình người không nở chia cắt “bỏ đạo về đời”. Để tiễn những người bạn lên đường về với mẹ quê, về lại với tuổi thơ hồn nhiên và về cuốc đất trồng rau cải. Những âm thanh hừng hực như than đỏ của cánh bên kia kì thị, khiêu kích bạo động. Thấy đây là cơ hội thực tập, chuyển hóa buồn phiền. Chúng tôi bắt đầu tạo tình liên đới , gắn kết tình đồng loại bằng hơi thở tứ niệm xứ. Tỉnh táo trước cơn giận điên rồ, nổ tung lúc nào chẳng ai lường được cái tâm thức nóng lên đó. Hẳn nhiên máu gan người trẻ lúc này sẽ thực tập hết mình về sự hy sinh và phụng sự niềm tin. Ánh sáng năng lượng từ bi giao cảm của “ Thầy ” nên chúng tôi tự thiết lập, tự chỉnh đốn thân tâm của mình lại và bắt đầu câu ngạn ngữ ‘cho mây ngàn quét sạch” bầu trời vô minh hận thù. Mọi người tuy đang ở mọi chân trời yên vui hoặc đang sống an hòa trong bầu không khí ngàn năm Thăng Long, Hội Nghị Phật Giáo Quốc Tế diễn ra tại quê hương mình. Đã có ai thấu hết niềm đau chua xót, đắng cay tủi nhục của một thời kì đổi mới hình thức. Tưởng rằng những lệ thư đó, huyết thư kia, khán cáo nọ sẽ từng bước làm thay đổi khó khăn, rung động tình trạng hối hả của một bộ phận làm an ninh. Trời ơi ! Phương Bối. Ôi rừng thông bát ngát xanh rì, suối reo điệp khúc muôn chim ca, từ đây còn ai đứng lặng ngắm em trong phút lát. Ai sẽ thầm nhắc và mang em theo cả cuộc đời, dìu em tới nơi chân núi thơm hương tình người.

“Hận thù hờn oán chỉ xây bằng vôi gạch còn em hãy rót cái nhìn mật ngọt. Hót ca như chim Khuyên không mòn mỏi, để lại cho đời bao tiếng hát thanh tao”. Cứ đến nơi đây và bước đi tự tại nơi này như mây bay qua đồi núi. Chúng tôi luôn sẽ mang theo cả tấm lòng, cả ánh trăng đêm và bàn chân đâu ngần ngại, xót lại chút bùn nhơ. Bát Nhã mùa này thiếu vắng ánh sao, ngọn nến thiên thần lung linh. Từng cánh điệp vàng không còn rụng như độ ấy. Hàng trăm bàn tay chăm mon từ đây rồi hóa thành giọt sương lam huyền diệu. Mọi thứ hiện dần ra như bức họa đồng quê, lúa chín cỏ mọc. Tiếng kinh thanh thoát của các huynh đệ “ cùng nắm tay đi như một dòng sông” là chất liệu nuôi sống tương lai vô tận. Xứ chân trời mây trắng ngàn năm vẫn mãi thong dong.

Kinh Tâm Thích Pháp Bảo
Viết cho các “Người Bạn yêu quí ” của tôi!

*Cảm tưởng qua lời chia sẻ ngắn ngủi chân tình mùa Sư Tử Hống*

Chân Đức Bổn - CHIẾN TRANH VỚI MA VƯƠNG LÀ VÔ TẬN

Trong đêm thành đạo vào ngày trăng tròn tháng Tư (tháng Vesak), Ba người con gái của Ma Vương (Mara) đã tìm đủ mọi cách để quyến rủ Siddhatta nhưng đều thất bại. Ba cô gái thất bại vì Siddhatta đã thấu hiểu tường tận nguồn gốc của của ba cô. Mỗi khi ba cô hiện ra là Siddhatta chỉ cần mĩm cười nhận diện. Nụ cười của Siddhatta làm họ xấu hổ biến mất. Ba cô gái ấy không ở ngoài Siddhatta. Ba cô gái có tên là “Tham”, “Sân”, và “Si” và ở ngay bên trong Siddhatta. Sau ngày thành đạo, Siddhatta trở thành Đức Thích Ca Mâu Ni, và vẫn tiếp tục cuộc chiến với Ma Vương trong suốt cuộc đời bằng chánh niệm.

Ba người con của Ma Vương không phải chỉ có mặt trong Siddhatta, mà có mặt trong tất cả chúng ta, kể cả các công an đã hành hung tăng ni tại Tu Viện Bát Nhã, Thượng Tọa Thích Đức Nghi, và các tu sĩ PGVN. Ai cũng có thể nhận ra nguyên do trước tiên là vì Tu Viện Bát Nhã là một bất động sản lớn, là một miếng mồi ngon, thơm, đối với Ma Vương. Việc chính yếu giải quyết vấn đề Bát Nhã là làm thế nào giúp các vị bị Ma Vương sai khiến thoát khỏi bàn tay của Ma Vương.

Các vương tử dòng họ Thích Ca đã phải bỏ tất cả vàng vòng trân châu mã nảo. Họ đã gói tất cả các báu vật của họ thành một gói trao lại cho người thợ cắt tóc là Upali trên đường họ tìm tới gặp Đức Thích Ca để thọ giáo. Người thợ cắt tóc Upali hoãng sợ vì biết gói báu vật các vương tử để lại là “tai họa”, nên đã cột gói bảo vật nầy lên một cành cây, rồi cùng đi với các vương tử tìm tới Đức Thích Ca để thọ giáo. Vụ Bát Nhã có thể tránh được nếu đã làm được như các vương tử vậy (Đường Xưa Mây Trắng).

Nguyên do kế tiếp là vì các vị trung thành với chủ nghĩa Cộng Sản “sợ”. Sợ vì đã lỡ bị kẹt vào chủ thuyết. Lúc tại thế, Đức Thích Ca có dạy các đệ tử của Ngài không nên kẹt vào chủ thuyết, ngay cả chủ thuyết Phật Giáo (thời đó có rất nhiều chủ thuyết của các giáo phái Bà La Môn) vì chủ thuyết nào cũng có sinh và có diệt. Chủ nghĩa Cộng Sản không còn thời vàng son nữa, nhất là vấn đề giai cấp về “sự chênh lệch giửa giàu và nghèo và giai cấp bóc lột giai cấp”. Vấn đề giai cấp ở các quốc gia Cộng Sản giờ đây đi ngược lại chủ thuyết Cộng Sản, và thế giới Cộng Sản càng lúc càng thâu hẹp đúng theo câu nói của Đức Thích Ca: “Có sinh thì có diệt”.

Trong cuộc tranh đấu bất bạo động của Mahatma Gandhi để dành độc lập cho Ấn Độ, ông Gandhi đã nói hết tất cả những gì ông sẽ làm trong kế hoạch của ông, với các viên chức chính quyền nước Anh. Chẳng hạn như cuộc biểu tình sẽ phát xuất từ đâu, ông sẽ hướng dẫn đám biểu tình như thế nào v.v… mà không giấu một cái gì cả khi mật thám Anh đến hỏi. Cuộc tranh đấu trong vụ Bát Nhã cũng có thể giống như vậy. Nhà nước Việt Nam cũng cần học bài nầy. Ngược lại, người ta cũng có thể đoán trước nhà nước Việt Nam sẽ làm những gì trong những ngày sắp tới. Những việc sau đây có thể xãy ra:

1. KÉO CO:
Nhà nước Việt Nam có thể cù cưa với các người tranh đấu vụ Bát Nhã giống như hai phe đang kéo sợi dây thừng cù cưa qua lại nhiều tháng… Chuyến thuật nầy có thể làm những người tranh đấu trở nên chán nãn và thối chí. Cuối cùng, khi dư luận mõi mệt, nhà nước Việt Nam mới bắt đầu đưa những tu sĩ về nguyên quán từng người một, giống như rút từng chiếc đủa của một bó đủa ra mà bẻ. Nếu các tu sinh Bát Nhã không qua được chiến thuật nầy, có thể nói Ma Vương đã thắng cuộc.

2. DÊ TẾ THẦN:
Nếu không thắng được bằng kéo co, nhà nước Việt Nam có thể dùng những con dê tế thần. Lúc nầy nhà nước có thể đưa ra vài người như Công An, Thượng Tọa Đức Nghi, v.v… ra để làm tội, để trấn an dư luận trong và ngoài nước, nhưng vấn đề cư trú của tăng sinh Bát Nhã thì bị làm lơ… Trường hợp nầy có thể nói Ma Vương không thắng mà cũng không bại.

3. MA VƯƠNG LÙI MỘT BƯỚC:
Trường hợp cuộc tranh đấu trở nên khốc liệt, máu có thể đổ, thế giới có thể trở nên câm phẩn, Ma Vương có thể lùi một bước. Nếu Ma Vương lùi một bước, có nghĩa là tu sinh có thể trở về Bát Nhã, người làm nên tội có thể đền tội. Trường hợp nầy người ta có thể coi Ma Vương là kẻ bại trận…. Nhưng coi chừng! Ma Vương lùi một bước là để chờ cơ hội tiến lên hai bước. Bài học từ Đức Thích Ca là cuộc chiến với Ma Vương phải vô tận.

Những người sẽ bị làm những con dê tế thần là do cái “nghiệp” họ phải trả. Nhưng nếu họ biết dùng “Trí Tuệ”, họ có thể giải nghiệp tức khắc. Đức Thich Ca có dạy: “Biển cả mênh mông, nhưng nếu quay đầu thì tới bến”. Muốn giải nghiệp, họ chỉ cần quay đầu lại, với sự can đảm và cứng rắn như một viên kim cương, nói lên hết sự thật. Nếu làm được như vậy, thì những người nầy tức khắc được tiêu tan tất cả nghiệp chướng, được thế giới coi như những nhà tranh đấu nhân quyền nổi tiếng, và được các bàn tay tranh đấu trong nước và trên thế giới bảo lảnh, bảo bọc, che chở…

Trong thư gởi Chủ Tịch Nhà Nước Nguyễn Minh Triết, giáo sư Nguyễn Lang có viết: “Các vị cảnh sát và công an này chắc hẳn không phải là con cháu của Cách Mạng”. Cách nay hơn hai ngàn năm, Đức Thích Ca cũng có dạy: “Con sư tử là một con thú dữ và mạnh nhất chốn sơn lâm. Không có một con thú nào có thể giết chết được nó. Nhưng con sư tử sẽ bị giết chết chính vì những con trùng nhỏ li ti từ trong gan, trong phổi của nó. Những con trùng nhỏ nầy sẽ đụt khoét, ăn mòn gan phổi con sư tử cho đến khi nó chết. Những con trùng nhỏ nầy sẽ ăn từ bên trong ăn ra!..”

Chân Đức Bổn

Trần Thanh - Cho tương lai dân tộc

Nếu báo chí chỉ tuân theo một đường lối chỉ đạo của một chính sách, nó giúp đỡ cho những hành động liều lĩnh, thì thưa mẹ Việt Nam đường trở về nhà còn xa quá…chúng con đã bỏ lại cha ông với những truyền thống đẹp, với dũng khí của người xưa… Chúng ta vùng vẫy trong chính lỗi lầm mà chúng ta tạo ra... càng vùng vẫy càng bế tắc...

Mấy hôm nay tất cả các báo của Việt Nam đồng loạt đưa tin về vụ Tu viện Bát Nhã… Như là một thực tại khách quan đưa ra cho nhân dân cùng phán quyết... nhưng thật ra chỉ ngỏ cụt của sự giả dối. Các báo đài VN đã tiếp tục vẽ lên gương mặt của những nhân vật đặc biệt này một lớp mặt nạ của sự vô trách nhiệm. Những bài viết này đã biện minh và làm rào chắn an toàn cho những bạo động vô văn hóa, vi phạm trầm trọng nhân quyền, xúc phạm tới nhân cách của con người (như trong cơ quan ngôn luận của CAND đã viết về thiền sư Thích Nhất Hạnh - Quý vị mổ xẻ nhân cách của một vị thiền sư với những tình tiết hết sức thiếu văn minh). Người dân sẽ nghĩ gì về các cơ quan ngôn luận của nhà nước. Nó nhân danh cho tiếng nói tự do có phải như thế không? Tự do mà vô trách nhiệm với những gì bạo động xảy ra trên ngay đất nước mình thì tự do ấy chỉ là phương tiện cho những đổ nát, cho những hoang tàn của một nền văn hóa. Tưởng rằng để cho dư luận thêm thông tin nhưng hóa ra người đọc chỉ thấy thêm sự yếu đuối, và vụng về của nhà nước mà thôi. Những bài viết càng cho người dân thấy được ngỏ cụt của vấn đề, nền tảng đạo đức luân lý nhà nước đã thật sự lung lay. Những bài báo này, những tiếng nói từ các báo đài của nhà nước chỉ càng làm cho tình trạng bi đát thêm. Nó cào cấu thêm những vết thương vốn đã bị chủ nhân làm cho rách nát. Vết thương của dân tộc vết thương của tình người, vết thương cùa cả một đất nước.


Nếu báo chí chỉ tuân theo một đường lối chỉ đạo của một chính sách, nó giúp đỡ cho những hành động liều lĩnh, thì thưa mẹ Việt Nam đường trở về nhà còn xa quá…chúng con đã bỏ lại cha ông với những truyền thống đẹp, với dũng khí của người xưa… Chúng ta vùng vẫy trong chính lỗi lầm mà chúng ta tạo ra... càng vùng vẫy càng bế tắc... càng vùng vẫy càng hủy hoại. Chúng ta không chỉ hủy hoại 400 người trẻ kia, chúng ta không chỉ hủy hoại những nhà thờ, cha đạo, những người lên tiếng cho tình trạng khấn thiết của một đất nước… mà chính chúng ta đang đốt đuốc tự hủy hoại chúng ta, tự hủy hoại nhà nước... Chúng ta chỉ còn một con đường duy nhất là can đảm nhận ra sự thực, cần vạch rõ ra vấn đề để mà đi tới, có sai thì nói là sai, có đúng thì nói là đúng. Chúng ta phải đối diện để mà đi tới... không phải vì danh dự của một tổ chức hay của một cá nhân nào. Chúng ta hãy can đảm nắm tay nhau vì vận mệnh của đất nước, vì sự sống còn của một dân tộc. Niềm tin của nhân dân có thể từ bỏ chính quyền chính quyền nhưng niềm tin với dân tộc không bao giờ có thể mất đi, vì vậy bao giờ chúng ta cũng có thể khởi sự lại cho ngày mai. Xin các nhà báo đừng tiếp tục đổ dầu thêm vào lửa, xin quý vị hãy thức dậy trong tiếng nói của nhân văn của tình thương, của sự thật. Hãy để ngòi bút của quý vị trở thành tiếng nói của nhân dân, của lương tri.

Trần Thanh

Huệ Trân - Ngọn nến đã thắp

Khi những biến động đau thương xảy ra tại tu viện Bát Nhã nơi TMT đang là một tập-sự-nữ thì ai có thể thấy sự thật rõ hơn ngoài những người trực tiếp hứng chịu? Nên khi báo chí nhà nước phủ nhận không có sự đàn áp, chỉ là việc nội bộ tôn giáo thì “… hơn ai hết, tôi, con cháu của một gia đình có truyền thống đảng viên lại biết rõ sự thật hoàn toàn khác, phải nói là hết sức đau lòng …”


Nhân đọc chia sẻ của TMT qua bài "Đằng sau ánh hào quang"

Lá thư của TMT, một người tập sự nữ tại tu viện Bát Nhã, Lâm Đồng đăng trên Phù Sa dưới tiêu đề “Đằng sau ánh hào quang” đã vô tình hiển lộ rõ hơn, lời Đức Phật dạy về lẽ Vô Thường.

Ngay từ dòng đầu, TMT đã thành thật thố lộ môi trường cô được sinh ra và lớn lên là ước mơ của bao người. Giầu sang, danh vọng, địa vị vững chãi …. ấy thế mà cô luôn sống trong nỗi trầm cảm, không biết có phải mình đang sống không, và nếu phải, thì mình đang sống để làm gì?

Cảm nhận như thế, có phải, trong sâu thẳm tiềm thức, cô đã không nhìn sự giầu sang, danh vọng, địa vị là có thật, là sẽ còn đó mãi mãi, là sẽ luôn đem lại hạnh phúc? Vì nếu tin như thế, cô phải an vui với những thứ đang có đó chứ, sao lại luôn rơi vào trầm cảm, khắc khoải, khổ đau?

Vì TMT có những suy nghĩ khác với thân quyến mà trở thành ốc đảo cô đơn đã đành, nhưng gia đình và dòng tộc của cô thì sao? Họ không suy nghĩ như cô, nhưng họ có thực sự hạnh phúc với những gì họ tin rằng mang đến hạnh phúc không?

Lời chia xẻ trong thư của TMT cũng đã trả lời điều này. Gia đình, dòng họ TMT tuy sống trong ánh hào quang của tiền tài, danh vọng, địa vị nhưng rõ ràng là họ LUÔN HỒI HỘP, LO LẮNG những thứ đó sẽ mất đi. Vì tin rằng, mất đi là sẽ mất hạnh phúc nên BẰNG MỌI GIÁ, mọi người trong gia tộc phải như những móc xích, cùng chịu trách nhiệm chung trong việc ôm cho chặt, chất cho đầy, cột cho chắc những gì đang có, dù phải dối trá, hại người, hoặc ngay cả làm khổ mình khi không được làm điều mình muốn, nếu điều đó có cơ nguy lung lay những thứ đang ôm giữ!

Vậy thì, trong ánh hào quang đó, gia tộc của TMT có thực sự hạnh phúc, an lạc không? Họ có thực sự biết mình đang sống không? Hay mình đang thở đây chỉ là THỞ ĐỂ ÔM GIỮ HÀO QUANG chứ không hề thở mà NHẬN THỨC ĐIỀU KỲ DIỆU LÀ MÌNH ĐANG THỞ, MÌNH ĐANG SỐNG, MÌNH ĐANG LÀM CHỦ MÌNH, MÌNH ĐANG HOÀN TOÀN TỰ DO, MÌNH ĐANG THĂNG HOA VÌ KHÔNG MỘT MẶC CẢM NÀO DO DỐI TRÁ, HẠI NGƯỜI, GẠT MÌNH.

Trong thư, TMT cũng đã tâm sự là bao khổ đau âm thầm dồn nén quá tràn đầy mới giúp cô tiểu thư cành vàng lá ngọc có hành động can đảm của con nhộng bung ra khỏi cái kén, bàng hoàng trước không gian mênh mông kia, kinh ngạc trước những gì cô khổ công tìm cầu lại là những gì ngay tầm tay, đơn giản nhất. Cô đã hạnh phúc vô biên khi rửa bát, nấu cơm, chùi dọn nhà vệ sinh …. Những việc trước đây cô tưởng chỉ là việc hèn hạ của gia nhân mà cô chủ nhỏ không bao giờ biết đến. Cái hạnh phúc vô biên đó, không phải là việc cô rửa bát, nấu cơm, chùi dọn, mà là cái KHÔNG GIAN và cái TÂM khi cô làm những việc đó.

Đó là không gian của Giới, Định, Tuệ, nơi cô đang là một tập-sự-nữ. Không gian đó không có sự tỵ hiềm, đố kỵ, tranh giành, dối trá, gian tham. Không gian đó chỉ có sự đồng tâm nhất trí chia xẻ những lời dạy Từ Bi của Đức Thế Tôn để cùng Giác Ngộ, vượt thoát những hạnh phúc ảo tưởng của thế gian để thực sự cùng dấn thân trên con đường cứu mình, giúp đời.

Là một tập-sự-nữ, TMT đã mang hạnh phúc này về chia xẻ với gia đình. Cô nhận định là gia đình được chuyển hóa “ …Những bữa cơm trong gia đình bắt đầu thay đổi. Tôi vui, em trai tôi vui, mẹ tôi vui, ba tôi vui, cả nhà đều vui …”

Điều đó nói lên cái gì? Nói lên sự khổ đau sâu thẳm của những ai đang sống dưới ánh hào quang, biết chỉ là giả tạm mà không can đảm buông bỏ, không can đảm sống thật với mình. Nhận niềm vui đích thực một cách e dè, dấu diếm, trong phạm vi gia đình nhỏ bé thì được, nhưng tiến xa hơn thì không thể!

Khi những biến động đau thương xảy ra tại tu viện Bát Nhã nơi TMT đang là một tập-sự-nữ thì ai có thể thấy sự thật rõ hơn ngoài những người trực tiếp hứng chịu? Nên khi báo chí nhà nước phủ nhận không có sự đàn áp, chỉ là việc nội bộ tôn giáo thì “… hơn ai hết, tôi, con cháu của một gia đình có truyền thống đảng viên lại biết rõ sự thật hoàn toàn khác, phải nói là hết sức đau lòng …”

Sự khổ đau và yếu đuối của gia đình và dòng họ cô đã lên cao độ khi cô ngỏ ý muốn xuất gia, tu theo pháp môn Làng Mai. Tội nghiệp thay, toàn thể gia đình, dòng họ, thà phải từ con, thà phải mất cháu, chứ cái hào quang giả tạm kia không thể buông bỏ!

Suốt nhiều năm tháng học hành, để khi đỗ đạt, TMT lại không theo ngành đã học mà tiến thân, lại “làm nghề tay trái” vì “dù đã đánh mất nhiều năm tháng, nhưng không thể đánh mất mình”.

Cái dũng của người con Phật là đây. CÓ THỂ MẤT MỌI THỨ NHƯNG KHÔNG THỂ ĐÁNH MẤT MÌNH.

Vậy thì, cuối thư, TMT thảm thiết kêu lên “Có ai thắp dùm tôi một ngọn nến không?” có thực sự là câu hỏi?

Ngọn nến đó, chính TMT đã thắp rồi mà! Và như cô cảm nhận, ánh sáng đó đã đưa cô ra khỏi vùng tăm tối của nhiều năm tháng sống dưới hào quang giả tạm.

Ngọn nến đó là lời Đức Thế Tôn xót thương mà dạy:

“HÃY TỰ ĐỐT ĐUỐC LÊN MÀ ĐI. CON ĐƯỜNG TA ĐÃ CHỈ.”


Huệ Trân
(Phong Vân Am-tháng 10/09)

Tu sinh Bát Nhã có thể khởi kiện hành chánh đối với công văn 1329 của BTGCP

Giáo hội nên có kiến nghị đến các cơ quan bảo vệ pháp luật của nhà nước để họ làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt trong vụ tấn công Ban Trị sự Phật giáo và vụ trục xuất tu sinh ngày 27/9/2009 để giữ vững niềm tin của Tăng Ni, Phật tử về chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhà nước.

Sau khi đăng bài phỏng vấn thầy Thích Thanh Thắng về vụ việc Bát Nhã, Sen Việt nhận được khá nhiều phản hồi của độc giả. Nhận thấy những phản hồi ấy còn tính thời sự, nên Sen Việt tổng hợp ý kiến, tiếp tục mở một cuộc trò chuyện với thầy Thích Thanh Thắng về vụ việc này. Xin giới thiệu đến độc giả nội dung cuộc trò chuyện.

Sen Việt: Thưa thầy, thầy có ý kiến gì khi thông tin hiện nay gần như đã thống nhất gọi vụ bạo hành 400 tu sinh Bát Nhã là "Pháp nạn Bát Nhã”?

Nhắc đến “Pháp nạn”, lịch sử Phật giáo Việt Nam từng ghi nhận sự kiện đàn áp Phật giáo năm 1963 ở miền Nam, thời Tổng thống Ngô Đình Diệm nắm quyền. Giới sử học Phật giáo đã thống nhất gọi biến cố Phật giáo 1963 là “Pháp nạn”.

Trong lịch sử dân tộc, ngôi chùa bao giờ cũng mang giá trị thiêng liêng. Giá trị có chức năng giữ vững giềng mối ứng xử chung của cộng đồng. Ứng xử đó chính là “vốn xã hội”, là “bản sắc văn hóa dân tộc”, chỉ ra những tiến bộ văn hóa tinh thần trong đời sống xã hội. Nếu không phân định được các giá trị thì đời sống xã hội sẽ mất giá, hiện tượng “cụt vốn” sẽ xảy ra. Việc tấn công chùa chiền, trục xuất tu sinh trong mưa bão, cho thấy cái mất mát đó lớn hơn nhiều vấn đề mâu thuẫn lợi ích thuộc về cá nhân hay tổ chức. Đạo Phật coi trọng tương quan nhân quả, nên một xã hội mà thầy tu, thầy giáo, thầy thuốc… bị đánh đập, nhục mạ bất chấp luân thường đạo lý thì gọi là “pháp nạn” hay “quốc nạn” đều hợp lý cả.

Sen Việt: Vụ Bát Nhã có chỉ ra sự suy yếu của đạo Phật Việt Nam hiện nay?

“Giàn vững tại cây”, nếu mỗi cây ngó đi một hướng thì nhất định cái giàn không thể vững được. Khi những cái cây kết vào làm một thì bản thân cây là giàn, giàn là cây. Nhưng lúc cây không đoàn kết, gắn bó, trở thành một với cái giàn thì đó là lúc thuận lợi nhất cho sâu mọt, nắng mưa tàn phá.

Sự suy yếu của đạo Phật Việt Nam chính là việc xa rời các nguyên tắc đoàn kết và hòa hợp. Lấy nguyên tắc này tư duy thì sẽ nhanh chóng có câu trả lời.

Nhìn vào mức độ và tính chất ứng xử thô bạo, dưới tầm văn hóa đối với 400 tu sinh, tôi nhận thấy đó không còn là chuyện riêng của thiền sư Nhất Hạnh và pháp môn Làng Mai, hay của Giáo hội Phật giáo Việt Nam mà là chuyện chung của đạo Phật, của văn hóa ứng xử dân tộc.

Sen Việt: Chính quyền không nhất thiết phải đề cao các giá trị văn hóa tinh thần, họ chỉ cần đạt “mục đích” cuối cùng của việc làm.

Không đơn giản như vậy. Văn hóa là “siêu chính trị”, là vấn đề mà người xưa cho rằng có thể “đặt mực thước cho hậu thế”, “làm khuôn mẫu cho tương lai”. Văn hóa nâng tầm nhân cách lãnh đạo và chuẩn mực giá trị của một quốc gia, dân tộc. Giẫm đạp lên những ứng xử văn hóa mới là hành động phi chính trị. Sử thần Ngô Sĩ Liên từng nói: “Xót thương vì hình ngục, nhân từ với nhân dân, đó là việc đầu tiên của vương chính”. Ở điểm này, tôi suy nghĩ nhiều đến từ dùng “luân thường đạo lý” của thiền sư Nhất Hạnh trong thư gửi ngài Chủ tịch nước.

Sen Việt: Giáo hội từ trước đến nay vẫn tồn tại mà không cần có pháp môn Làng Mai.

Giáo hội này “đại diện” cho ai, cho nguyện vọng của Tăng Ni, Phật tử hay cho Chính quyền để nói đến vấn đề cần hay không cần? Cái chúng ta cần không phải lúc nào cũng là cái “Giáo hội” cần. Nhận thức về văn hóa, tôn giáo đối với Làng Mai như vậy là ấu trĩ. Không phải hôm qua anh ăn thấy ngon thì anh bảo pháp môn Làng Mai là hay, ngày mai anh không thấy ngon nữa thì anh bắt mọi người phải thấy nó tồi tệ giống như anh đã thấy. Việt Nam nên bước vào sân chơi WTO một cách đàng hoàng hơn. Văn hoá không phải là những bản sao từng được xác lập vị trí mà là những dòng chảy linh hoạt. Chính bản thân người Việt đang tiếp thu văn hoá thế giới ở những mức độ đa dạng khác nhau.

Sự tiếp nối với quá khứ đã bị đứt gãy do sự ngăn chặn, bồi lấp của chiến tranh, khiến cho việc định hướng văn hoá ẩn chứa nhiều nguy cơ biến dạng. Nếu vẽ lại những đỉnh cao quá khứ một cách thiếu cân nhắc và máy móc, rất có thể chúng ta phải trả giá cho những giá trị không thể tái lập trong thực tế mà chỉ có thể “an ủi” trong trí tưởng tượng. Phản ứng về sự vồ vập với những giá trị đã lỗi thời, đã cũ, đã bị người khác thải ra bằng cách bám vào và đề cao những giá trị đã không còn đủ sức để định mức về một khả năng đối thoại nhằm phát triển, rất có thể chúng ta sẽ bị lừa mị bởi những giá trị giả, những giá trị một đi không trở lại, làm xơ hoá tinh thần nhập thế tích cực của đạo Phật Việt Nam.

Sen Việt: Thầy có nghĩ rằng nguyên do sự việc cũng từ một bộ phận Phật giáo trong nước không mặn mà với pháp môn Làng Mai?

Tôi không cho rằng như vậy. Làng Mai ngày càng chứng tỏ sự cuốn hút của nó. Giáo hội vừa qua đã có nhiều cố gắng để đến gần hơn với các truyền thống tu tập khác nhau trên thế giới. Việc chúng ta tổ chức Đại lễ Phật đản LHP và sắp tới là Hội nghị thượng đỉnh Phật giáo không phải để chỉ ra điều đó hay sao? Có thể còn một số điều mà cách làm của Làng Mai đã tỏ ra biệt lập. Nhưng tôi xin nhắc lại, pháp môn Làng Mai là pháp môn của người Việt. Những mâu thuẫn khi tiếp nhận giá trị mới có xu hướng hiện đại, chắc chắn sẽ vấp phải những tập quán ứng xử truyền thống. Có một số tập quán đã già nua, không còn đủ sức mạnh như khi nó trưởng thành, lại phải đối mặt với những lực hút không cưỡng lại nổi của làn sóng vật chất, buộc nó phải co cụm hay phản ứng bằng thái độ tẩy chay. Tẩy chay ngay cả những sáng tạo phù hợp có giá trị tích cực. Điều đáng nói, sự tẩy chay đó lại thường được khoác áo “cổ truyền”.

Không có gì đáng trách hơn là việc đã không phát triển được văn hóa của dân tộc lại còn gia công cắt đứt sự tiếp nối với dòng chảy lịch sử bằng chính thái độ ồn ào về bản sắc trong khi chính mình không biết bản sắc đó là cái gì.

Sen Việt: Theo thầy, người ta có thực hiện đến cùng trong việc “truy bức” Làng Mai?

Người lãnh đạo cả trong Giáo hội lẫn thế tục nếu có tầm nhìn sáng suốt thì không bao giờ làm như vậy. Hành động đó sẽ lợi bất cập hại nếu chỉ nhìn vào những khía cạnh hạn hẹp trước mắt. Tôi nhận thấy không có gì vụng dại hơn là việc đã không lắng nghe phản biện của dư luận để sửa sai mà còn cố tình cãi chày, cãi cối để che lấp tội lỗi của mình. Đã vậy còn dùng thủ đoạn đối phó bằng cách tung tin đồn thất thiệt về đời tư của người khác, nhằm đánh lừa những người cả tin, ít học. Việc làm đó chỉ nói lên sự cũ kỹ của hạ sách mà đối phương thường dùng cho các lãnh đạo Cộng sản. Nếu nhận thức vấn đề không khá hơn thì càng dùng hạ sách này càng nhận thêm sự xa lánh của dư luận đối với truyền thông nhà nước. Khi truyền thông chính thống mà không can đảm đối mặt với sự thật thì sự giả dối đến từ mọi phía sẽ lũng đoạn đời sống xã hội.

Nói như GS Nguyễn Văn Tuấn, “nếu không quan tâm giải quyết, thì "niềm tin về Đảng" (và Nhà nước nữa) "giã từ" không chỉ một Nguyễn Đắc Xuân, mà còn giã từ hàng chục triệu Phật tử và công dân Việt Nam”.

Sen Việt: Thầy có nhận định gì về những phát biểu của Giáo sư Nguyễn Huệ Chi về vụ Bát Nhã trên trang nhà Bauxite?

Tôi nhất trí với quan điểm của Giáo sư Nguyễn Huệ Chi về vụ Bát Nhã. Tại sao Giáo hội lại không đưa ra một giải pháp hợp với lẽ từ bi hơn bằng cách tạo điều kiện cho những tu sinh này trực tiếp làm giấy xin tạm trú với chính quyền địa phương và tiếp tục được tu tập tại Bát Nhã?

Thực chất một nửa tiền của và công sức của Làng Mai còn nằm ở Bát Nhã. Việc Giáo hội bảo lãnh để đưa họ trở lại Bát Nhã là hoàn toàn hợp lý. Phát triển cơ sở khác trong khi tu viện Bát Nhã bị tê liệt hoạt động là việc làm vô cùng lãng phí tiền của, công sức của người Phật tử.

Chúng ta thử nghĩ xem, phản ứng của giới trí thức đối với vụ Bát Nhã liêc tục trong nhiều ngày nay chứng tỏ họ rất quan tâm đến vai trò của Phật giáo trong xã hội. Người trí thức họ nghĩ rằng Giáo hội được bầu ra, được Phật tử bốn phương tín nhiệm, là ở cái nhân cách vị tha cao cả, luôn khuyến khích chúng sinh hướng tới Phật và làm điều thiện, cũng để xã hội ngày càng thanh lọc bớt những ô trọc bởi sự vô minh, vì thế họ mong bậc tôn túc trong hàng giáo phẩm của Phật giáo Việt Nam hãy thực sự là những đóa sen trong lò lửa, để lòng ngưỡng mộ của họ với bậc tôn túc giữ được vẹn nguyên, không phân nào sút giảm.

Vậy thử hỏi Giáo hội có thể coi như không nghe, không thấy, không biết sự việc để thoái thác trách nhiệm hay không?

Sen Việt: Vậy theo thầy, Giáo hội có quan tâm đến chỗ đứng của họ không khi áp lực của dư luận, đặc biệt là của giới trí thức đang dồn về phía họ?

Cái này thì phải hỏi năng lực lãnh đạo và trách nhiệm chung của một tập thể. Tôi nhận thấy Ban trị sự Phật giáo và Tăng Ni, Phật tử tỉnh Lâm Đồng đã thể hiện rất tốt vai trò của mình, khi yêu cầu thầy Đức Nghi và đệ tử phải chịu trách nhiệm chính trong những vụ việc vừa qua.

Phản biện là xu hướng chung trong một xã hội pháp quyền. Giáo hội phản biện chính xác thì họ phải lắng nghe thôi. Một sự bất tín thì vạn sự chẳng tin. Vì vậy cũng nên có một sự trả lời rõ ràng trước niềm tin và sự kỳ vọng của dư luận, đặc biệt của giới trí thức, đừng đánh mất “tâm ban đầu” của họ. Đó cũng là thái độ trân trọng với việc làm đã qua của họ đối với Phật giáo.

Sen Việt: Nhưng Công văn 1329 của Ban Tôn giáo Chính phủ cáo buộc Tăng thân Làng Mai đã thực hiện một số việc như mở giới đàn thụ giới và một số khóa tu, bổ nhiệm trụ trì, tấn phong giáo phẩm không thông qua GHPGVN.

Công văn 1329 chỉ là một “ý kiến” sau khi Ban Tôn giáo Chính phủ nhận được văn thư của Hội đồng Trị sự GHPGVN (số 427/CV/HĐTS ngày 10/10/2008) về nội dung liên quan tới hoạt động Phật giáo của Làng Mai tại Việt Nam. Nó không phải là một quyết định được căn cứ trên luật hay pháp lệnh cụ thể nào cả. Vì thế chúng ta có thể thẳng thắn phản biện nếu thấy những đề nghị trong đó không hợp lý và không dựa trên tình hình thực tiễn của vụ việc.

“Vua không thể nói chơi”. Việc thiền sư Nhất Hạnh về nước và phát triển pháp môn Làng Mai là được sự chấp thuận của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Nhà nước Việt Nam. Ban Tôn giáo Chính phủ không thể biến Giáo hội thành trò hề trong vụ này.

Việc mở giới đàn thọ giới theo truyền thống của pháp môn là chuyện bình thường. Người xuất gia đủ 20 tuổi là có thể thọ đại giới tỳ kheo đúng theo luật Phật chế, nếu có đủ Tam sư, Thất chứng để tiến hành việc thọ giới. Người ta còn gọi đó là “Thọ giới Phương trượng”. Người được thọ giới lấy đó làm y cứ để tu tập, phát triển đời sống tâm linh, tinh thần. Còn việc mở giới đàn qua danh nghĩa Giáo hội chỉ là hợp thức hóa vấn đề giấy tờ để sau này cấp chứng điệp thọ giới, tăng tịch, tấn phong giáo phẩm theo quy định của Giáo hội. Nó không chứng tỏ điều gì rằng thọ giới như vậy thì anh tu hành sẽ tiến bộ hơn.

Khi kết tội này, họ không biết rằng, đã có không ít tu sinh Làng Mai thọ giới theo giới đàn của Ban Trị sự tỉnh hội Phật giáo Lâm Đồng.

Nói rằng bổ nhiệm trụ trì không thông qua Giáo hội là không đúng. Về bản chất, trụ trì là Phật bổ xứ. Trong một pháp môn, việc các đệ tử của pháp môn đó bầu ai đủ uy tín để đứng ra điều hành Phật sự thì Giáo hội phải tôn trọng các nguyên tắc của Tông môn trước khi ra quyết định bổ nhiệm. Thầy Đức Nghi đã cúng đất đó cho thiền sư Nhất Hạnh phát triển pháp môn Làng Mai và chính thầy là người nhận lễ truyền đăng trở thành đệ tử của thiền sư Nhất Hạnh. Việc tăng thân nếu có đề cử ai thay thế, Giáo hội có thể xem xét để giải quyết vấn đề này.

400 tu sinh đó đều là tỳ kheo trở xuống, chưa ai ở vào hàng Giáo phẩm như Thượng tọa, Hòa thượng. Nói họ tấn phong Giáo phẩm không thông qua Giáo hội là không có cơ sở, nếu không muốn nói là chụp mũ. Trong luật ghi, sau mười năm thọ đại giới là có thể gọi bằng danh xưng Hoà thượng được rồi. Vì vậy, ai muốn tham gia vào các công tác Giáo hội thì có thể cần đến cái “Giáo phẩm” ấy. Còn người tu sĩ, thước đo cho Giáo phẩm của họ là đạo đức, chứ không phải dựa vào một cái bằng tấn phong vô tri vô giác.

Sen Việt: Họ cho rằng Làng Mai đề cập sai lệch những vấn đề chính trị của đất nước, đưa lên mạng Internet (Website Làng Mai) một số thông tin sai sự thật về thực tế ở Việt Nam… Những việc làm ấy là vi phạm pháp luật Việt Nam, tạo cớ cho số xấu ở trong và ngoài nước xuyên tạc chính sách tôn giáo của Nhà nước và làm ảnh hưởng đến đoàn kết dân tộc, đoàn kết trong nội bộ GHPGVN.

Khi quy những tội nặng như vậy thì phải nêu đích danh đối tượng và chứng cớ cụ thể mà người đó đã vi phạm pháp luật. Có nghĩa phải nêu rõ cá nhân nào, trong hoàn cảnh nào, động cơ chính trị nào, vi phạm luật nào trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Thiền sư Nhất Hạnh nêu một số điểm góp ý với Chủ tịch nước trong một cuộc trò chuyện thẳng thắn, chân tình. Anh để cho người ta góp ý, người ta góp ý xong, anh thấy không thuận với suy nghĩ của mình, rồi anh bắt tội người ta rằng “đề cập sai lệch vấn đề chính trị của đất nước”, “vi phạm pháp luật Việt Nam”… thì thật khó tưởng tượng nổi. Đáng trách hơn cả là những tội ấy được đổ lên người 400 tu sinh vô tội.

Đảng, Nhà nước Việt Nam đã hơn một lần đổi tên. Trong quá trình xây dựng nhà nước có Bộ thêm vào, có Bộ bỏ đi hay gộp lại. Muốn tiến hành những việc thay đổi đó thì cũng phải có người góp ý chứ. Mình trao cho dân quyền làm chủ, quyền giám sát thì rất nên để dân nói tiếng nói thực của lòng mình.

Sen Việt: Như vậy Công văn 1329 có nhiều điểm bất ổn?

Đây là một công văn mập mờ, nặng về suy diễn và quy kết. Thông báo không ra thông báo, đề nghị không rõ đề nghị, nhưng cách diễn đạt “mệnh lệnh” thì không đổi dù có núp dưới cái bóng của “ý kiến”. Những điều này tôi thấy không khác với sự quy tội cho Làng Mai mà những đệ tử thầy Đức Nghi đã tung ra.

Tôi không hiểu tại sao họ lại “đề nghị GHPGVN có ý kiến chính thức với Làng Mai về việc làm vi phạm pháp luật và trái Hiến chương GHPGVN của họ tại Việt Nam”. Thật lạ lùng, nếu họ vi phạm pháp luật thì anh cứ việc chỉ rõ tội trạng của họ ra và xử lý theo pháp luật. Còn họ vi phạm Hiến chương hay không thì Giáo hội sẽ trình bày với anh nếu thấy đó là bức xúc thật sự. Sao anh lại có thể đề nghị một vấn đề mà anh nghe ai đó suy diễn để yêu cầu Giáo hội phải nói đúng như điều anh đã suy diễn?

Trong phần 1 anh nói: “Hoạt động Phật giáo của Làng Mai ở các cơ sở này phải có ý kiến của GHPGVN”. Nhưng sang đến phần 3, anh đã phủ nhận ngay điều mình vừa nói: “Tôn trọng ý kiến của Thượng tọa Thích Đức Nghi, Viện chủ Tu viện Bát Nhã về việc không bão lãnh cho Tăng thân Làng Mai tiếp tục tu học tại Tu viện Bát Nhã, do đó, Tăng thân Làng Mai không còn cơ sở pháp lý tối thiểu để ở lại tại Tu viện Bát Nhã nữa, mà phải rời khỏi Tu viện Bát Nhã”. Giáo hội không bằng “ý kiến” của thầy Đức Nghi, vậy thì anh còn lợi dụng vào Giáo hội này làm gì nữa?

Có thể nói, Công văn 1329 là một văn bản hành chính được ban hành không có căn cứ pháp luật, vi phạm pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo. Vì ai cũng rõ ngay sau khi thầy Đức Nghi nói không bảo lãnh cho tu sinh nữa, Ban Trị sự đã họp bất thường và thống nhất bảo lãnh cho tu sinh được tiếp tục tu học tại tu viện Bát Nhã. Ban đầu, các ban ngành ở địa phương tỉnh Lâm Đồng cũng đã thống nhất với cách giải quyết này của Giáo hội. Ban Tôn giáo Chính phủ không lấy đó làm căn cứ để giải quyết nguyện vọng chính đáng của 400 tu sinh và hướng giải quyết ổn thoả của Ban Trị sự mà lại theo “ý kiến” thầy Đức Nghi để ra một Công văn vô lý, làm cho sự việc diễn biến ngày càng nghiêm trọng.

Những tu sinh xuất gia tại tu viện Bát Nhã dù họ không có hộ khẩu thường trú thì cũng phải đảm bảo quyền tạm trú hợp pháp của họ chứ không thể trục xuất họ về địa phương. Ai cũng rõ, biết bao nhiêu pháp môn, đạo tràng, tự viện lớn nhỏ trên khắp Việt Nam, người dân đều có quyền tự do tín ngưỡng, tu tập theo pháp môn của mình, không ai có quyền bắt ép họ từ bỏ nó. Thử hỏi ở Việt Nam hiện nay có bao nhiêu Tăng Ni là có hộ khẩu thường trú, không lẽ họ cũng là đối tượng bị trục xuất về địa phương? Tu viện Bát Nhã là tài sản chung của pháp môn Làng Mai do Giáo hội trực tiếp quản lý, nếu có mâu thuẫn về lợi ích mà Giáo hội không thể dung hòa thì mới đưa ra pháp luật xét xử cho công bằng, đúng người đúng tội. Đằng này Giáo hội đang nỗ lực giải quyết, thì Ban Tôn giáo lại ra công văn giống như “mệnh lệnh” và quy cho tu sinh những cái tội không thuộc về họ, đồng thời tiến hành trục xuất họ một cách đầy vô lý và bất công.

Sen Việt: Giáo hội đã phản ứng thế nào với Công văn 1329/BTGCP-PG do ông Nguyễn Thế Doanh ký?

Nói đúng là Giáo hội đã “làm theo” chứ không phải là “phản ứng”. Tôi nghĩ do một số người không đủ điều kiện phân tích Công văn này nên sau đó đã ra những Công văn dựa trên “tinh thần” của Công văn 1329, gây bất lợi cho tu sinh. Hệ quả là sự bạo hành bất chấp luân thường đạo lý đã diễn ra vào ngày 27/9/2009. Tuy đã có một vài điều chỉnh nhỏ ở những công văn sau, nhưng nói như Giáo sư Nguyễn Huệ Chi là đã làm “vẩn lên không ít dị nghị về việc vô tình hay hữu ý các vị đã tiếp tay cho chính quyền” để đàn áp tu sinh.

Sen Việt: Vậy Giáo hội còn có thể điều chỉnh được sai lầm của mình bằng cách rút kinh nghiệm từ những công văn trước?

Có thể chứ, chỉ cần ra công văn đầy đủ khách quan về tình hình Bát Nhã, đồng thời thông báo rút lại các công văn trước đó. Tôi cho rằng Công văn 1329 của Ban Tôn giáo Chính phủ cũng phải nên nhanh chóng được rút lại. Vì hậu quả của nó đã diễn ra hết sức nặng nề, gây tổn thương trầm trọng đến hình ảnh Giáo hội và gây bất bình đối với dư luận trong và ngoài nước. Danh dự, nhân phẩm của 400 tu sinh đã trực tiếp bị chà đạp, theo tinh thần thượng tôn pháp luật, cần phải lấy lại công bằng cho họ.

Với những hậu quả gây tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, tôi đã nghe một số luật sư nói rằng tu sinh, thậm chí Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Lâm Đồng hoàn toàn có cơ sở pháp lý để khởi kiện hành chính đối với Công văn 1329/BTGCP-PG, bởi hầu hết nguyên nhân rắc rối đều bắt nguồn từ công văn này mà ra. Đối tượng gửi đến của công văn đó bao gồm: Văn phòng I, Văn phòng II GHPGVN; Bộ Công an (A 41); UBND tỉnh Lâm Đồng; Sở Nội vụ tỉnh Lâm Đồng; BTS Phật giáo tỉnh Lâm Đồng. Rất có thể sức ép của tướng Trần Tư đối với thầy Đức Nghi cũng chỉ bắt đầu sau khi có Công văn này.

Giáo hội nên có kiến nghị đến các cơ quan bảo vệ pháp luật của nhà nước để họ làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt trong vụ tấn công Ban Trị sự Phật giáo và vụ trục xuất tu sinh ngày 27/9/2009 để giữ vững niềm tin của Tăng Ni, Phật tử về chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhà nước.

Sen Việt: Xin cảm ơn thầy về cuộc trò chuyện này và kính chúc thầy an lạc!

Thực hiện: Nhóm Sen Việt
http://huongsenviet.blogspot.com/2009/10/tu-sinh-bat-nha-co-khoi-kien-hanh-chinh.html

TÂM THƯ TĂNG THÂN BÁT NHÃ

Tăng Ni sinh và bạn trẻ Việt Nam trong và ngoài nước "... Chúng tôi vô cùng cảm động khi đọc “Huyết Thư” trên mạng phusaonline ngày 30/9/2009 của quý liệt vị. Chúng tôi rất biết ơn quý vị đã hết lòng yểm trợ cho chúng tôi trong thời gian qua. Huyết thư đó đã trấn an cho chúng tôi rất nhiều. Chúng tôi biết trong hoàn cảnh nào quý vị vẫn luôn có đó cho chúng tôi như những người sư anh, sư chị của mình, luôn sẵn sàng nâng đỡ yểm trợ hết lòng cho chúng tôi khi chúng tôi cần đến. Tuy thế chúng tôi vẫn đang ở trong tình thế bị động và rất bất an. Tuy được lánh nạn tại chùa Phước Huệ ở thị xã Bảo Lộc tỉnh Lâm Đồng sau hai lần bị hành hung và bị đuổi ra khỏi Tu Viện Bát Nhã, nhưng chúng tôi vẫn đang tiếp tục bị áp lực phải rời khỏi nơi đây và bị đe dọa sẽ bị hành hung như lần trước..."

"... Chúng tôi là những người tu sĩ trẻ thuộc tăng thân Tu Viện Bát Nhã, chúng tôi đang bị lâm nguy vì sự việc xảy ra vừa qua tại TV Bát Nhã ngày 27/9/2009. Chúng tôi đã bị hành hung, đánh đập và bị đuổi ra khỏi Tu Viện trong khi ngoài trời đang mưa bão (Các bạn có thể xem chi tiết trên phusaonline). Hiện tại chúng tôi đang tạm lánh nạn ở chùa Phước Huệ - Bảo Lộc, Lâm Đồng nhưng lại tiếp tục bị áp lực phải rời khỏi nơi đây mà chúng tôi không biết phải đi đâu. Chúng tôi đang bị đe dọa là sẽ bị hành hung như lần trước như tại TV Bát Nhã trong nay mai. Tình trạng rất nguy nan và khẩn cấp. Vì vậy, chúng tôi viết thư này xin các bạn trẻ bên ngoài giúp đỡ..."

Bài mới đăng

Tổng mục lục