Tâm tình và trăn trở của các tu sinh trẻ tu viện Bát Nhã

Saturday, December 26, 2009

Hằng trăm tu sinh trẻ theo pháp môn Làng Mai của Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại Tu viện Bát Nhã, Lâm Đồng, đang hoang mang lo lắng không biết đi về đâu sau khi thầy trụ trì chùa Phước Huệ ký đơn cam kết với chính quyền rằng sau ngày 31/12 sẽ không bảo lãnh cho họ nữa. Đây là nơi tá túc của gần 200 tăng thân trong nhóm 400 đệ tử của Thiền sư Thích Nhất Hạnh bị trục xuất ra khỏi Tu viện Bát Nhã hồi cuối tháng 9 vừa qua. Trước những căng thẳng với chính quyền, các thanh niên theo pháp môn Làng Mai có những tâm tình và trăn trở ra sao? Đó cũng là nội dung câu chuyện với 4 tăng sinh trẻ đang ở tạm tại chùa Phước Huệ, Lâm Đồng, mà Tạp chí Thanh Niên gửi đến quý vị trong chương trình tuần này.



Pháp Hoan: Tôi là Pháp Hoan, quê Bình Thuận. Năm nay tôi 17 tuổi. Tôi vào Bát Nhã được trên 2 năm.

Pháp Trình: Tôi là Pháp Trình, quê Nha Trang. Tôi 15 tuổi. Tôi vào Bát Nhã trên 6 tháng.

Nam Nghiêm: Tôi là Nam Nghiêm. Tôi ở Huế. Tôi vào Bát Nhã trên 4 năm và năm nay tôi 16 tuổi.

Ngộ Nghiêm: Tôi là Ngộ Nghiêm, năm nay 18 tuổi. Tôi ở Gia Lai. Tôi vào Bát Nhã trên 4 năm.

Trà Mi: Xin hỏi thăm các bạn, cơ duyên nào các bạn biết đến pháp môn Làng Mai và vì sao các bạn chọn pháp môn này làm con đường học đạo của mình?

Pháp Hoan: Cách đây hai năm có một thầy từng tu học tại đây giới thiệu cho tôi. Sau đó, tôi đi theo thầy và lên đây thực tập.

Trà Mi: Cảm ơn bạn. Xin được hỏi thăm người bạn kế tiếp. Mời cô Ngộ Nghiêm.

Ngộ Nghiêm: Tôi được biết đến pháp môn Làng Mai cũng khá lâu. Tôi có một người chị thực tập ở đây trước tôi và giới thiệu cho tôi.

Pháp Trình: Tôi cảm nhận pháp môn này rất là đẹp, mang lại nhiều điều hạnh phúc cho cuộc đời tôi và cũng đã giúp tôi rất nhiều trong việc gia đình, xã hội, cũng như trong học tập.

Nam Nghiêm: Vào năm 2005 sư ông Làng Mai là thiền sư Thích Nhất Hạnh về Việt Nam có đến Huế tổ chức khóa tu tại chùa Từ Hiếu và Từ Đàm. Ba mình có dẫn mình tới tham dự và mình được nghe pháp thoại từ sư ông Làng Mai. Khi mình tới Tu viện Bát Nhã thực tập thì mình thấy rõ bản chất con người mình hơn, mình giải quyết được những cái khó khăn từ trong nội tâm của mình. Khi mình có khổ đau hay buồn giận, mình có thể đem những gì mình học như “phương pháp làm mới” để có thể ngồi lại chia sẻ những khó khăn đang gặp.

Trà Mi: Là những tăng sinh trẻ trong pháp môn Làng Mai, các bạn nhận xét thành phần trẻ đến với pháp môn này có đông hay không?

Pháp Hoan: Tại Tu viện Bát Nhã tu theo pháp môn Làng Mai có 85% là các anh em trẻ.

Trà Mi: Đó là những thành phần chính thức trở thành tăng sinh. Còn những người mà chỉ tới nghe, dự những buổi thuyết pháp của pháp môn này, thành phần trẻ có đông không?

Pháp Hoan: Đại đa số là các bạn trẻ, kể cả những anh em thật sự xuất gia và các bạn trẻ tới tham dự khóa tu hằng tháng hoặc những khóa tu tổ chức của sư ông tại Việt Nam.

Trà Mi: Theo chỗ các bạn ghi nhận, vì sao pháp môn của thiền sư Thích Nhất Hạnh thu hút sự quan tâm của đông đảo giới trẻ Việt Nam như vậy?

Pháp Hoan: Theo sự cảm nhận và thực chứng của mình, pháp môn này rất phù hợp với tuổi trẻ. Ví dụ như khi tuổi trẻ có những xung đột hay khó khăn với gia đình, bạn bè, thì quý thầy-quý sư cô có thể giúp mình tháo gỡ ra bằng cách thực tập ái ngữ lắng nghe, hoặc thực tập ngồi lại chia sẻ, làm mới. Pháp môn này vận dụng những giáo lý của nhà Phật, ngôn ngữ phù hợp với tuổi trẻ, giúp tuổi trẻ có thể tháo gỡ những khó khăn hiện tại của họ trong xã hội.

Trà Mi: Tin tức gần đây cho hay có một số căng thẳng giữa các tăng sinh, tu sinh theo pháp môn Làng Mai với chính quyền địa phương. Các bạn có điều gì muốn chia sẻ về những gì đã ghi nhận, chứng kiến được không?

Nam Nghiêm: Gần đây mình được chứng kiến và thấy rõ những vấn đề đang xảy ra cho anh chị em mình đang tu học tại đây. Mình cảm thấy rất là lo lắng. Trong thời gian qua, anh chị em mình đã đi ra và tạm trú tại chùa Phước Huệ vì một số vấn đề trong Tu viện Bát Nhã.

Trà Mi: Những vấn đề phát sinh từ Tu viện Bát Nhã, các bạn có thể cho biết nguyên do từ đâu? Vì sao xảy ra những sự căng thẳng đó?

Ngộ Nghiêm: 2 năm sau này có một số lủng củng. Có những người, mình không biết rõ có phải Phật tử hay không, vào ngày 27/9 họ tập trung lại, tiến vào Tu viện Bát Nhã, mời tất cả các thầy, sư cô, và tất cả mọi người trong đó ra khỏi Bát Nhã. Họ nói rằng chùa đó là do công của họ làm nên. Tất cả quý thầy, quý sư cô, và tăng sinh không hiểu nguyên nhân tại sao.

Trà Mi: Phía chính quyền nói rằng những căng thẳng vừa rồi là do “sự tranh chấp nội bộ”?

Ngộ Nghiêm: Trong suốt thời gian mình ở Tu viện Bát Nhã, trong nội bộ giữa các thầy và các sư cô, giữa người nhỏ và người lớn không có chuyện gì xảy ra cả, cũng không có chuyện tranh chấp ở trong đó.

Trà Mi: Nhưng mọi việc hình như bùng nổ sau khi thầy Đức Nghi không bảo lãnh cho các tăng sinh nữa. Lý do vì sao có quyết định này, các bạn có biết không?

Ngộ Nghiêm: Việc đó mình không rõ.

Trà Mi: Trước đây, từng có những căng thẳng như thế này chăng?

Nam Nghiêm: Sự căng thẳng bùng nổ vào ngày 27/9/09 là lớn nhất, nhưng 6 tháng trước đó, họ đến cắt điện, cắt nước của đại chúng và lấy đồ dùng cá nhân trong phòng của các thầy, các sư cô ra. Họ bảo rằng họ muốn lấy lại những gì họ đã làm nên. Cho nên họ khiêng tất cả các giường, nệm, đồ vật cá nhân của tăng thân ra ngoài sân. Họ làm như vậy suốt trong 6 tháng trước đó. Có những chuyện không được an ninh. Công an cứ vào ra kiểm tra giấy tờ tạm trú và làm mọi người rất là lo lắng. Có khoảng thời gian họ không cho các thầy, các sư cô sinh hoạt như trước nữa. Họ rào tất cả các đường thiền hành và các đường đi lên xuống các xóm thì họ không cho phép.

Pháp Hoan: Theo tôi được biết, bắt đầu từ tháng 5-6/2008 đã có hiện tượng âm ỉ rồi và kéo dài. Đến trước ngày 27/9 có những hiện tượng như một số vị, không biết có phải Phật tử hay không, vào Tu viện chửi rủa quý thầy, quý sư cô. Họ cắt điện, cắt nước, đập phá những ống dẫn nước, dẫn điện. Họ còn lấy phân dơ rải dưới suối không cho quý sư cô dùng nước suối. Có lúc họ tấn công vào Tu viện và đập phá. Họ làm rất nhiều thứ để bắt buộc quý thầy, quý sư cô phải rời khỏi Tu viện Bát Nhã.

Trà Mi: Vâng, nhưng lý do vì sao có những vụ việc như thế này, như Pháp Hoan vừa nói, nó cũng âm ỉ cách đó một năm rồi?

Pháp Hoan: Thật sự tôi cũng không rõ lắm, nhưng chúng tôi biết là bên cạnh đó cũng có những vị bên chính quyền vào kiểm tra tạm trú-tạm vắng và bắt buộc anh em chúng tôi phải đi ra.

Trà Mi: Phía Ban Tôn giáo chính phủ nói là vì Tu viện Bát Nhã tổ chức những khóa tu không xin phép. Đây có phải là một nguyên do không?

Pháp Hoan: Mỗi lần tổ chức khóa tu như vậy, quý Phật tử tới tham dự rất đông, rất an lạc, thảnh thơi, không có vấn đề gì.

Trà Mi: Bỗng dưng thầy trụ trì Đức Nghi thôi không bảo lãnh cho các tăng sinh nữa. Các tăng sinh hiểu việc này như thế nào?

Pháp Hoan: Trước đó, Thượng tòa Đức Nghi có gợi ý với sư ông (thiền sư Thích Nhất Hạnh) là muốn mở ra một trung tâm ở Việt Nam, tu tập theo pháp môn Làng Mai. Sau đó, sư phụ về Tu viện Bát Nhã và sư phụ gầy dựng lên. Và sau đó là nhiều anh em xuất gia tu theo pháp môn Làng Mai, phát tâm ở đó, mà đa số là sinh viên-học sinh. Có khoảng 400 vị xuất gia trẻ. Không biết sư phụ bị áp lực như thế nào mà lại rút lại việc tạm trú-tạm vắng cho anh em chúng tôi. Rồi sau đó là những sự việc vừa rồi tôi kể diễn ra.

Trà Mi: Sau những gì xảy ra, các bạn không nghĩ đó là một sự tranh chấp nội bộ?

Pháp Hoan: Dạ không.

Trà Mi: Lý do nào khiến các bạn tin rằng có một nguyên do sâu xa khác?

Pháp Hoan: Khi chúng tôi bị cúp điện nước ở Tu viện Bát Nhã, chúng tôi có xin nhà đèn và bên chính quyền thì họ vẫn không chịu mở điện và nước cho quý thầy và quý sư cô dùng, mà họ vẫn để nguyên hiện tượng như vậy.

Trà Mi: Nguyên nhân chính quyền viện dẫn là do quý thầy, quý sư cô không chi trả đầy đủ tiền điện, nước?

Pháp Hoan: Dạ không, hoàn toàn không bao giờ có chuyện đó.

Trà Mi: Trước những gì đang diễn ra, là các tăng sinh trẻ đang tu tập ở đó, các bạn có cảm nghĩ như thế nào?

Pháp Hoan: Sau khi Pháp Hoan và đại chúng rời xa quê hương Bát Nhã đã đi ra tạm trú ở chùa Phước Huệ. Những ngày gần đây có lãnh sự quán đại diện cho Liên minh Châu Âu, đại sứ quán Mỹ, và đại sứ quán Thụy Sĩ có vào thăm, nhưng tôi thấy tình hình cũng không tốt đẹp mấy. Anh chị em chúng tôi thật sự đang rất tuyệt vọng. Có một số người lạ mặt tới chùa Phước Huệ chửi bới và bắt thầy trụ trì phải ký giấy đuổi các tu sinh Làng Mai ra khỏi chùa Phước Huệ. Họ kiên quyết là ngày 31/12 phải đuổi chúng tôi ra. Chúng tôi rất tuyệt vọng trong tình huống này. Một vài anh em của chúng tôi đã ra đi mà cũng không biết phải đi về đâu nữa.

Pháp Trình: Tuổi của chúng tôi vẫn còn rất trẻ. Ở những lứa tuổi đó, ở ngoài đời có thể rất là vui vẻ, nhưng trong 6 tháng vừa qua, chúng tôi đã phải trải qua tình trạng rất là bất an. Hằng đêm đều có những người lạ mặt tới làm ồn ào.

Trà Mi: Trước những áp lực bắt buộc các tăng sinh phải giải tán về địa phương, vì sao các tăng sinh lo ngại việc này? Giải tán về địa phương khó khăn, rắc rối như thế nào? Mình vẫn có thể tu tập được chứ?

Nam Nghiêm: Khi mình về địa phương thì mình không có điều kiện được tu tập theo pháp môn Làng Mai vì ở đó không có môi trường. Các chùa ở các địa phương không tổ chức những phương pháp tu học như ở đây.

Trà Mi: Nhưng tự bản thân mình, về những chùa địa phương đó, mình tu tập theo pháp môn mình chọn thì có trở ngại ra sao?

Nam Nghiêm: Dạ có. Vì nếu mình sống trong một cộng đồng, mà mình không hòa theo cộng đồng đó, tất nhiên sẽ cảm thấy rất là lạc lõng. Mình không được tạo điều kiện để tu học theo pháp môn của mình.

Trà Mi: Như vậy, liệu những diễn tiến này có làm ảnh hưởng đến quyết định của các bạn trong việc chọn con đường đạo pháp cho mình hay không?

Nam Nghiêm: Trải qua tất cả những việc này, mình cảm thấy rất là bị sốc. Mình đi tu, mình rất muốn đóng góp và xây dựng cho quê hương, đất nước, và đạo pháp ở Việt Nam. Và mình rất muốn duy trì pháp môn này, duy trì về con người cũng như môi trường. Cho nên, mặc dù trải qua những khó khăn như thế, mình vẫn có niềm tin là anh chị em mình vẫn sống chung với nhau để cùng thực tập, tu chung tiếp tục, để có thể mang lý tưởng xây dựng cuộc đời, xây dựng đạo pháp hiến tặng cho nhiều người hơn.

Trà Mi: Cảm ơn cô Nam Nghiêm. Xin được hỏi các bạn khác, các bạn cảm thấy như thế nào? Những việc xảy ra như thế liệu nó có làm ảnh hưởng, có làm tan rã pháp môn Làng Mai?

Ngộ Nghiêm: Mình nghĩ sẽ không xảy ra chuyện đó.

Trà Mi: Làm cách nào các bạn có thể duy trì được đạo pháp mà mình đã chọn lựa?

Ngộ Nghiêm: Mình cảm thấy rất lo lắng, bất an, vì mình bây giờ vẫn chưa có cách nào để giải quyết hết, nhưng cho dù có những khó khăn, mình vẫn đi trọn con đường mình đã chọn.

Trà Mi: Nếu có cơ hội đề đạt nguyện vọng của mình lên những người hữu trách, các bạn sẽ nói gì, những tăng sinh Làng Mai trẻ tuổi?

Nam Nghiêm: Mình rất muốn mọi người sẽ giải quyết sự việc này càng sớm càng tốt để các thầy, các sư cô, và tất cả đại chúng ở đây được có một môi trường lành yên để tu học, giải quyết được tất cả những khó khăn trong nội tâm mình cũng như cho các bạn trẻ.

Trà Mi: Bạn vừa nói là bạn muốn vấn đề mau chóng được giải quyết, nhưng sự giải quyết này, các bạn đang đặt kỳ vọng ở những ai?

Nam Nghiêm: Mình hy vọng là tất cả mọi người cũng như là nhà nước sẽ giải quyết cho tất cả, vì mình cũng là công dân của nước Việt Nam mà.

Pháp Hoan: Thật sự mục đích xuất gia lớn nhất của tôi là được đi theo pháp môn Làng Mai. Chúng tôi đang ở trong tình thế rất tuyệt vọng, và nếu như có được một vùng đất mới, nơi chúng tôi có thể tu theo tăng thân, thì đây là điều nằm ngoài tầm tay của chúng tôi. Nếu như có được điều như vậy, chúng tôi rất là hạnh phúc. Đó là điều ước ao lớn nhất của chúng tôi.

Trà Mi: Ngoài nguyện vọng như thế, với sức trẻ của mình, các bạn có thể góp phần như thế nào để biến ước mơ đó trở thành hiện thực hay không?

Nam Nghiêm: Mình thấy việc này rất khó làm, chỉ còn mong muốn nhờ vào những vị trách nhiệm trong nhà nước và trong Giáo hội Việt Nam. Mình tin là họ sẽ lắng nghe được những vấn đề mà anh chị em tăng ni sinh trẻ mình đang gặp ở tại chùa Phước Huệ. Ở đây, anh chị em mình nhiều lần đã làm thỉnh nguyện thư. Không những mình, mà các nhà trí thức trong nước, cũng như sinh viên, học sinh, tăng ni sinh ở Việt Nam cũng đã viết những thỉnh nguyện thư gửi lên tận Chủ tịch nước mà vẫn chưa thấy được hồi âm giải quyết vấn đề cho anh chị em tăng ni sinh tại chùa Phước Huệ.

Ngộ Nghiêm: Mình đang không biết sẽ đi về đâu nên mình vẫn còn cố gắng chờ đợi.

Trà Mi: Tất cả 4 người bạn trẻ ở đây đều nấn ná chờ đợi đến ngày cuối cùng để xem những tia hy vọng cuối cùng của mình có được hồi đáp hay không, phải không ạ?

Tất cả: Đúng vậy.

Trà Mi: Cảm ơn tất cả các bạn rất nhiều và cầu chúc cho những hy vọng của các bạn sớm trở thành hiện thực.

Tất cả: Dạ, xin cảm ơn chương trình.

Tạp chí Thanh Niên xin chia tay với quý vị tại đây và mong nhận được những góp ý và chia sẻ của quý thính giả với chương trình tại địa chỉ email vietnamese@voanews.com. Hẹn tái ngộ cùng quý vị trên làn sóng này, tối thứ ba tuần sau. Trà Mi kính chào tạm biệt quý thính giả.

0 Góp ý kiến:

TÂM THƯ TĂNG THÂN BÁT NHÃ

Tăng Ni sinh và bạn trẻ Việt Nam trong và ngoài nước "... Chúng tôi vô cùng cảm động khi đọc “Huyết Thư” trên mạng phusaonline ngày 30/9/2009 của quý liệt vị. Chúng tôi rất biết ơn quý vị đã hết lòng yểm trợ cho chúng tôi trong thời gian qua. Huyết thư đó đã trấn an cho chúng tôi rất nhiều. Chúng tôi biết trong hoàn cảnh nào quý vị vẫn luôn có đó cho chúng tôi như những người sư anh, sư chị của mình, luôn sẵn sàng nâng đỡ yểm trợ hết lòng cho chúng tôi khi chúng tôi cần đến. Tuy thế chúng tôi vẫn đang ở trong tình thế bị động và rất bất an. Tuy được lánh nạn tại chùa Phước Huệ ở thị xã Bảo Lộc tỉnh Lâm Đồng sau hai lần bị hành hung và bị đuổi ra khỏi Tu Viện Bát Nhã, nhưng chúng tôi vẫn đang tiếp tục bị áp lực phải rời khỏi nơi đây và bị đe dọa sẽ bị hành hung như lần trước..."

"... Chúng tôi là những người tu sĩ trẻ thuộc tăng thân Tu Viện Bát Nhã, chúng tôi đang bị lâm nguy vì sự việc xảy ra vừa qua tại TV Bát Nhã ngày 27/9/2009. Chúng tôi đã bị hành hung, đánh đập và bị đuổi ra khỏi Tu Viện trong khi ngoài trời đang mưa bão (Các bạn có thể xem chi tiết trên phusaonline). Hiện tại chúng tôi đang tạm lánh nạn ở chùa Phước Huệ - Bảo Lộc, Lâm Đồng nhưng lại tiếp tục bị áp lực phải rời khỏi nơi đây mà chúng tôi không biết phải đi đâu. Chúng tôi đang bị đe dọa là sẽ bị hành hung như lần trước như tại TV Bát Nhã trong nay mai. Tình trạng rất nguy nan và khẩn cấp. Vì vậy, chúng tôi viết thư này xin các bạn trẻ bên ngoài giúp đỡ..."

Bài mới đăng

Tổng mục lục