Nhất Hạnh - HẠT GIỐNG BỒ ĐỀ BẤT DIỆT

Wednesday, December 30, 2009

Mahatma Gandhi cũng đã từng sử dụng phương pháp đối kháng bất bạo động để tranh đấu cho chủ quyền độc lập của Ấn Độ. Ngài nói: “Đối kháng bất bạo động là một sức mạnh tâm linh, một sức mạnh không có gì so sánh nổi. Sức mạnh của nó vượt lên trên cả sức mạnh của quân đội và vũ khí. Đó không phải là khí giới của kẻ yếu đâu.” (Passive resistance, that is, soul force, is matchless. It is superior to the force of arms. Not the weapon of the weak.)

Phương Khê Nội Viện

Những ngày cuối năm 2009

Thân gửi các con Bát Nhã của thầy,

Thầy biết rằng trong giờ phút này các con phải đi tản mác nhiều nơi, không còn được ở chung tu tập như một Tăng thân nữa, nhưng thầy tin rằng lá thư này của thầy vẫn tới được với tất cả các con.

Ngày Chủ Nhật 20-12-2009 vừa rồi, đại chúng bốn chùa Làng Mai đã tập họp tại Xóm Thượng để làm ngày chánh niệm. Đã sáu tháng nay, chùa Pháp Vân Xóm Thượng vì không có thiền đường nên đã phải tổ chức các khóa tu và các ngày sinh hoạt chánh niệm ở ngoài trời. Hôm Chủ Nhật vừa qua, thiền đường Nước Tĩnh của Xóm Thượng đã được hoàn tất, cho nên đây là lần đầu tiên đại chúng được sử dụng thiền đường trở lại. Thiền đường mới rộng và đẹp lắm, rộng và đẹp hơn thiền đường cũ nhiều.

Các thầy, các sư chú và các cư sĩ ở Xóm Thượng đã cùng nhau tự thiết kế và xây dựng nên thiền đường này, đã làm việc như một Tăng thân, và trong suốt sáu tháng trời đã có cơ hội nuôi dưỡng và làm lớn lên tình huynh đệ. Nhìn vào thiền đường ai cũng thấy được Tăng thân và tình huynh đệ ấy. Mỗi viên gạch, mỗi tấm ngói, mỗi khung cửa đều mang dấu tích của những tiếng cười, những ánh mắt, những bàn tay và những giọt mồ hôi của mỗi người trong đại chúng. Các thầy các sư chú của chùa Sơn Hạ cũng như các sư cô của các chùa Từ Nghiêm Xóm Mới và Cam Lộ Xóm Hạ cũng thỉnh thoảng lên góp công chấp tác một ngày. Thiền đường rất đẹp, nhưng nếu nhìn thiền đường mà chưa thấy được tình huynh đệ của Tăng thân thì vẫn chưa thấy được cái đẹp đích thực của thiền đường.

Chủ đề của khóa tu mùa An Cư Kiết Đông năm nay là Nghệ Thuật Hạnh Phúc, và đại chúng đã học xong được kinh Cát Tường, Kinh Mâu Ni và bài kệ truyền thừa của Pháp Phái Liễu Quán. Đại chúng thực tập câu linh chú thứ năm rất chuyên cần và nhận diện được rất nhiều những giây phút hạnh phúc được sống và được thực tập bên nhau. Những ngày xuất sĩ tổ chức hàng tuần tại Nội Viện Phương Khê đem tới rất nhiều nuôi dưỡng và hạnh phúc cho đại chúng.

Câu linh chú thứ năm nếu ta nhớ thực tập sẽ có hiệu lực tức thời, ai cũng công nhận như thế. Chỉ cần trở về với giây phút hiện tại, thấy được rằng mình (tuy vậy mà) đang có rất nhiều may mắn (hơn nhiều người khác), là mình có thể mỉm cười và đọc lên câu: “Giây phút này là một giây phút hạnh phúc”, để cho những người đang có mặt cũng trở về được với giây phút hiện tại để được nuôi dưỡng bởi hạnh phúc như mình.

Thầy rất mong là dù ở đâu, các con của thầy cũng theo dõi được các bài pháp thoại của khóa an cư kiết đông và cùng thực tập theo những chỉ dẫn được đưa ra trong suốt khóa tu. Các con của thầy cần được nuôi dưỡng bằng pháp lạc và sự thực tập mới có thể đi qua được giai đoạn khó khăn này của Tăng thân Bát Nhã. Thầy có niềm tin lớn nơi các con. Các con đã lớn lên rất mau chóng nhờ những biến cố và khó khăn xảy ra cho chúng ta trong hơn một năm qua, và thầy rất hài lòng với cách thức hành xử từ hòa bất bạo động của các con, từ Bát Nhã tới Phước Huệ. Lịch sử đã ghi nhận rằng với cách hành xử từ hòa ấy các con đã gieo trồng và tưới tẩm được hạt giống niềm tin, hiểu biết và tình thương trong trái tim của rất nhiều người, trong số ấy có những người đã thuê hoặc đã được thuê tới quấy nhiễu và đàn áp chúng ta. Đó là sự thành công lớn nhất mà chúng ta đã đạt được, lớn lao hơn bất cứ công trình xây dựng chùa tháp nguy nga nào. Ngày 18 tháng 12 vừa qua, thầy Trung Hải, sư cô Giác Nghiêm và một số các thầy và các sư cô khác đã đại diện Tăng thân Bát Nhã đến điện Elysées trao một lá thư gửi cho tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, xin cho 400 vị của Tăng thân Bát Nhã được tạm thời nương náu ở Pháp Quốc để tiếp tục thực tập như một Tăng thân, cho đến khi nhà nước Việt Nam mở lòng cho phép Tăng thân Bát Nhã cũng được làm như thế ở ngay trên quê hương của mình. Thực ra, theo pháp luật hiện thời, chúng ta có quyền sống và tu tập bất cứ ở nơi nào trên quê hương mình, nhưng không biết vì sao chúng ta lại không được huởng cái quyền ấy khi mà chúng ta không vi phạm bất cứ một pháp luật nào, khi mà chúng ta chỉ muốn tu tập và hướng dẫn tu tập trong khuôn khổ của pháp luật và của truyền thống Phật giáo. Dư luận trong nước và trên thế giới, trong giới Phật tử cũng như trong giới không Phật tử, đang yểm trợ cho chúng ta một cách rõ rệt, vì vậy thầy tin chắc là các con của thầy sẽ không phải gánh chịu những khó khăn này dài lâu.

Có nhiều thân hữu đã hiểu được cái thiết yếu phải thực tập với một Tăng thân, cho nên đã không có hạnh phúc khi được tin là chúng ta phải phát tán đi mỗi người một ngả, mạnh ai người ấy thực tập. Truyền thống Phật giáo nói chung và truyền thống Làng Mai nói riêng không chấp nhận được sự bức ép đó. Tăng ly chúng tăng tàn, hổ ly sơn hổ bại. Đó là câu nói tự ngàn xưa: thực tập mà không có Tăng thân thì sự thực tập sẽ tàn lụi, cũng như chúa sơn lâm khi lìa bỏ rừng núi xuống tới đồng bằng thì sẽ bị con người giết chết và lột da. Truyền thống của chúng ta là phải đi như một dòng sông, không thể nào đi như một giọt nước. Giọt nước đi một mình thì trên đường về biển cả sẽ bị bốc hơi nửa chừng và không bao giờ tới biển. Trong chúng ta ai lại không thuộc bài hát “Xin nguyện làm dòng sông, không làm hạt nước nhỏ” của sư chị Hoa Nghiêm? Bởi vậy cho nên Tăng thân bị giải tán là tai nạn lớn nhất cho người tu. Người tu phải luôn luôn quy y Tăng bảo. Tăng là đoàn thể những người tu học, xây dựng Tăng đoàn có phúc đức bao nhiêu thì phá hoại Tăng đoàn cũng bị quả báo bấy nhiêu. Thầy rất sợ cho những người có ác ý muốn phá hòa hợp tăng. Đây là tội lớn nhất trong các tội. Nếu cho phép Tăng đoàn được cư trú tại Pháp, tổng thống Pháp sẽ có phước đức nhiều lắm, có phải không các con? Dù cho là cư trú tạm thời.

Mỗi người trong chúng ta đều có ba thân: Phật thân, Pháp thân và Tăng thân. Phật thân trong ta còn non yếu, phải được nuôi dưỡng bằng sự thực tập hằng ngày. Đó là hạt giống của trí tuệ và từ bi trong ta, đó là Phật tính. Pháp thân là công phu thực tập của ta, có công năng nuôi dưỡng và làm lớn Phật thân. Còn Tăng thân là đoàn thể mà ta đang nương tựa, sống chung để tu học. Đoàn thể của ta là thân thể của ta, đoàn thể tan rã thì Tăng thân không còn. Tăng thân chính là môi trường bảo hộ, nuôi dưỡng và soi sáng cho ta. Ta phải nương vào Tăng thân, phải xem Tăng thân là thân của chính ta, những gì đang xảy ra cho Tăng thân là đang xảy ra cho chính ta. Vì vậy cho nên người tu nguyện suốt đời nương tựa Tăng thân, không bao giờ ly khai Tăng thân, cũng như chúa sơn lâm không bao giờ rời bỏ núi rừng thâm u của mình. Mất Tăng thân là một tai họa lớn, vì vậy trong những năm tháng vừa qua, các con của thầy đã hết lòng hành xử bất bạo động để bảo hộ cho Tăng thân, để Tăng thân không bị tan rã. Những người đang có quyền bính trong tay cần phải hiểu biết điều này, và vì người ta chưa hiểu thì mình phải tìm cách giúp cho người ta hiểu. Đối kháng bất bạo động là biện pháp mà đức Thế Tôn đã sử dụng khi Tăng đoàn núi Thứu bị kỳ thị và đàn áp bởi vua A Xà Thế. Vua A Xà Thế đã cố tình chia rẽ Tăng đoàn, phá hòa hợp tăng, và những năm sau đó bị bệnh tâm thần, cuối cùng phải đến với đức Thế Tôn để cầu xin chữa trị. Đọc sách Đường Xưa Mây Trắng các con đã được biết chuyện này.

Mahatma Gandhi cũng đã từng sử dụng phương pháp đối kháng bất bạo động để tranh đấu cho chủ quyền độc lập của Ấn Độ. Ngài nói: “Đối kháng bất bạo động là một sức mạnh tâm linh, một sức mạnh không có gì so sánh nổi. Sức mạnh của nó vượt lên trên cả sức mạnh của quân đội và vũ khí. Đó không phải là khí giới của kẻ yếu đâu.” (Passive resistance, that is, soul force, is matchless. It is superior to the force of arms. Not the weapon of the weak.)

Câu nói bất hủ đó của thánh Gandhi được nói ra hôm 29-04-1933 và ngài phát biểu tiếp rằng muốn thành công trong sự nghiệp phụng sự quê hương, người thực tập hành xử bất bạo động phải quyết tâm giữ giới, vì chính giới luật giúp cho ta làm chủ được thân tâm mình, và càng thực tập giới luật chừng nào thì ta càng thấy rõ được diện mục ta chừng đó. “To observe morality is to attain mastery over our mind and our passion. So doing, we know ourselves.”

Và thánh Gandhi đã chia sẻ kinh nghiệm thực tập và tranh đấu của ngài một cách cụ thể. Ngài nói: “Sau một thời gian có nhiều kinh nghiệm tranh đấu, tôi thấy rất rõ ràng rằng những ai muốn tranh đấu cho quê hương bằng phương pháp bất bạo động đều phải nên giữ trai giới cho vững chãi, sống phạm hạnh, buông bỏ dục tình một cách tuyệt đối, sống đơn giản, đi theo sự thật và nuôi dưỡng đức vô úy, không sợ hãi.” (After a great deal of experience, it seems to me that those who want to become passive resisters for the service of the country have to observe perfect chastity, adopt poverty, follow truth and cultivate fearlessness.)

Suốt trong thời gian tranh đấu, thánh Gandhi đã sống theo tinh thần này, đã ăn chay nằm đất, sống phạm hạnh, không gần gũi nữ nhân, nếp sống không khác gì với nếp sống của một nhà tu. Đội ngũ trong phong trào tranh đấu ấy đã có niềm tin rất lớn nơi con đường họ đi và cũng đã thực tập sống theo nếp sống khổ hạnh và chay tịnh ấy. Phong trào tranh đấu được gọi là Satyagraha, nghĩa là nắm lấy sự thực, bám vào sự thực. Giữ tâm hồn cho trong sáng, không sử dụng bất cứ một biện pháp nào trái với đạo lý, luôn luôn tôn trọng sự thực. Đối phương có thể lừa gạt, dối trá, tráo trở, đê tiện trong những phương cách của họ, nhưng bên phía những người tranh đấu bất bạo động, đạo đức và sự thật phải là chất liệu, là nền tảng cho tất cả mọi hành xử và hành động. Bất bạo động không phải chỉ là hình thức bên ngoài mà là nội dung chất liệu của lý tưởng bên trong. Phải nuôi dưỡng từ bi, không hận thù, và có khả năng nhận chịu những bạo động mà không đánh trả, đúng với bốn cách thức xử sự mà Bụt căn dặn các thầy thực tập, và mỗi nửa tháng các vị khất sĩ phải tụng đọc một lần:

Con nguyện suốt đời, khi bị người ta đùa diễu và khiêu khích thì không đùa diễu và khiêu khích trở lại.

Con nguyện suốt đời, khi bị người ta nhiếc mắng, nhục mạ thì không nhiếc mắng, nhục mạ trở lại.

Con nguyện suốt đời, khi bị người ta đánh đập thì không đánh đập trở lại.

Con nguyện suốt đời,khi bị người ta giận thì không giận trở lại.

Bốn cách xử sự này, các con của thầy đã làm được trong những ngày bị côn đồ tấn công, và vì vậy cho nên các con đã có cơ hội giúp cho không biết bao nhiêu người cảm động và chuyển hóa. Các thầy Pháp Hội, Pháp Sỹ và Pháp Tụ đã bị lôi kéo, bóp cổ, liệng lên xe như những thùng rác, nghẹt thở, mặt bầm tím, cổ và vai chảy máu. Thầy Pháp Vinh bị đạp lăn lông lốc xuống lầu một, may mà thầy chưa bị gảy chân. Thầy Đồng Tịnh và em Bình Minh (bây giờ là sư chú trong cây Sen Hồng) bị đánh đến ngất xỉu mà không hề chống trả. Những côn đồ đến đánh phá bị mảnh kính làm đứt tay chảy máu đã được các sư cô băng bó và chăm sóc. Tất cả những hình ảnh ấy mà nhiều cái đã được ghi lại trong phim ảnh, đã làm chấn động tâm can của bao nhiêu người.

Muốn có dân chủ và nhân quyền người dân phải biết tranh đấu, và cuộc tranh đấu có thể phải kéo dài trong nhiều thập niên. Chúng ta là những người tu, chúng ta không có mặt trong những phong trào tranh đấu chính trị mà chỉ tranh đấu trong phạm vi văn hóa và đạo đức. Ngày xưa Siddhartha cũng đã từ khước con đường chính trị để đi vào con đường tâm linh đạo đức. Và Siddhartha cũng đã gặp khó khăn. Chúng ta tu tập để vực dậy một nền văn hóa lành mạnh, một nếp sống có phẩm chất đạo đức và từ bi, và cách tranh đấu hay nhất của chúng ta là tu học và tổ chức tu học. Xã hội hiện giờ đầy dẫy tệ nạn: tham nhũng, lạm quyền, ma túy, bạo động, đĩ điếm, gia đình đổ vỡ, tự tử, thác loạn. Chúng ta tu tập và tổ chức cho người khác tu tập để đối phó, ngăn ngừa và gột sạch những tệ nạn ấy, và đó là cách thức yêu nước yêu dân của chúng ta. Chúng ta là công dân của một nước độc lập, có hiến pháp, có luật pháp, chúng ta phải có quyền làm việc ấy. Không ai có thể tước đoạt quyền công dân ấy của chúng ta.

Trong chuyến về quê đầu tiên của thầy năm 2005, thấy những cổng chào đề các dòng chữ “thôn văn hóa”, “ấp văn hóa”, “khu phố văn hóa” v.v. thầy đã mừng thầm, nghĩ rằng đây là một chính sách thông minh và đúng lúc của nhà nước. Hỏi thăm, thầy được biết là chính sách thành lập những thôn những ấp văn hóa ấy là để đối phó với các tệ nạn xã hội đang bắt đầu lan tràn như ma túy, đĩ điếm, cờ bạc, bạo hành v.v. Nhưng sau đó chừng hơn một tháng thầy đã được báo cáo rằng nhà nước đã không thành công gì mấy với các ấp văn hóa, các thôn văn hóa kia. Chỉ có danh từ mà không có sự thật. Những biện pháp kiểm soát và trừng phạt không đủ để bài trừ tệ nạn xã hội, nhất là khi những người đứng ra kiểm soát và trừng phạt cũng đang vướng vào các tệ nạn xã hội như tham nhũng, lạm quyền và dối trá. Lúc đó, thầy thấy rất rõ ràng là chỉ có sự giáo huấn và hành trì của đạo đức thật sự mới có thể đối phó được với tình trạng. Các con đã biết là gia đình nào có hành trì năm giới là gia đình đó có hòa thuận, có hạnh phúc. Mà không ai có thể ép buộc mình hành trì năm giới nếu mình không có đức tin nơi giáo pháp và giới pháp. Cho nên trong khóa tu dành cho giới xuất gia tại tổ đình Từ Hiếu (từ ngày 07-03-2005 đến ngày 12-03-2005) thầy đã đưa ra mô thức một thôn xóm trong đó ngôi chùa đóng vai trò lãnh đạo tinh thần đạo đức; các thầy hoặc các sư cô trong ngôi chùa đó hành trì giới luật và uy nghi vững chãi, tổ chức những khóa tu cho người lớn và cho thanh thiếu niên, gây niềm tin nơi một con đường đạo đức tâm linh và khuyến khích sự tiếp nhận và hành trì năm giới, mỗi nửa tháng đến chùa tụng giới một lần và dự pháp đàm để kiểm điểm về công phu hành trì của mình. Đây không phải là một cái gì mới mẻ mà chỉ là công trình hiện đại hóa một truyền thống thực tập ngày xưa, và những người hướng dẫn thực tập phải có tư cách và khả năng hướng dẫn cho tuổi trẻ cũng như cho mọi giới kể cả giới trí thức, giới thương gia và chính trị. Mà muốn được như thế thì phải bắt đầu đào tạo một thế hệ người xuất gia mới. Đó là nội dung của khóa tu tại tổ đình Từ Hiếu có gần cả ngàn vị xuất gia trẻ tham dự và những bài pháp thoại này như các con đã biết đã được in lại thành sách dưới nhan đề Xây Dựng Tình Huynh Đệ. Trong óc thầy, tu viện Bát Nhã lúc ấy đã được hình thành. Tu viện Bát Nhã là mẫu mực của một trong những trung tâm để đào tạo những người xuất gia mới như thế.

Giới luật và uy nghi không phải là những gì có tác dụng gò bó và làm mất bớt quyền tự do của con người. Giới luật và uy nghi, trái lại, có công năng bảo vệ tự do. Một người hành trì giới không uống rượu và không sử dụng ma túy có tự do gấp ngàn lần so với một người không trì giới ấy, vì người này khi bị vướng vào say sưa nghiện ngập thì không còn tự do nữa và sẽ sẵn sàng phạm vào các giới khác như nói dối, ăn cắp, giết người v.v. để có tiền mua ma túy.

Không giữ giới thì một gia đình ba bốn người cũng sinh ra lục đục, làm khổ cho nhau, ai cũng biết điều ấy. Có hành trì giới luật và uy nghi thì dù là một cộng đồng 400 người ở chung với nhau, chúng ta cũng vẫn sống được trong hòa thuận, tin yêu và hạnh phúc. Tăng thân Bát Nhã đã chứng thực được một cách hùng hồn như thế. Họ vu khống chúng ta, họ nói chúng ta không giữ giới, ăn nằm với nhau, để họ có cớ triệt hạ chúng ta. Thậm chí họ đem tài liệu khiêu dâm tới để vu cáo chúng ta. Đó là một trong những lối hành xử hèn hạ nhất. Ai cũng biết rằng không hành trì giới luật và uy nghi thì không thể nào tin nhau, sống với nhau, đoàn kết với nhau và thương yêu nhau như người ruột thịt như thế được.

Ngày xưa khi Bụt còn tại thế, một nhóm người ngoại đạo cũng đã từng vu oan cho giáo đoàn khất sĩ của Bụt như vậy. Trong khi các thầy đi vào thành Xá Vệ khất thực họ đã đem xác một người kỹ nữ chôn dấu vào đất tu viện Kỳ Viên và đi báo cảnh sát. Rồi họ tuyên truyền rằng các thầy ở tu viện không giữ giới. Vua Ba Tư Nặc và dân chúng trong thành Xá Vệ rất hoang mang. Nhiều thầy không dám đi khất thực. Bụt dạy các thầy: “Các vị đừng lo, sự thực sẽ được bung ra trong vòng mười hôm. Các vị hãy cứ đi vào thành khất thực như không có chuyện gì xảy ra.”

Hồi đó, thương gia Cấp Cô Độc đang có mặt. Ông đã nhờ thám tử đi dò hỏi và tìm ra được sự thật và cuối cùng cảnh sát đã bắt được những người chủ mưu. Họ khai rằng họ làm như thế bởi vì họ thấy giáo đoàn của Bụt nổi tiếng quá, dân chúng đi theo đông đảo quá và họ sợ sẽ mất chỗ đứng trong quần chúng. Vua Ba Tư Nặc, sau khi có được bằng chứng, đã trừng trị những người vu cáo một cách thích đáng.

Vụ Bát Nhã rắc rối hơn vụ Kỳ Viên, bởi vì trong vụ Bát Nhã và Phước Huệ, bọn côn đồ được thuê mướn và những nhà chức trách thuê mướn họ đã làm việc chung với nhau. Họ là hai mà họ cũng là một, trong khi vua Ba Tư Nặc là một người rất tôn quý đức Thế Tôn. Chúng ta cũng đã có những Cấp Cô Độc vô danh đã từng giúp ta làm bung ra sự thực, nhưng chúng ta hiện không có một vua Ba Tư Nặc để trừng phạt bọn lạm quyền và gian dối. Nhưng chúng ta cũng còn may mắn, vì quần chúng trong nước và ngoài nước đã có cơ hội tiếp xúc với sự thực, và dư luận đã đứng về phía chúng ta để lên án những người vô đạo. Ba Tư Nặc ngày nay là dư luận quốc nội và quốc tế. Họ không thể nào che dấu hành động thấp hèn của họ được. Họ thuê côn đồ tới giả danh Phật tử để giăng biểu ngữ trước bàn Phật, để phá phách, đánh đập, khiêu khích, mong rằng các con sẽ phản ứng trở lại bằng bạo lực để họ có cớ bắt giam và lên án. Nhưng nhờ cách hành xử bất bạo động của các con, các nhà chức trách này đã thất bại hoàn toàn. Phật tử gì mà hành hung và chửi mắng các thầy, Phật tử gì mà mang dày dép vào chánh điện, Phật tử gì mà dám treo biểu ngữ ngay trước tượng Phật, Phật tử gì mà gọi các thầy là đồng chí, tại sao không về quê đi để sống cho gần cha, gần mẹ, gần vợ Các thầy đã xuất gia làm gì có vợ Tội nghiệp cho những người bị thuê làm côn đồ. Họ chỉ được thuê với giá 200.000 đồng một ngày và họ đã được Công An và Mặt Trận chỉ huy bằng những dấu hiệu và tiếng huýt gió.

Thật sự thầy chưa bao giờ tưởng tượng được là những viên chức của một chính quyền lại có thể sử dụng những cách hành xử bá đạo như vậy. Tiền đâu để họ thuê côn đồ? Đó có phải là tiền thuế mà dân nạp cho họ để họ có lương bỗng để sống và để làm những việc thất đức như vậy? Tại sao lại giả danh Phật tử để đánh phá Phật tử, giả danh nhân dân để dối gạt và đàn áp nhân dân? Đạo đức cách mạng ở đâu? Tại sao mà đạo đức cách mạng lại bị phá sản tới mức tồi tệ đến thế?

Viết tới đây thầy thấy rất rõ nguyên nhân vì sao chính sách thôn ấp và khu phố văn hóa không thành công. Một chính sách mà do những viên chức thừa hành không có đạo đức phụ trách thì làm sao thành công được? Nếu các viên chức này tham nhũng, lạm quyền, khi mà gia đình của họ là nạn nhân của tệ nạn xã hội thì làm sao họ có thể thành công trong sự hướng dẫn và xây dựng những thôn ấp và khu phố văn hóa? Nếu chính quyền Ngô Đình Diệm đã thất bại với chính sách “ấp chiến lược” thì nhà nước hiện tại cũng đã không thành công với chính sách “thôn ấp, khu phố văn hóa.”

Thầy tự hỏi không biết vị nào đã quyết định sử dụng từ văn hóa thay vì từ đạo đức? Một ý thức hệ lên án tôn giáo, cho tôn giáo là thuốc phiện, thì sẽ cảm thấy không thoải mái khi sử dụng từ đạo đức. Nhưng tại sao trong những buổi đầu cách mạng, chúng ta đã nói tới đạo đức cách mạng? Có lẽ vì đạo đức cách mạng đã bị phá sản cho nên danh từ đạo đức đã không còn chuyên chở được gì nhiều nữa. Từ văn hóa có thể đi đôi với văn minh, cũng như từ culture có thể đi với từ civilization. Nó không chuyên chở được ý niệm luân thường, đạo đức. Nhưng tại sao lại không dùng từ phong hóa? Trong quá khứ tổ tiên chúng ta đã dựng nên một nếp sống đạo đức lành mạnh, với sự góp công của ba nền đạo học là Khổng học, Lão học và Phật học. Dựa vào truyền thống là đi ngược với chủ thuyết mới hay sao? Cái đẹp nhất của đạo Bụt là tinh thần bao dung, không giáo điều, không cố chấp, không có nhu yếu loại trừ những truyền thống khác. Đó là nghĩa chữ xả trong bốn đức từ, bi, hỷ và xả. Xả (upeksa) là sự không kỳ thị, là tinh thần bao dung. Đạo Bụt trong quá khứ đã góp phần vào sự tạo dựng tinh thần tam giáo tịnh lập, tam giáo đồng nguyên, để ba truyền thống Phật, Nho và Lão có thể đứng bên nhau mà xây dựng đất nước. Trong chuyến về năm 2005, tại buổi thuyết giảng tại Học Viện Quốc Gia Hành Chánh ở Sài Gòn, có một vị thính giả đã đặt câu hỏi: Nếu quy y Tam Bảo rồi thì ta có quyền yêu Đảng và yêu Nước không? Câu hỏi tuy đơn sơ nhưng nói lên được tất cả những lo ngại của những người muốn trở về với con đường tâm linh mà tổ tiên ngày xưa đã dày công khai mở, nhưng còn chưa dám. Thầy đã trả lời bằng một câu hỏi khác: Nếu quy y mà mất tự do, không còn được yêu những gì mình muốn yêu thì quy y làm gì? Tiếng vỗ tay vang dậy hội trường. Giờ phút ấy đánh tan được bao nhiêu là băng giá. Quy y rồi thì ta sẽ yêu nước và yêu Đảng đúng hơn và hay hơn. Đất nước ta dân tộc ta đã từng được đạo Bụt giáo hóa, đã được hưởng cái hạnh phúc do tinh thần bao dung đưa lại. Tại sao ta không được trở về nguồn? Tại sao người ta lại sợ tinh thần bao dung? Tại sao người ta không thấy được rằng nếu tư duy được theo chiều hướng bất nhị, phá chấp và bao dung thì nhân loại sẽ tiết kiệm được biết bao nhiêu là máu xương và nước mắt?

Những lời thầy viết cho các con, thế nào các chú công an cũng sẽ tìm đọc. Điều này theo thầy cũng rất tốt vì thầy tin mọi người đều có Phật tính, nghĩa là có hạt giống của trí tuệ và từ bi. Tưới tẩm những hạt giống ấy thì rất có phước. Nhiều chú Công an đã được các con chuyển hóa. Còn nếu những dòng thầy đang viết đây lọt vào mắt của những vị trong ban chấp hành Trung Ương Đảng, trong ban Tuyên Giáo, trong các hội đồng cấp cao của nhà nước thì sao? Thầy nghĩ các vị ấy sẽ chau mày, sẽ nói rằng đây là những sai sót của cấp thừa hành, rằng con sâu làm rầu nồi canh. Nhưng sự thực là quý vị ấy đã để cho cấp thừa hành làm như thế rồi báo cáo lên không đúng sự thực và lôi cuốn luôn quý vị ấy đi theo. Như vậy thì thì quý vị ấy cũng không đổ trách nhiệm cho người khác được. Giới nhân sĩ trí thức trong nước đã đề nghị quý vị ấy mở một cuộc điều tra để làm sáng tỏ sự thật. Những sai lầm phạm phải trong những năm qua, những tham nhũng, lạm quyền, lừa gạt và dối trá ấy phải được đưa ra ánh sáng và phải có sự trừng phạt công minh thì họa may dân chúng trong nước mới có được niềm tin nơi guồng máy chính quyền, và chính quyền mới có thể tiếp tục “cai trị” được.

Trong chuyến về nước đầu vào năm 2005, sau ba mươi chín năm ở hải ngoại, thầy đã hết lòng thực tập lắng nghe mọi giới và đã có một cái thấy tương đối chính xác về tình trạng. Thầy đã nói: Trong chuyến về thăm này, tôi chỉ có một thông điệp, đó là không có gì cao quý hơn tình huynh đệ. Có thể nói rằng giờ phút hào sảng nhất trong chuyến đi đã xảy ra tại chùa tổ Từ Hiếu, ngày mà tất cả các thầy và các sư cô của hai phía Giáo Hội và Tăng Đoàn quy tụ lại để tụng giới chung với nhau sau hơn mười năm bị chia rẽ. Thầy nhớ rất rõ cái hôm sau buổi pháp thoại tại chùa Từ Đàm thầy báo tin là cả hai phía Giáo Hội và Tăng Đoàn sẽ quy tụ về Chùa Tổ để tụng giới chung, tất cả mọi người đều đã khóc vì sung sướng. Và những điểm thầy đề nghị sau đó với nhà nước liên hệ tới sự tách rời chính trị ra khỏi tôn giáo v.v. những điểm đề nghị này thật ra đã không được xuất phát từ thầy mà đã xuất phát từ các thầy khác trong Giáo Hội. Thầy đã lắng nghe các vị tôn túc, và đã ghi nhận nguyện vọng và nhận thức của các vị. Các vị không nói lên được, thì thầy nói giùm cho các vị, thế thôi. Nếu thầy có bị khó khăn vì đã dám nói lên, cái ấy cũng là vì tình huynh đệ. Cũng như thầy đã lên tiếng về vấn đề Tây Tạng. Mình là một dân tộc từng bị khổ đau nhiều lần vì sự xâm lấn của phương Bắc, bây giờ một dân tộc khác đang bị rơi vào tình trạng ấy, nỡ nào mình không lên tiếng? Thầy lên tiếng thay cho cả một dân tộc, để nói lên một sự thực, biết rằng lên tiếng thì sẽ gặp khó khăn mà vẫn phải lên tiếng. Đó là lương tâm, đó là tình huynh đệ. Có rất nhiều vị tôn túc trong giáo hội rất muốn che chở cho các con Bát Nhã của thầy. Các vị ấy đã cố gắng lên tiếng nhiều lần, thậm chí đã đưa ra đề nghị bảo lãnh để cho các con có pháp lý tu học, nhưng vì giáo hội không có giáo quyền thật sự cho nên nhũng đề nghị ấy đã bị Công An và Ban Tôn Giáo nhà Nước bác bỏ. Đất nước chúng ta chưa thực sự có tự do tôn giáo, và nhà nước đang quản lý chặt chẽ guồng máy giáo hội, và giáo hội bất lực không che chở được ngay chính con em của mình. Đó là một sự thực ai cũng đã trông thấy. Làm sao che dấu được?

Công an, Chính quyền địa phương và ban Tôn giáo, bằng hành động và bằng các văn thư của họ đã và đang làm ngược lại với luật pháp, hiến chương và với cả pháp lệnh tôn giáo, do đó chúng ta phải có bổn phận giúp cho quốc dân và các cơ quan lập pháp và hành pháp trung ương thấy được những sai trái đang gây đổ vỡ nặng nề trên đất nước và trong lòng dân.

Nhưng thầy không bi quan. Thầy tin chắc rằng tình trạng sẽ thay đổi. Lý do là các con đang có mặt đó. Tuổi trẻ Việt Nam đã bắt đầu thấy sự thật và biết là mình đang mong ước gì cho quê hương cho đất nước. Người thanh niên Việt Nam dù đang theo học trong nước hay đang du học ở nước ngoài đều đã thấy được rằng chúng ta cần có thêm dân chủ, có thêm dân quyền và nhân quyền thì người dân chúng ta mới có cơ hội đóng góp cho đất nước và đưa đất nước đi lên. Trong thời đại này đất nước không thể nào còn bế môn tỏa cảng được. Phải mở cửa và cộng tác với các quốc gia khác. Và phải tuân theo luật lệ quốc tế, trong đó có sự tôn trọng nhân quyền. Các con Bát Nhã của thầy đã chọn con đường tranh đấu bất bạo động và đã đem hết niềm tin của tuổi trẻ để làm việc ấy. Trái tim không hận thù của các con, trái tim của tình huynh đệ ấy đã làm cảm động lòng người. Giới Phật tử trong và ngoài nước đang yểm trợ cho các con đã đành, mà tất cả các giới khác cũng thế. Các con không lẻ loi trên con đường của mình đâu. Con đường tuy khó khăn nhưng con đường rất đẹp. Thầy rất hạnh phúc khi thấy rằng thầy đã được các con tiếp nối. Dù trong số chúng ta còn có những người còn non yếu, nhưng trái tim của chúng ta luôn luôn trong sáng và hiền hậu. Chúng ta đi như một dòng sông, vừa đi lên vừa học hỏi và chúng ta cũng sẽ được tiếp nối bằng những thế hệ đi sau. Chúng ta có một con đường. Một con đường thật sáng mà tổ tiên đã khám phá.

Thầy đã đọc chăm chú tất cả các lá thư mà các con đã gửi cho Thầy. Đôn Nghiêm nói: “Bát Nhã ngày xưa, nay đã thành mưa, rơi xuống mặt đất, nảy hạt bồ đề.” Áo Nghiêm nói: “Trên con đường mình đi, con đã tìm được những người anh em cùng chí hướng. Dù có gì xảy ra cho con đi nữa, con vẫn không hổ thẹn với tổ tiên và với bạn bè năm châu.”

Hôm quý vị tôn túc Lâm Đồng về bố tát tụng giới ở Phước Huệ, vì thương cảm cho tình cảnh các con, tất cả quý vị đã khóc, và tất cả các con đã có dịp cùng khóc với quý vị. Giờ phút đó rất đẹp. Đó là một cơn mưa cam lộ. Lịch sử đã ghi chép giờ phút ấy.

Đôn Nghiêm là một trong những đóa Sen Trắng, chưa đầy 18 tuổi. Bài thơ của sư em gửi thầy có giá trị của một bài kệ kiến giải mà chính em cũng không biết. Bát Nhã đối với em đã là những năm tháng hạnh phúc vì ở đấy em đã được sống trong lý tưởng và tình huynh đệ. Bát Nhã cũng đã là những dòng nước mắt khổ đau, chảy dài trong những ngày bị đánh phá và áp bức. Bát Nhã đã trở thành huyền thoại, đã thành chuyện ngày xưa, nhưng Bát Nhã không mất mà chỉ trở thành mưa. Những trận mưa Bát Nhã đã rơi xuống mặt đất và đã làm nẩy lên hạt giống Bồ đề, hạt giống bồ đề trong trái tim của Đôn Nghiêm, trong trái tim của các con và trong trái tim của bao nhiêu người trẻ khác. Đó là những hạt giống Kim cương bất hoại, không có ngọn lửa nào có thể đốt cháy. Bát Nhã sẽ tái sinh trong những hình thức mới vì hạt giống Bồ đề của nó đang có mặt khắp nơi. Phải thấy Bát Nhã trong những hình thái vô tướng và đa tướng của nó. Đôn Nghiêm đã thấy được, nên Đôn Nghiêm không còn khổ đau, không còn lo sợ. Bát Nhã của Đôn Nghiêm sẽ còn mãi mãi. Với cái thấy ấy, những con người như Đôn Nghiêm sẽ không bao giờ chùn bước, sẽ không bao giờ bỏ cuộc. Vì vậy thầy không hề bi quan. Thầy tin ở tuổi trẻ Việt Nam. Thầy không cần phải dặn dò các con phải làm cái này cái nọ. Ngay trong tình trạng của mình và của đất nước, các con tự biết là phải làm gì và chắc chắn các con sẽ thực hiện được chí nguyện của mình. Đó là tại vì tâm bồ đề của các con đang có mặt. Vì vậy cho nên thầy có niềm tin nơi các con.

Ngày 06-12-2009 vừa qua, từ Mai Thôn thầy đã có dịp thuyết trình cho Hội Nghị Thượng Đỉnh Tôn Giáo ở Melbourne Úc Châu bằng phương tiện viễn thông. Thầy đã chia sẻ với các nhà lãnh đạo tôn giáo trên thế giới đang có mặt tại hội nghị về cái thấy của đạo Bụt về một nền tâm linh đạo đức toàn cầu. Thầy đã nói về năm giới tân tu của chúng ta như con đường mà nhân loại có thể sử dụng để ra khỏi tình trạng khó khăn, cứu vớt được hành tinh và đem lại hòa bình an lạc trên thế giới. Năm giới tân tu trong văn bản mới là hoa trái của công phu tu tập của Tăng thân trong hơn tám tháng trời. Đó là con đường do Bụt khai mở. Đó là đóng góp của đạo Bụt cho nhân loại, rất cần thiết cho giai đoạn toàn cầu hóa này. Chúng ta đã có con đường, chúng ta đã có niềm tin, chúng ta đã có nhau như một Tăng thân thì chúng ta không cần phải lo lắng nữa. Nói như sư chú Pháp Đại: “Chúng con biết ngoài việc tu tập thì chúng con không cần phải lo lắng gì thêm. Chúng con nguyện sẽ tu tập tốt hơn để không phụ lòng thầy tổ.” Nghe các con nói những câu như thế, thầy biết là thầy đang có niềm tin nơi các con.

Thầy Bát Nhã của các con (như một số các con đã gọi thầy!),

Nhất Hạnh

0 Góp ý kiến:

TÂM THƯ TĂNG THÂN BÁT NHÃ

Tăng Ni sinh và bạn trẻ Việt Nam trong và ngoài nước "... Chúng tôi vô cùng cảm động khi đọc “Huyết Thư” trên mạng phusaonline ngày 30/9/2009 của quý liệt vị. Chúng tôi rất biết ơn quý vị đã hết lòng yểm trợ cho chúng tôi trong thời gian qua. Huyết thư đó đã trấn an cho chúng tôi rất nhiều. Chúng tôi biết trong hoàn cảnh nào quý vị vẫn luôn có đó cho chúng tôi như những người sư anh, sư chị của mình, luôn sẵn sàng nâng đỡ yểm trợ hết lòng cho chúng tôi khi chúng tôi cần đến. Tuy thế chúng tôi vẫn đang ở trong tình thế bị động và rất bất an. Tuy được lánh nạn tại chùa Phước Huệ ở thị xã Bảo Lộc tỉnh Lâm Đồng sau hai lần bị hành hung và bị đuổi ra khỏi Tu Viện Bát Nhã, nhưng chúng tôi vẫn đang tiếp tục bị áp lực phải rời khỏi nơi đây và bị đe dọa sẽ bị hành hung như lần trước..."

"... Chúng tôi là những người tu sĩ trẻ thuộc tăng thân Tu Viện Bát Nhã, chúng tôi đang bị lâm nguy vì sự việc xảy ra vừa qua tại TV Bát Nhã ngày 27/9/2009. Chúng tôi đã bị hành hung, đánh đập và bị đuổi ra khỏi Tu Viện trong khi ngoài trời đang mưa bão (Các bạn có thể xem chi tiết trên phusaonline). Hiện tại chúng tôi đang tạm lánh nạn ở chùa Phước Huệ - Bảo Lộc, Lâm Đồng nhưng lại tiếp tục bị áp lực phải rời khỏi nơi đây mà chúng tôi không biết phải đi đâu. Chúng tôi đang bị đe dọa là sẽ bị hành hung như lần trước như tại TV Bát Nhã trong nay mai. Tình trạng rất nguy nan và khẩn cấp. Vì vậy, chúng tôi viết thư này xin các bạn trẻ bên ngoài giúp đỡ..."

Bài mới đăng

Tổng mục lục