Tôi chỉ mong Giáo hội và Chính quyền làm sao kết hợp hài hòa, bỏ qua những sự hiểu lầm để họ có thể cư trú hợp pháp và tu tập theo ý nguyện của họ. Thượng tọa Thích Thái Thuận, chủ trì chùa Phước Huệ
Thượng tọa chủ trì chùa Phước Huệ, nơi gần 200 tăng ni theo Làng Mai tá túc, nói đã xảy ra lộn xộn hôm thứ Tư 09/12, trong khi chính quyền bác bỏ thông tin.
Thượng tọa Thích Thái Thuận, người đồng thời là ủy viên Ban trị sự Phật giáo tỉnh Lâm Đồng, nói với BBC rằng "đám đông người ở bên ngoài đã vào quấy rối" vào buổi sáng và cả buổi chiều thứ Tư, gây gián đoạn cho cuộc viếng thăm làm việc của một phái đoàn châu Âu tại chùa này.
"Họ phải ngừng buổi làm việc sáng và buổi chiều quay lại."
"Tới sáng nay (thứ Năm), nhiều người bên ngoài cũng vẫn còn quậy phá tiếp."
Trong khi đó, đại diện chính quyền bác bỏ thông tin này.
Ông Hồ Bá Thắng, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh Lâm Đồng, nói với BBC rằng "không có chuyện gì xảy ra".
"Phái đoàn châu Âu tới tỉnh Lâm Đồng làm việc với Ủy ban Nhân dân tỉnh và các ngành, rồi tới thăm chùa, không có vấn đề gì hết."
"Họ còn cảm ơn tỉnh đã tiếp đón chu đáo."
Về phần mình, Thượng tọa Thích Thái Thuận nói con số người quấy rối có thể lên tới hàng trăm.
"Họ nói tăng thân Làng Mai phải rút đi, không được ở Phước Huệ nữa."
Được biết phái đoàn của Liên minh châu Âu do bà Mary Louise Thaning, tham tán chính trị sứ quán Thụy Điển, dẫn đầu, đã làm việc ngắt quãng vài tiếng đồng hồ tại chùa Phước Huệ.
Hôm thứ Năm, BBC đã tìm cách liên lạc với bà Thaning nhưng không được.
Thượng tọa Thái Thuận nói: "Sự việc này làm tôi rất buồn, buồn cho cách hành xử của người Việt Nam, vì dù gì thì cũng có người nước ngoài ở đó."
Theo ông, trong số những người tới quấy rối có cả cựu chiến binh, công an và người của chính quyền.
Tìm giải pháp
Số tăng ni theo pháp môn Làng Mai đã chuyển sang tá túc tại chùa Phước Huệ tại thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, từ cuối tháng Chín, khi đám đông tràn vào Tu viện Bát Nhã, nơi họ tu tập và buộc họ phải rút ra ngoài.
Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã yêu cầu cho phép họ được ở lại đây cho tới tháng 12/2009, và hôm 30/11/2009 đã có công văn số 553/CV-HĐTS gửi Ban trị sự Phật giáo tỉnh Lâm Đồng yêu cầu "tích cực vận động" các tăng ni trở về nhà.
Trước văn bản này vài ngày, Ban Tôn giáo Chính phủ có công văn bác đơn bảo lãnh tăng sinh theo Làng Mai của hai tu viện ở Đồng Nai và Đà Lạt.
Công văn này thừa nhận việc ổn định tu học của tăng thân theo pháp môn Làng Mai là "nguyện vọng chính đáng" tuy nhiên vừa qua việc "tụ tập đông người" của các tăng sinh này đã "không tuân thủ đúng quy định pháp luật", "gây mất đoàn kết" đồng thời gây "tác động xấu".
Công văn của Ban Tôn giáo yêu cầu Giáo hội Phật giáo Việt Nam chỉ đạo các Giáo hội địa phương "tiếp tục vận động" tăng ni theo Làng Mai trở về địa phương và "tập trung giải quyết xong vào tháng 12/2009".
Thượng tọa Thích Thái Thuận nói với BBC: "Tôi bao bọc họ vì tình thương trong lúc khó khăn, chứ nuôi tăng ni Làng Mai lâu dài thì cũng rất khó. Có nơi khác cho họ thì tốt hơn."
"Tôi chỉ mong Giáo hội và Chính quyền làm sao kết hợp hài hòa, bỏ qua những sự hiểu lầm để họ có thể cư trú hợp pháp và tu tập theo ý nguyện của họ."
Thượng tọa cũng cảnh báo rằng tăng ni theo pháp môn Làng Mai nếu có di chuyển, thì chỉ "xin đi như một dòng sông, chứ không chịu đi lẻ tẻ".
Hôm 26/11/2009, Quốc hội châu Âu vừa ra nghị quyết về tình hình Việt Nam và Lào, trong đó kêu gọi Việt Nam tôn trọng tự do ngôn luận và tôn giáo.
Các nghị viên châu Âu đã xem xét nhiều vụ việc như vụ Tu viện Bát Nhã và các diễn tiến liên quan Giáo hội Công giáo Việt Nam.
Việt Nam sau đó lên tiếng gọi nghị quyết này là dựa trên các nhận định "hoàn toàn sai trái".
nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/12/091210_batnha_phuochue.shtml
0 Góp ý kiến:
Post a Comment