“Dù có vấn đề gì đi nữa, huynh đệ chúng tôi ngồi yên, chấp tay niệm Phật, hoàn toàn không chống trả oán trách dù là trong ý niệm. Đời người chỉ có một lần chết, dù là thầy tu hay là công an thì cũng một lần chết. Chúng tôi chấp nhận ngồi yên để chết. Sự kiện ngày 29.6 vừa qua là một minh chứng”
Sự kiện xảy ra ngày 27.09.2009, trước đó độ mười ngày… hai anh công an tỉnh Lâm Đồng đến phòng B1, xóm Rừng Phương Bối, tu viện Bát Nhã gặp các thầy để trao đổi, tìm hiểu những thông tin và sự kiện xảy ra tại tu viện trong thời gian qua nhất là vào ngày 29.6.2009.
Phải nhắc lại rằng đây không phải là lần đầu tiên các anh công an vào gặp các thầy các sư cô. Trước đó và sau này, các anh có mặt thường xuyên và túc trực trong tu viện, đồng thời kiểm tra cư trú vào nhiều lần trong đêm, phật tử đến tham gia tu học vào ngày quán niệm đầu tháng được các anh yêu cầu ra về trong đêm, viết giấy mời các thầy ra UBND xã làm việc, tạo nhiều áp lực trực tiếp gián tiếp, liên tục thường xuyên lên những thầy cô đang tu tập tại đây. Tiếp đó là nhiều thành phần lạ mặt đột nhập tu viện để khủng bố, uy hiếp, đập phá, đe dọa nhằm đánh bật các thầy cô rời khỏi tu viện Bát Nhã và cao trào xảy ra vào ngày 27.9.2009.
Lần đó vào gặp các thầy là hai anh công an. Một anh tên là Long (Công An phòng PA 38 tỉnh Lâm Đồng). Anh Long là người các thầy khá quen vì đã nhiều lần tiếp xúc, anh Long có phong thái từ tốn, chuẩn mực và biết tiếp nhận ý kiến trong lúc làm việc . Anh Long giới thiệu: “Đây là anh Thành, đồng nghiệp và là cấp Lãnh Đạo của tôi”. Vậy anh Thành cũng là công an, cấp bậc gì cũng chưa biết rõ nhưng là cấp lãnh đạo của anh Long thì chức vụ và nhiệm vụ của anh cũng khá quan trọng ngành an ninh.
Tiếp các anh công an tại phòng B1 có thầy Pháp Sỹ, thầy Pháp Tụ, sư chú Pháp Công và một số thầy khác. Qua tiếp xúc anh Thành là người khá cởi mở, anh chủ động trong việc hỏi các thầy về nhiều vần đề để “lắng nghe tâm tư của các thầy, nắm bắt thêm tình hình và tìm ra hướng giải quyết êm đẹp”. Anh Thành nói: “ Trước đây tôi công tác tại địa bàn Bảo Lộc rất lâu và cũng rất thân với thầy Đức Nghi, vì thân nên tôi thường gọi thầy là chú. Tôi cũng quen biết thầy Thái Thuận. Qua những thông tin về sự kiện Bát Nhã, tôi muốn tìm hiểu thêm vì tôi mới được chuyển công tác về Lâm Đồng. Phải nói rằng tôi về đây, lần này mới như tờ giấy trắng. Hôm nay gặp các thầy là lần đầu tiên để làm quen và chắc chắn mình sẽ còn làm việc lần với nhau nữa”. Anh Thành đề cập và nhiều vấn đề liên quan đến tăng thân như cư trú bất hợp pháp, khóa tu không xin phép, số lượng tăng thân, ai là người lãnh đạo tăng thân tại Bát Nhã, sư ông Làng mai, và những thông tin mà anh đọc trên mạng internet. Các thầy lần lượt trả lời cho anh hiểu thêm về những sự kiện mà có thể anh chưa được nghe, nhưng có lẽ anh không mấy hài lòng về những câu trả lời này. Điều ấn tượng nhất là anh Thành nói: “Tôi là người trực tiếp giải quyết về vấn đề Bát Nhã, tôi cũng muốn tìm ra giải pháp êm đẹp giải quyết dứt điểm về vấn đề vụ việc này vì để lâu thì mệt mỏi. Các thầy các cô là những mầm non của Sư ông Nhất Hạnh, nên chúng tôi giải quyết ngay từ đầu. Nếu muốn duy trì những nguyện vọng mà các thầy vừa trình bày thì các thầy đừng có cứng như vậy”.
Có thể đây là câu nói rất chân tình của anh Thành. Anh Long ngồi bên cạnh thì vẫn điềm nhiên im lặng, thỉnh thoảng anh có mỉm cười khi các thầy nói vài câu chuyện vui. Không khí buổi trò chuyện này nhẹ nhàng nhưng các thầy cảm nhận sẽ có điều gì bất ổn cho Tăng Thân trong những ngày tới. Bất chợt anh Thành hỏi: “Nếu có những phật tử bên thầy Đức Nghi vào đòi lại chùa, có việc đáng tiếc mà chính quyền địa phương không kiểm soát kịp thì các thầy thấy thế nào?”. Anh Thành hỏi như vậy vì có thể anh biết trước những gì xảy ra trong những ngày tới và đây có phải là một trong những giải pháp để anh giải quyết dứt điểm không? Cũng có thể là anh lo lắng cho sự an nguy của các thầy cô mà cá nhân anh không đủ sức để bảo vệ che chở? Nếu đúng vậy thì điều này cũng giống với lời tâm sự của anh Long: “Trong cuộc sống có lúc mình phải làm những điều mình không bao giờ muốn làm? Cuộc sống quá nhiều áp lực!”.
Có một thầy trả lời với anh Thành: “Dù có vấn đề gì đi nữa, huynh đệ chúng tôi ngồi yên, chấp tay niệm Phật, hoàn toàn không chống trả oán trách dù là trong ý niệm. Đời người chỉ có một lần chết, dù là thầy tu hay là công an thì cũng một lần chết. Chúng tôi chấp nhận ngồi yên để chết. Sự kiện ngày 29.6 vừa qua là một minh chứng”. Anh Thành cười nói: “ Có thể một vài thầy làm được điều này vì tôi tin vài thầy có đạo lực. Nhưng không phải tất cả thầy cô nào cũng làm được. Các thầy đừng quá cứng nhắc”. Một thầy khác trả lời: “Những gì sắp tới sẽ là một minh chứng”. Sự kiện ngày 27.9.2009 đã là một minh chứng.
Trao đổi với nhau nhiều việc nhưng không thể nhớ hết kể ra. Chỉ nhớ vài chi tiết ấn tượng, khó quên. Làm sao có thể trách các anh công an được, chỉ có niềm kính thương, biết ơn và chờ đợi ơn mưa móc trên khắp miền quê hương đất nước. Cho dù phải chờ đợi đến hàng trăm năm hay nhiều thế kỷ. Qua những sự kiện về Bát Nhã và Phước Huệ, những đau thương tiếp tục dồn dập lên đời sống tu tập cho những tăng ni này sẽ không dừng lại ở mức minh chứng để chứng minh điều gì. Khi lý tưởng và khát vọng được tu bị tước đoạt thì cái chết sẽ không là vấn đề quan trọng. Ngày hôm nay 09.12.2009 điều đau thương ấy lại tiếp tục xảy ra tại chùa Phước Huệ, trên địa bàn mà anh Thành và anh Long đang công tác, chắc chắn hai anh biết về sự kiện trong ngày này.
Dù hoàn cảnh thế nào các thầy các cô vẫn là công dân nước Việt, đau thương xót xa đến vô vàn nhưng niềm ân nghĩa sâu nặng với quê hương đất nước vẫn tròn đầy.
0 Góp ý kiến:
Post a Comment