Việt Nam có Hiến Pháp và Pháp Lệnh rất tinh vi nhưng hình như chưa bao giờ áp dụng đúng đắn. Sau khi luật sư Phạm Như Hưng gửi tâm thư cho lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam trình bày quan điểm của giới luật gia về vấn đề xảy ra tại Tu Viện Bát Nhã Lâm Đồng, nhiều người quan tâm tới vụ việc này đã hỏi chúng tôi rằng với hệ thống luật pháp nước ta hiện nay và với cái nhìn của một luật sư, liệu có hướng giải quyết nào là khả thi và hiệu quả để trả lại sự bình an, công bằng cho những tăng ni này và để làm sáng tỏ những mâu thuẫn trong vụ việc này. Tôi theo dõi vấn đề từ những ngày đầu tiên và cũng như những đồng nghiệp của tôi, tôi tin rằng trong xã hội ngày nay, tất cả những tranh chấp đều có thể được giải quyết bằng luật pháp. Riêng trong vụ việc này, chúng tôi có vài ý kiến như sau.
Thỉnh nguyện thư của nhà thơ Hoàng Hưng và các nhân sĩ trí thức gửi lãnh đạo nhà nước về vấn đề giải quyết cho các tăng ni tu theo pháp môn Làng Mai tại tu viện Bát Nhã, Lâm Đồng đã đưa ra đề nghị rằng cần phải thành lập một phái đoàn điều tra hỗn hợp để nghiên cứu và làm sáng tỏ vấn đề. Tôi nghĩ đây là một đề nghị hoàn toàn hợp lý và khả thi. Nhưng cho tới hôm nay, nghĩa là sau hơn 2 tháng, vấn đề này vẫn chưa được nhà nước quan tâm và giải quyết. Trong khi đó, những cáo buộc cho rằng nhà nước, đặc biệt là ngành an ninh, ngành công an tôn giáo và ban tôn giáo chính phủ có liên quan trực tiếp đến những mâu thuẫn trong vụ việc này càng ngày càng mạnh và càng thuyết phục. Bên cạnh đó, cũng đã có những dấu hiệu và nhiều bằng chứng đáng tin cậy cho thấy tham nhũng và lạm quyền là những yếu tố chính gây ra những mâu thuẫn này. Hơn nữa, luật sư Phạm Như Hưng trong tâm thư gửi Ngài Pháp Chủ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam cũng nhấn mạnh rằng những tăng ni này hoàn toàn không vi phạm bất cứ một điều khoản nào trong hệ thống luật pháp nước ta. Nhưng quan trọng hơn cả đó là, vấn đề này đã không những gây ra nhiều quan tâm và bức xúc ở dư luận trong nước mà còn tạo nên nhiều tai tiếng và chỉ trích từ dư luận quốc tế. Những công văn bày tỏ mối quan ngại này gửi đến Bộ Ngoại Giao nước ta từ các nước bạn và các tổ chức phi chính phủ, trong đó có thông cáo của Phân Ban Nhân Quyền Quốc Hội Âu Châu, nghị quyết của Quốc Hội Âu Châu, bản điều trần của tổ chức Human Right Watch… đều nhất loạt yêu cầu chính phủ nước ta thành lập ngay những ủy ban điều tra độc lập để làm sáng tỏ vấn đề này. Tôi và những đồng nghiệp của tôi ở Học Viện Luật Pháp cũng thấy rằng chỉ có thể giải quyết tình trạng này bằng luật pháp một cách công khai thì chúng ta mới có thể đánh tan được những cáo buộc trên.
Đứng trên phương diện luật pháp, thành lập một ủy ban điều tra độc lập là chuyện hoàn toàn hợp lý, nhất là trong những vụ việc kéo dài và gây nhiều quan tâm của dư luận. Vừa qua, việc nhà nước cho thành lập ủy ban điều tra lại vụ án Anh hùng lao động Ba Sương ở miền Nam chứng tỏ nhà nước luôn quan tâm tới dư luận. Vì vậy, tôi nghĩ việc cho thành lập ngay một ủy ban tương tự trong vụ việc xảy ra tại Tu viện Bát Nhã, Lâm Đồng là rất cần thiết và cấp bách. Nếu chậm trễ trong việc này, tôi e rằng nhà nước sẽ càng khó khăn hơn trong việc bào chữa cho những cáo buộc trên. Mặt khác, tôi không nghĩ rằng chỉ vì vài cá nhân đã lún sâu trong những mâu thuẫn không đáng ở vụ việc này mà nhà nước hy sinh uy tín của mình với bạn bè quốc tế.
Trong trường hợp nhà nước không thể hay không muốn thành lập một ủy ban như vậy tôi nghĩ, các tăng ni phải mạnh dạn làm đơn tố cáo việc đàn áp, bạo động, nhục mạ, lừa đảo và cưỡng đoạt tài sản này kiện lên Viện Kiểm Sát Nhân Dân và Tòa Án Tối Cao để được luật pháp che chở và bảo vệ. Tôi tin rằng luật pháp nước ta đủ cơ sở và hiệu quả để làm sáng tỏ vụ việc này.
Trong trường hợp Viện Kiểm Sát Nhân Dân và Tòa Án Tối Cao không thụ lý hồ sơ vụ kiện, tôi nghĩ Tòa Án Quốc Tế The Hague hoàn toàn có đủ thẩm quyền để can thiệp khi các tăng ni này chính thức tố cáo và yêu cầu giải quyết. Việc nhà nước trực tiếp đàn áp một cách bạo động, cưỡng đoạt tài sản, tham nhũng và lạm dụng quyền hành đối với một tập thể 400 tu sĩ là một sự kiện tồi tệ, nhất là khi vụ việc đã thu hút sự quan tâm và lên tiếng của chính quyền nhiều nước, của nhiều tổ chức quốc tế. Sự can thiệp của Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hợp Quốc, Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế, Tổ Chức Human Right Watch, Tổ Chức International Human Right Service, Phân Ban Nhân Quyền của Quốc Hội Âu Châu, Ngoại Giao Đoàn cũng như Chính Phủ các nước và tiếng nói của báo chí quốc tế như trong thời gian qua đã cho thấy tầm vóc quốc tế của vấn đề này. Những đồng nghiệp của tôi trong lĩnh vực luật pháp quốc tế cho biết họ không những sẵn sàng đứng ra bào chữa cho các tăng ni này mà các Luật sư đoàn quốc tế cũng sẵn sàng nhân danh thân hữu của những tăng ni này để khởi kiện Chính phủ Việt Nam lên Tòa Án Quốc Tế The Hague về những tội ác trên.
Cuối cùng, đứng trên phương diện một con người, và hơn cả, là một người Việt Nam, tôi nghĩ rằng việc xúc phạm, nhục mạ, đánh đập, đàn áp và cưỡng bức người tu, đặc biệt là tu sĩ Phật Giáo trong bất cứ hoàn cảnh nào, bất cứ mức độ nào cũng đã trái với lương tâm và đạo đức dân tộc. Chúng tôi thường nghe câu tục ngữ: “Lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó thoát”. Lưới luật pháp đã như vậy huống chi là lưới nhân quả?
Hà Nội, 03 tháng 12 năm 2009
Nguyễn Trung Nguyên
Luật gia Nguyễn Trung Nguyên - Xin thành lập ngay Một ủy ban điều tra độc lập
Monday, December 14, 2009
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 Góp ý kiến:
Post a Comment