Tại sao chúng ta đều xúc động trước những chuyện người đi tìm mộ chồng, mộ cha ở các trại tù “cải tạo” hay đi tìm những ngôi mộ rải rác ở các hòn đảo đã bao dung người tị nạn? Chắc bởi vì chúng ta đều tìm thấy trong những mẩu chuyện đó cách ăn ở có tình có nghĩa của con người đối với nhau. Bởi vì chúng ta đều mang sẵn trong lòng ước muốn sống có đạo nghĩa. Cho nên khi thấy có người sống đúng đạo nghĩa thì chính mình cảm thấy vững tin hơn.
Khi cô Carina Oanh Hoàng tìm thấy mộ của thân nhân mình rồi, cô đi tìm thêm những ngôi mồ khác để săn sóc, cô còn trở lại chụp hình và ghi chép tên tuổi trên các ngôi mồ bị lãng quên trong rừng rú ở các đảo Le Tung và Kuku. Cô ghi lại những thông tin đó để gửi đi bốn phương trời, như những thủy thủ viết những lá thư bỏ vào chai lọ đóng kín rồi thả theo dòng nước biển. Cô không ngờ có nhà báo Người Việt đã nhặt được một lá thư trong chai thủy tinh cô thả theo thủy triều. Và không ngờ có người đọc tờ báo này đã tìm thấy tên người em vắn số của mình trên hình mộ bia đá, 30 năm sau khi em qua đời trên đảo. Người đọc những chuyện trên không biết nên nói những lời chia vui, hay chia buồn? Dù nói gì chăng nữa, chúng ta chia sẻ với tất mọi người một niềm vui chung khi thấy tình nhân loại có thật, có những con người sống thật theo các quy tắc đạo nghĩa...
Và nhà thơ Lê Giang Trần đã có dịp cảm ơn công khai Alizar Acin, một người cảnh sát Indonesia tốt bụng! Vì họ chỉ quen nhau một thời gian ngắn trên đảo Pinang, mặc dù anh ta tự coi như một người con trong gia đình. Và chỉ sau khi gia đình đã định cư ở Mỹ thân phụ Lê Giang Trần mới viết thư nhờ anh cảnh sát làm giúp cái bia đá thay cho tấm gỗ trên mồ cô con gái. Ba mươi năm nay, gia đình vẫn không biết anh Acin đã giúp làm bia mộ hay chưa, đến địa chỉ của anh cũng đã bị mất! Muốn giúp làm bia mộ, anh Acin phải đi từ đảo Pinang nơi anh đóng tới hòn đảo Le Tung, mất 24 giờ đi thuyền. Tại sao anh lại tốt bụng bỏ bao công sức giúp một người cha làm mộ bia cho con như vậy? Anh có cùng tôn giáo với gia đình này để cảm thấy có nghĩa vụ đó hay không? Không, anh Acin đã hết lòng giúp, vì dù theo tôn giáo nào anh cũng được dạy rằng con người phải đối xử với nhau hết lòng như vậy. Khi được ai tin cậy, nhờ một việc gì, thì chúng ta phải làm hết sức mình giữ trọn lời hứa.
Cô Oanh Hoàng đã cho chúng ta thấy mối từ tâm của cô trước những nấm mồ trên đảo hoang thiếu người săn sóc. Anh Alizir Acin đã cho chúng ta thấy tấm lòng trọng nghĩa khinh tài của một cảnh sát viên người Indonesia. Trong một ngày, trên một tờ báo, mà chúng ta được đọc truyện của hai con người sống có tình, có nghĩa; chúng ta phải cảm ơn Trời Phật!
Một xã hội có đạo nghĩa khi nào người ta sẵn sàng giúp đỡ người khác, dù biết không bao giờ gặp lại. Nghĩa là làm ơn nhưng không đợi sẽ có ngày được đền ơn. Trong một xã hội có đạo nghĩa, mọi người được sống an vui hơn, mà trên mặt kinh tế thì đời sống cũng đỡ tốn kém hơn. Người ta không cần gắn hệ thống báo động khắp nơi, có khi không cần khóa nhà, khóa xe mà vẫn không lo mất. Tháng trước, chúng tôi đã kể chuyện cháu bé Emily mất cái mũ trong sở thú ở Madison, Wisconsin. Ngày hôm sau khi bố cháu gọi đến hỏi, nhân viên sở thú đã hứa sẽ gửi bưu điện về tận nhà cho cháu, ở thành phố New York, bố mẹ cháu không phải trả đồng nào cả. Câu chuyện đó kết thúc với câu hỏi: Tại sao người ta có thể đối xử tử tế với nhau như vậy nhỉ? Bao giờ thì trẻ em ở nước Việt Nam được sống với toàn những người tử tế ở chung quanh như vậy?
Giáo Sư Nguyễn Tư Mô đã kể cho chúng tôi một câu chuyện chứng tỏ người Việt Nam cũng đã sống tử tế với nhau như vậy.
Năm 1955, cụ Nguyễn Tư Mô đã cùng Bác Sĩ Bùi Kiến Tín dẫn một đoàn vài chục sinh viên y khoa, nha khoa và dược khoa đi làm công tác chẩn bệnh và phát thuốc giúp đồng bào tại vùng Châu Ðốc. Buổi trưa khi mới tới, cả đoàn công tác vào chợ Hồng Ngự ăn uống và thăm sinh hoạt của người địa phương. Sau đó, phái đoàn đến một trụ sở bắt đầu công tác y tế. Khoảng một tiếng đồng hồ sau khi họ rời chợ, có một người đàn ông khoảng 30 tuổi tìm tới trụ sở tạm của phái đoàn, để đem trả một cặp kính mát. Anh ta nhặt được cặp kính loại tốt này ở ngoài chợ, và anh nghĩ chỉ có những người Sài Gòn mới dùng thứ “đồ xa xỉ” đó chứ không phải người địa phương mất, cho nên anh đem tới trả.
Cụ Nguyễn Tư Mô, cựu khoa trưởng Ðại Học Nha Khoa Sài Gòn, không bao giờ quên kỷ niệm đó. Khi chúng ta trông thấy tận mắt cảnh những con người sống tử tế với nhau, chúng ta cũng không bao giờ quên được. Chúng ta thấy tin tưởng có thể làm sống lại nền nếp đạo nghĩa của người Việt Nam. Vì chúng ta biết chắc trong truyền thống của dân tộc đã có sẵn những hạt nhân đạo nghĩa, chỉ cần mưa thuận gió hòa thì những hạt giống tốt đó sẽ nẩy mầm rồi lớn lên mãi.
Ðó là điều Mạnh Tử đã dạy từ hơn hai ngàn năm trước. Con người ta ai cũng có lòng thương xót, cho nên ai cũng có đầu mối của đạo Nhân. Ai cũng có tấm lòng biết xấu hổ và ghét cái xấu là đầu mối của đạo Nghĩa.” (Mạnh Tử, Cáo Tử thượng, VI, 7: Trắc ẩn chi tâm, Nhân chi đoan dã. Tu ố chi tâm, Nghĩa chi đoan dã).
Tấm lòng trắc ẩn của người Việt Nam không bao giờ mất, dù trải qua bao nỗi khổ cũng không bị hao mòn. Một trận bão đánh vào miền Trung, bao nhiêu người ở trong và ngoài nước chuẩn bị cứu giúp các nạn nhân.
Nhưng tấm lòng tu ố, biết xấu hổ, thì hiện nay có phần giảm sút. Nhiều người không còn biết hổ thẹn nữa, cho nên họ có thể thản nhiên làm điều xấu mà không phải che mặt, không cần trốn lánh. Quý vị có thể hỏi thăm ông Huỳnh Ngọc Sỹ hiện giờ sống ra sao? Ông có bao giờ che mặt khi bị nhà báo chụp hình hay không? Ông có cảm thấy hổ thẹn khi cả nước Nhật biết ông được hối lộ hàng triệu đô la Mỹ hay không? Ông có lo con cháu ông sau này sẽ xấu hổ khi bị người ta hỏi đến tông tích hay không?
Chúng ta có thể đoán là ông Huỳnh Ngọc Sỹ không có những phản ứng kể trên. Không phải vì ông phi đạo đức, mà vì ông không chia sẻ cùng một nền đạo nghĩa với đa số người Việt Nam hoặc các dân tộc Á Ðông. Ông Huỳnh Ngọc Sỹ được huấn luyện một nền đạo đức khác. Trong cuốn “Vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội” ông Hồ Chí Minh đã giảng giải đạo đức cho những người theo ông làm cách mạng như sau:
“Nói tóm tắt thì đạo đức cách mạng là:
Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho đảng, cho cách mạng. Ðó là điều chủ chốt nhất.
Ra sức làm việc cho đảng, giữ vững kỷ luật của đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của đảng.”
Hai điểm đầu tiên trong định nghĩa đạo đức của Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến lòng trung thành với đảng. Nếu ông Huỳnh Ngọc Sỹ đã “thi hành tốt” chính sách của đảng khi đưa tay ra nhận tiền của người Nhật, thì trong lòng ông không cảm thấy hổ thẹn nữa. Vì ông làm đúng theo lời dạy của Hồ Chí Minh. Một đảng viên có thể ăn cắp, giết người, buôn phụ nữ bán cho người nước ngoài, lấy của công làm của riêng, nhưng nếu lúc nào cũng sẵn sàng theo lệnh đảng thì không cần phải hổ thẹn.
Cho nên chúng ta không ngạc nhiên khi một “sử gia” như Trần Huy Liệu đã bịa chuyện anh hùng Lê Văn Tám để dựng lên một thần tượng làm mồi cho bao nhiêu thanh niên Việt Nam khác theo gót, nghĩ mình hy sinh chết cho tổ quốc nhưng cuối cùng chỉ có đảng Cộng Sản được hưởng. Trần Huy Liệu vốn là đảng viên Quốc Dân Ðảng Việt Nam, sau đi theo cộng sản. Vào cuối đời, có lẽ ông đối diện với lương tâm cảm thấy bên trong những quyền lợi của đảng, còn có những giá trị cao quý khác. Do đó, ông đã ủy thác cho sử gia Phan Huy Lê sau này hãy xóa bỏ cái thần tượng giả trá đó đi. Giống như Chế Lan Viên, vào cuối đời cũng để lương tâm sống lại, tự hỏi mình đã viết bao nhiêu câu thơ xúi giục bao thanh niên Việt Nam đi chết ở dãy Trường Sơn! Bây giờ, có thi sĩ đã viết bài “Tạ lỗi với Trường Sơn” thì bao nhiêu mạng người đã chết. Người đã chết không thể sống lại. Như kịch tác gia Lưu Quang Vũ viết: Có những cái sai không thể sửa được.
Ðối với các ông Trần Huy Liệu và Huỳnh Ngọc Sỹ, họ đã nói dối để phục vụ đảng, đã đòi ăn hối lộ theo chính sách của đảng, hệ thống đạo đức của họ cho phép các hành động đó, vì Hồ Chí Minh đã biện minh rất rõ ràng.
Nhưng đối với những người Việt Nam khác thì đây là một tai họa. Vì khi những người nắm quyền cai trị một nước, mỗi lời nói mỗi hành động đều ảnh hưởng tới hàng triệu người khác, mà nói dối trắng trợn quá thì mọi người sẽ lấy đó làm gương. Nhất là các thiếu niên còn bé dại. Khi một đảng lãnh đạo không giữ được tấm lòng “biết hổ thẹn” thì mọi người dân khác cũng dần dần mất đi cái tính biết hổ thẹn. Nghĩa là bỏ mất một nguồn gốc của đạo nghĩa.
Kể từ khi ông Phan Huy Lê công bố lời dặn của Trần Huy Liệu hãy xóa bỏ thần tượng Lê Văn Tám, từ năm 2005 đến nay, cả guồng máy cai trị và tư tưởng, văn hóa của đảng Cộng Sản vẫn không nhấc một ngón tay lên để cải chính với lịch sử. Tất cả những em bé đang được học chuyện Lê Văn Tám trong trường đều biết đó là chuyện dối trá. Những người đi qua công viên Lê Văn Tám đều biết đó là một nhân vật giả. Nếu có cặp tình nhân vào công viên Lê Văn Tám mà thề thốt với nhau thì họ có tin nhau hay không?
Có phải người Việt Nam đã mất cảm ứng, không còn thấy chướng tai khi nghe những lời giả dối nữa hay không?
Nhưng chúng ta biết gần một thế kỷ cộng sản hóa cũng không làm mất được tính thiện của con người Việt Nam. Người Việt Nam vẫn còn biết xấu hổ trước những lời dối trá. Bữa trước một người Việt ở trong nước điện thoại cho biết anh nghe những lời giải thích của “phát ngôn viên chính phủ” về vụ tăng ni ở Bát Nhã thì cảm thấy nghẹn ở cổ họng, tức thở. Vì anh không thể tưởng tượng tại sao người ta có thể nói dối một cách trắng trợn và thản nhiên, chối bỏ những sự thật ai cũng biết như vậy?
Ðiều đó chứng tỏ anh bạn, ngoài 50 tuổi, vẫn còn giữ được “Tu ố chi tâm, Nghĩa chi đoan giã,” biết xấu hổ là nguồn gốc của nghĩa khí. Mai mốt công an cộng sản sẽ bịa ra những câu chuyện, hình ảnh để vu oan, kể tội lỗi của các thiền sinh trẻ này. Hy vọng anh bạn tôi sẽ được chuẩn bị trước, không nghẹn hơi tức thở nữa! Hãy coi đó là một cuốn phim Lê Văn Tám mới!
Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=102745&z=7
Biết hổ thẹn là đầu mối đạo nghĩa
Saturday, October 17, 2009
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 Góp ý kiến:
Post a Comment