Từ sự kiện Bát Nhã suy nghĩ về viễn tượng Phật giáo Việt Nam (tt)

Saturday, October 17, 2009


Ý thức hệ Phật Giáo

Chúng ta lại có dịp ngồi yên và thử nghiệm vài điều về ý thức Phật Giáo. Phật giáo là gì? Duy tâm hay Duy vật, hay thuộc vào một hệ thống lý triết học nào? Phật giáo có phải là một môn khoa học, một môn nhân bản học, hay thuộc một trường phái chính trị nào?

Nếu nhìn sâu, thì chúng ta biết, Phật giáo không thuộc một ý thức hệ nào. Nói rõ hơn, Phật giáo chính là những lời dạy dỗ của người đi trước để lại cho các thế hệ đi sau với những nội dung hướng con người đến cái chân thật, cái đẹp và cái hiền lành không gây khổ não. Tất cả giáo khoa Phật giáo đều mang Ba dấu tích ấn chứng là Phật giáo – Vô Thường, Vô Ngã và Niết Bàn. Hơn thế nữa, thực tập Vô thường trước hết phải nói rằng đó là một định, hay gọi là định vô thường. Nguyên tắc định là có tuệ, nhờ thực tập định vô thường mà ta có được cái tuệ giác về vô thường. Từ đó, vô ngã và niến bàn cũng nằm trong này và được hiểu như một phương pháp tu tập, chứ không phải là một loại triết học lý luận.

Phật giáo, không thuộc vào một phạm vi ý thức hệ nào mà Phật giáo nằm rải rác khắp nơi các trong dòng chảy của người dân Việt Nam và hơn thế nữa trong nhân loại, không cần biết thuộc sắc tộc nào. Nghĩa là nơi nào có sự sống phát triển và Phật giáo có mặt bằng những hình thức khác nhau. Vì sự phát triển đồng nghĩa với sự thay đổi của vô thường. Phật giáo Việt Nam cũng nằm trong quy định này. Chế độ chính trị nào cũng sẽ đi đến chuyện chấm dứt. Có hai con đường phát triển: một là đi lên và hai là đi xuống. Trên nguyên tắc, dừng lại có nghĩa là đi lùi. Vì sao? Vì sự vật luôn đi tới và phát triển; nếu anh dừng lại điều đó có nghĩa là anh đang lùi và lạc hậu. Đất nước Việt Nam cũng vậy, Phật Giáo Việt Nam cũng vậy. Dừng lại và thoả mãn với những gì anh đang có, điều đó cùng với số phận thụt lùi và lỗi thời lạc hậu.

Ý thức về con đường Phật giáo cũng như vậy mà thôi. Qua sự kiện Bát Nhã, ta càng thấy rõ ràng hơn bước chân và vị trí của Phật giáo trong con người Việt Nam. Một đất nước luôn vinh danh và vênh vang với danh dự văn hóa ngàn năm; chỉ là một huyền thoại. Việt Nam và tương lai Phật giáo chỉ còn là giấc mộng. Cơn lốc chính trị bạo tàn không thua Cách Mạng Văn Hoá – 1966 của Mao Trạch Đông hiện đang diễn ra ngay trước mắt chúng ta. Thanh niên Việt Nam đã và đang ngủ say trong giấc ngủ liệt tuệ, trong khi cơn lốc ấy cứ cuốn đi và xoáy đi biết bao nhiêu con người và tư tưởng. Chí khí của người Việt Nam chỉ là những ảo ảnh.

Người Việt ơi, hãy ca lên bài đồng dao năm xưa; cùng đưa cánh tay và tiếng nói và hơi thở để đứng lên và bước tới. Chúng ta chờ đợi đến bao giờ?

Phe Phái Trong Phật Giáo,

Phật giáo đã chia thành nhiều phe và nhiều cánh. Một cảnh xáo thịt nồi da. Anh nhân danh là gì – là Phật tử. Một người Phật tử mà hành động không chút Phật tử. Làng Mai giờ đây cũng coi như là một phe phái cần tiêu diệt. Chiến tranh ý thức hệ giữa miền Nam và miền Bắc vẫn còn nặng mùi thuốc súng, vẫn còn đỏ rực những con đường máu đổ. Mộ của đồng bào vẫn còn chưa xanh cỏ. Xương của đồng bào vẫn còn đó trong lòng những nấm mộ đắp vội bên những con đường. Giờ đây, Phật Giáo, chính các anh đã phân chia để đánh nhau và để cho người ngoài lợi dụng.

Anh nhân danh là Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, anh nhân danh là Phật Giáo Việt Nam, anh nhân danh là Giáo Hội Phật Giáo,… các anh đã ký tên báo tử Phật Giáo từ hồi các anh rất trẻ, hồi các anh là một thanh niên tu sĩ. Những đe dọa toàn dân, những đau thương khắp nơi,… các anh chỉ ngồi yên và im phăng phắt. Tiếng nói của một con người đã nhường ngôi cho danh vọng và tham nhũng.

Đất nước đang đi tới giai đoạn mờ mịt và ảo vọng. Các anh cứ tiếp tục ngồi đó an phận, để cho sóng gió giày xéo lên thân phận những đứa con của các vị. Nhân nghĩa đã không còn. Các anh công an, an ninh tôn giáo, các anh lãnh đạo, các anh làm việc cho Giáo Hội Phật Giáo,… các anh có gia đình, có tổ chức và có con cháu, tổ tiên,… các anh sẽ trao truyền cái gì cho con cháu các anh ngoài những u mê thừa hành, ngoài những tham nhũng, ngoài những túi tiền lạm dụng lòng tốt tín đồ? Gia sản của các anh là gì?

Niềm tin còn lại,

Chúng ta, những người đi sau; những người được truyền thừa những gia sản của chúng ta, của đất nước và linh hồn người Việt; chúng ta làm gì? Chúng ta có tiếng nói hay là tiếng nói đã im lặng. Chúng đang chờ một ông Bụt hiện ra để cứu Tấm hay chờ một cái gì nữa? Chúng ta thật là đáng thương. Thanh niên Việt Nam thật là đáng thương. Xứng đáng cho một cái nhìn đáng thương? Không, các bạn! Chúng ta có chính kiến của một con người, chúng ta biết tu và biết thay đổi. Đặc biệt là chúng ta không dừng lại ở một vị trí an thân và thoả mãn.

Chúng ta có chịu ngồi lại hay không? Chúng ta có niềm tin về những thay đổi hay không? Chúng ta có đồng lòng đi tới một thoả hiệp chung hay không? Một tổ chức dành cho người xuất gia trẻ có được thành hay không? Chúng ta hãy có một tổ chức Người Xuất Gia Trẻ Việt Nam, nói lên tiếng nói và công bình. Hay có ai đó, sợ hãi trước thế lực chính quyền Việt Nam. Chúng ta hãy đồng lòng cho một tương lai Phật Giáo và một tương lai linh hồn Việt Nam. Các vị hoà thượng ngày xưa cũng có một thời thanh niên như chúng ta, như họ đã đẩy Phật Giáo vào con đường không lối thoát. Bây giờ, chúng ta làm những gì thì vài chục năm sau Phật Giáo Việt Nam sẽ chính là những kết quả từ những việc làm hôm nay.

Thanh niên và Thanh niên tu sĩ Việt Nam có quyền chọn lựa vì chính anh chịu trách nhiệm cho những gì anh làm.

Thích Phong Định
Ngày 16 tháng 10 năm 2009

0 Góp ý kiến:

TÂM THƯ TĂNG THÂN BÁT NHÃ

Tăng Ni sinh và bạn trẻ Việt Nam trong và ngoài nước "... Chúng tôi vô cùng cảm động khi đọc “Huyết Thư” trên mạng phusaonline ngày 30/9/2009 của quý liệt vị. Chúng tôi rất biết ơn quý vị đã hết lòng yểm trợ cho chúng tôi trong thời gian qua. Huyết thư đó đã trấn an cho chúng tôi rất nhiều. Chúng tôi biết trong hoàn cảnh nào quý vị vẫn luôn có đó cho chúng tôi như những người sư anh, sư chị của mình, luôn sẵn sàng nâng đỡ yểm trợ hết lòng cho chúng tôi khi chúng tôi cần đến. Tuy thế chúng tôi vẫn đang ở trong tình thế bị động và rất bất an. Tuy được lánh nạn tại chùa Phước Huệ ở thị xã Bảo Lộc tỉnh Lâm Đồng sau hai lần bị hành hung và bị đuổi ra khỏi Tu Viện Bát Nhã, nhưng chúng tôi vẫn đang tiếp tục bị áp lực phải rời khỏi nơi đây và bị đe dọa sẽ bị hành hung như lần trước..."

"... Chúng tôi là những người tu sĩ trẻ thuộc tăng thân Tu Viện Bát Nhã, chúng tôi đang bị lâm nguy vì sự việc xảy ra vừa qua tại TV Bát Nhã ngày 27/9/2009. Chúng tôi đã bị hành hung, đánh đập và bị đuổi ra khỏi Tu Viện trong khi ngoài trời đang mưa bão (Các bạn có thể xem chi tiết trên phusaonline). Hiện tại chúng tôi đang tạm lánh nạn ở chùa Phước Huệ - Bảo Lộc, Lâm Đồng nhưng lại tiếp tục bị áp lực phải rời khỏi nơi đây mà chúng tôi không biết phải đi đâu. Chúng tôi đang bị đe dọa là sẽ bị hành hung như lần trước như tại TV Bát Nhã trong nay mai. Tình trạng rất nguy nan và khẩn cấp. Vì vậy, chúng tôi viết thư này xin các bạn trẻ bên ngoài giúp đỡ..."

Bài mới đăng

Tổng mục lục