Khi những biến động đau thương xảy ra tại tu viện Bát Nhã nơi TMT đang là một tập-sự-nữ thì ai có thể thấy sự thật rõ hơn ngoài những người trực tiếp hứng chịu? Nên khi báo chí nhà nước phủ nhận không có sự đàn áp, chỉ là việc nội bộ tôn giáo thì “… hơn ai hết, tôi, con cháu của một gia đình có truyền thống đảng viên lại biết rõ sự thật hoàn toàn khác, phải nói là hết sức đau lòng …”
Nhân đọc chia sẻ của TMT qua bài "Đằng sau ánh hào quang"
Lá thư của TMT, một người tập sự nữ tại tu viện Bát Nhã, Lâm Đồng đăng trên Phù Sa dưới tiêu đề “Đằng sau ánh hào quang” đã vô tình hiển lộ rõ hơn, lời Đức Phật dạy về lẽ Vô Thường.
Ngay từ dòng đầu, TMT đã thành thật thố lộ môi trường cô được sinh ra và lớn lên là ước mơ của bao người. Giầu sang, danh vọng, địa vị vững chãi …. ấy thế mà cô luôn sống trong nỗi trầm cảm, không biết có phải mình đang sống không, và nếu phải, thì mình đang sống để làm gì?
Cảm nhận như thế, có phải, trong sâu thẳm tiềm thức, cô đã không nhìn sự giầu sang, danh vọng, địa vị là có thật, là sẽ còn đó mãi mãi, là sẽ luôn đem lại hạnh phúc? Vì nếu tin như thế, cô phải an vui với những thứ đang có đó chứ, sao lại luôn rơi vào trầm cảm, khắc khoải, khổ đau?
Vì TMT có những suy nghĩ khác với thân quyến mà trở thành ốc đảo cô đơn đã đành, nhưng gia đình và dòng tộc của cô thì sao? Họ không suy nghĩ như cô, nhưng họ có thực sự hạnh phúc với những gì họ tin rằng mang đến hạnh phúc không?
Lời chia xẻ trong thư của TMT cũng đã trả lời điều này. Gia đình, dòng họ TMT tuy sống trong ánh hào quang của tiền tài, danh vọng, địa vị nhưng rõ ràng là họ LUÔN HỒI HỘP, LO LẮNG những thứ đó sẽ mất đi. Vì tin rằng, mất đi là sẽ mất hạnh phúc nên BẰNG MỌI GIÁ, mọi người trong gia tộc phải như những móc xích, cùng chịu trách nhiệm chung trong việc ôm cho chặt, chất cho đầy, cột cho chắc những gì đang có, dù phải dối trá, hại người, hoặc ngay cả làm khổ mình khi không được làm điều mình muốn, nếu điều đó có cơ nguy lung lay những thứ đang ôm giữ!
Vậy thì, trong ánh hào quang đó, gia tộc của TMT có thực sự hạnh phúc, an lạc không? Họ có thực sự biết mình đang sống không? Hay mình đang thở đây chỉ là THỞ ĐỂ ÔM GIỮ HÀO QUANG chứ không hề thở mà NHẬN THỨC ĐIỀU KỲ DIỆU LÀ MÌNH ĐANG THỞ, MÌNH ĐANG SỐNG, MÌNH ĐANG LÀM CHỦ MÌNH, MÌNH ĐANG HOÀN TOÀN TỰ DO, MÌNH ĐANG THĂNG HOA VÌ KHÔNG MỘT MẶC CẢM NÀO DO DỐI TRÁ, HẠI NGƯỜI, GẠT MÌNH.
Trong thư, TMT cũng đã tâm sự là bao khổ đau âm thầm dồn nén quá tràn đầy mới giúp cô tiểu thư cành vàng lá ngọc có hành động can đảm của con nhộng bung ra khỏi cái kén, bàng hoàng trước không gian mênh mông kia, kinh ngạc trước những gì cô khổ công tìm cầu lại là những gì ngay tầm tay, đơn giản nhất. Cô đã hạnh phúc vô biên khi rửa bát, nấu cơm, chùi dọn nhà vệ sinh …. Những việc trước đây cô tưởng chỉ là việc hèn hạ của gia nhân mà cô chủ nhỏ không bao giờ biết đến. Cái hạnh phúc vô biên đó, không phải là việc cô rửa bát, nấu cơm, chùi dọn, mà là cái KHÔNG GIAN và cái TÂM khi cô làm những việc đó.
Đó là không gian của Giới, Định, Tuệ, nơi cô đang là một tập-sự-nữ. Không gian đó không có sự tỵ hiềm, đố kỵ, tranh giành, dối trá, gian tham. Không gian đó chỉ có sự đồng tâm nhất trí chia xẻ những lời dạy Từ Bi của Đức Thế Tôn để cùng Giác Ngộ, vượt thoát những hạnh phúc ảo tưởng của thế gian để thực sự cùng dấn thân trên con đường cứu mình, giúp đời.
Là một tập-sự-nữ, TMT đã mang hạnh phúc này về chia xẻ với gia đình. Cô nhận định là gia đình được chuyển hóa “ …Những bữa cơm trong gia đình bắt đầu thay đổi. Tôi vui, em trai tôi vui, mẹ tôi vui, ba tôi vui, cả nhà đều vui …”
Điều đó nói lên cái gì? Nói lên sự khổ đau sâu thẳm của những ai đang sống dưới ánh hào quang, biết chỉ là giả tạm mà không can đảm buông bỏ, không can đảm sống thật với mình. Nhận niềm vui đích thực một cách e dè, dấu diếm, trong phạm vi gia đình nhỏ bé thì được, nhưng tiến xa hơn thì không thể!
Khi những biến động đau thương xảy ra tại tu viện Bát Nhã nơi TMT đang là một tập-sự-nữ thì ai có thể thấy sự thật rõ hơn ngoài những người trực tiếp hứng chịu? Nên khi báo chí nhà nước phủ nhận không có sự đàn áp, chỉ là việc nội bộ tôn giáo thì “… hơn ai hết, tôi, con cháu của một gia đình có truyền thống đảng viên lại biết rõ sự thật hoàn toàn khác, phải nói là hết sức đau lòng …”
Sự khổ đau và yếu đuối của gia đình và dòng họ cô đã lên cao độ khi cô ngỏ ý muốn xuất gia, tu theo pháp môn Làng Mai. Tội nghiệp thay, toàn thể gia đình, dòng họ, thà phải từ con, thà phải mất cháu, chứ cái hào quang giả tạm kia không thể buông bỏ!
Suốt nhiều năm tháng học hành, để khi đỗ đạt, TMT lại không theo ngành đã học mà tiến thân, lại “làm nghề tay trái” vì “dù đã đánh mất nhiều năm tháng, nhưng không thể đánh mất mình”.
Cái dũng của người con Phật là đây. CÓ THỂ MẤT MỌI THỨ NHƯNG KHÔNG THỂ ĐÁNH MẤT MÌNH.
Vậy thì, cuối thư, TMT thảm thiết kêu lên “Có ai thắp dùm tôi một ngọn nến không?” có thực sự là câu hỏi?
Ngọn nến đó, chính TMT đã thắp rồi mà! Và như cô cảm nhận, ánh sáng đó đã đưa cô ra khỏi vùng tăm tối của nhiều năm tháng sống dưới hào quang giả tạm.
Ngọn nến đó là lời Đức Thế Tôn xót thương mà dạy:
“HÃY TỰ ĐỐT ĐUỐC LÊN MÀ ĐI. CON ĐƯỜNG TA ĐÃ CHỈ.”
Huệ Trân
(Phong Vân Am-tháng 10/09)
0 Góp ý kiến:
Post a Comment