Tâm An - Chân Pháp - Thư lòng kính gửi các chú Lãnh đạo và Công an

Tuesday, October 27, 2009

Chúng cháu không đến với những quyền hành, danh vọng mà chỉ muốn đến với nhau để được sống thật lòng với nhau. Xây dựng được tăng thân, chúng cháu cũng đã đóng góp được phần nào đem đến bình an và hạnh phúc cho những người đến với mình. Trong những người đến với tăng thân cháu có rất nhiều người thuộc nhiều thành phần khác nhau, và dù có khác nhau đi nữa thì ai đến rồi thì cũng được học cách để sống có hạnh phúc, tập thể hiện tình yêu thương đến với mọi người, tập chuyển hóa những nỗi khổ niềm đau trong tâm.

Các chú kính mến!

Cháu là một tu sĩ nhưng vẫn cảm thấy thoải mái được xưng hô là chú - cháu. Ngày trước khi còn là một em bé cắp sách đến trường cháu thường được các thầy cô giáo dạy là hễ ra đường mà gặp một người lớn tuổi bằng ông thì “thưa ông”, tuổi bằng ba thì “thưa chú”, mà tuổi bằng mẹ thì là “thưa cô”, “thưa dì”. Các chú cũng bằng tuổi ba cháu nên cháu gọi là chú. Vả lại trong đại gia đình thì người chú là dễ gần hơn hết.

Là những người xuất gia trẻ, trong các anh em của cháu hầu hết đã từng ngồi trên ghế nhà trường, đã từng là đội viên, đoàn viên, mang trên mình chiếc khăn quàng đỏ thắm hay huy hiệu đoàn, và cũng đã được học những bài học đạo đức về tư cách của một người đội viên, đoàn viên, những bài học dạy chúng cháu yêu quê hương, đất nước, con người Việt Nam.

Bây giờ đã là người xuất gia nhưng cháu vẫn còn yêu những người đội viên, đoàn viên ấy. Những người con trai, con gái với tâm hồn trong sáng và tình yêu quê hương nồng nàn. Là một người xuất sĩ, cháu và các anh em cháu không nghĩ là mình không yêu quê hương, đất nước. Mà trái lại, thầy của cháu dạy là phải thể hiện tình yêu đó bằng cách sống hằng ngày của mình. Cháu phải thực sự có bình an và hạnh phúc trong tâm thì mới gọi là yêu quê hương, đất nước được. Vì vậy mà trong cách sống hằng ngày, anh em cháu đã tập sống với hiểu biết và thương yêu. Mà cụ thể nhất là anh em cháu đã sống và có sự tôn trọng đến sự sống của mọi người và mọi loài, không có gian dối, trộm cắp, không có quan hệ tình cảm nam nữ, trái lại chúng cháu tôn trọng lý tưởng và tự do của mỗi cá nhân, không có hút thuốc, uống rượu và tiêm chích ma túy, sống có hạnh phúc và hiến tặng niềm vui cho mọi người. Đây là những điều cụ thể nhất mà anh em cháu đã sống để thể hiện tình yêu quê hương, đất nước của mình. Các anh em cháu đã đi đến với nhau bằng một tình yêu thương như vậy đó, và ước muốn có được một môi trường mà trong đó mọi người được sống để thể hiện tình yêu thương chân thật là một khát khao cháy bỏng trong tim của mỗi anh em cháu. Cháu không nghĩ yêu quê hương, đất nước thì phải theo bên này hay bên kia, tổ chức này hay tổ chức kia. Cháu không nghĩ như vậy. Đó không phải là một thước đo chính xác. Yêu quê hương đất nước là phải có hiểu biết, thương yêu, có tha thứ và bao dung. Sống có hạnh phúc và bình an trong tâm. Nếu cháu và tăng thân của cháu sống mà không có được những chất liệu đó thì tăng thân của cháu đang chết, xã hội của cháu không có những chất liệu đó thì xã hội cũng đang chết, và đất nước cũng đang chết.

Là một người trẻ, lớn lên trên đất nước Việt Nam mà không được thể hiện tình yêu quê hương, đất nước của mình thì cháu nghĩ đó là một sự thiệt thòi rất lớn, một nỗi đau rất lớn. Cháu không hiểu tại sao các anh em cháu không có được cái quyền và nghĩa vụ đó. Tại sao anh em cháu không được yêu quê hương đất nước bằng chính trái tim của mình, bằng chính lý tưởng và cuộc sống của mình. Cháu nghĩ rằng đó là cái quyền, là nghĩa vụ thiêng liêng và cao đẹp nhất, mà cũng là một gia tài quý báu nhất của dân tộc cho mỗi công dân Việt Nam. Mang tình yêu đó trong lòng, cháu cảm thấy thật ấm áp và đi đâu cũng thấy quê hương, dân tộc nằm trong trái tim mình.

Cháu đã từng nói với anh em cháu rằng, “Bát Nhã là một đất nước Việt Nam thu nhỏ”. Bởi vì trong đó các anh em cháu được sống với những giá trị đạo đức rất tốt đẹp, những điều hay, lẽ phải mà chúng cháu đã được học từ gia đình, thầy cô và từ những nét văn hóa của con người Việt Nam. Bát Nhã là nơi mà các anh em cháu đã đến với nhau bằng những lời nguyện, bằng những trái tim trong sáng và tình yêu chân thực. Chúng cháu không đến với những quyền hành, danh vọng mà chỉ muốn đến với nhau để được sống thật lòng với nhau. Xây dựng được tăng thân, chúng cháu cũng đã đóng góp được phần nào đem đến bình an và hạnh phúc cho những người đến với mình. Trong những người đến với tăng thân cháu có rất nhiều người thuộc nhiều thành phần khác nhau, và dù có khác nhau đi nữa thì ai đến rồi thì cũng được học cách để sống có hạnh phúc, tập thể hiện tình yêu thương đến với mọi người, tập chuyển hóa những nỗi khổ niềm đau trong tâm. Cũng có những người con trai, con gái thuộc hạng nhà giàu có và con cháu của các vị cán bộ nữa. Đối với những người này tiền bạc, danh vọng, quyền hành không phải là thứ họ cần, cái mà họ cần là sự bình an trong tâm hồn của họ. Đó là những việc làm mà anh em cháu thích thú nhất. Bởi vì sống mà có cơ hội để giúp đỡ cho đồng bào bớt khổ là một niềm hạnh phúc rất lớn và làm cho cuộc sống có ý nghĩa hơn. Họ khổ không chỉ là thiếu cơm thiếu áo mà còn có những cái khổ ở trong tâm. Cái khổ ở trong tâm thì người nào cũng có.

Là một người trẻ, đến với đạo Bụt và trở thành một người tu sĩ, cháu không nghĩ là mình đã trở nên dị lập, đã đứng ra ngoài cuộc sống của một người dân Việt. Mà trái lại cháu thấy mình thật may mắn vì có cơ hội để trở về với cội nguồn những giá trị văn hóa đạo đức của dân tộc Việt Nam. Đạo Bụt đã có mặt trên hai ngàn năm ở Việt Nam, đạo Bụt Việt Nam đã trở thành một sản phẩm của văn hóa Việt Nam rồi, thì một người trẻ như cháu sống trong thế kỷ 21 có đến với đạo Bụt cũng không có gì là lạ. Các thế hệ tổ tiên đã đến và đã phát huy được những giá trị tốt đẹp của đạo Bụt, để rồi cống hiến và làm giàu thêm cho nếp sống phong hóa của con người Việt Nam, thì một người trẻ như cháu thấy mình cũng có bổn phận phải tiếp nối sự nghiệp của tổ tiên.

Đến với đạo Bụt, cháu thấy cuộc sống nó đẹp hơn, biết đâu là những giá trị đạo đức văn hóa của dân tộc. Có niềm tin vào đạo Bụt, cháu thấy mình không còn là một người cô đơn, buồn khổ và không có hướng đi. Cháu mong rằng các anh em cháu vẫn có quyền được sống với nhau để được yêu quê hương, đất nước bằng chính trái tim của mình. Cháu cảm ơn các chú đã lắng nghe cháu tâm sự. Kính chúc các chú có nhiều bình an.


Kính thư,
cháu
Tâm An - Chân Pháp

0 Góp ý kiến:

TÂM THƯ TĂNG THÂN BÁT NHÃ

Tăng Ni sinh và bạn trẻ Việt Nam trong và ngoài nước "... Chúng tôi vô cùng cảm động khi đọc “Huyết Thư” trên mạng phusaonline ngày 30/9/2009 của quý liệt vị. Chúng tôi rất biết ơn quý vị đã hết lòng yểm trợ cho chúng tôi trong thời gian qua. Huyết thư đó đã trấn an cho chúng tôi rất nhiều. Chúng tôi biết trong hoàn cảnh nào quý vị vẫn luôn có đó cho chúng tôi như những người sư anh, sư chị của mình, luôn sẵn sàng nâng đỡ yểm trợ hết lòng cho chúng tôi khi chúng tôi cần đến. Tuy thế chúng tôi vẫn đang ở trong tình thế bị động và rất bất an. Tuy được lánh nạn tại chùa Phước Huệ ở thị xã Bảo Lộc tỉnh Lâm Đồng sau hai lần bị hành hung và bị đuổi ra khỏi Tu Viện Bát Nhã, nhưng chúng tôi vẫn đang tiếp tục bị áp lực phải rời khỏi nơi đây và bị đe dọa sẽ bị hành hung như lần trước..."

"... Chúng tôi là những người tu sĩ trẻ thuộc tăng thân Tu Viện Bát Nhã, chúng tôi đang bị lâm nguy vì sự việc xảy ra vừa qua tại TV Bát Nhã ngày 27/9/2009. Chúng tôi đã bị hành hung, đánh đập và bị đuổi ra khỏi Tu Viện trong khi ngoài trời đang mưa bão (Các bạn có thể xem chi tiết trên phusaonline). Hiện tại chúng tôi đang tạm lánh nạn ở chùa Phước Huệ - Bảo Lộc, Lâm Đồng nhưng lại tiếp tục bị áp lực phải rời khỏi nơi đây mà chúng tôi không biết phải đi đâu. Chúng tôi đang bị đe dọa là sẽ bị hành hung như lần trước như tại TV Bát Nhã trong nay mai. Tình trạng rất nguy nan và khẩn cấp. Vì vậy, chúng tôi viết thư này xin các bạn trẻ bên ngoài giúp đỡ..."

Bài mới đăng

Tổng mục lục