Vụ biến động bạo hành tại tu viện Bát Nhã thuộc tỉnh Lâm Đồng Việt Nam đã bước sang tuần thứ hai.
Gần 400 tăng ni sinh người Việt, tuổi từ 16 đến 25, tu theo pháp môn Làng Mai của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, đã bị sách nhiễu, đe dọa liên tục và cuối cùng bị đuổi ra khỏi chùa bằng bạo lực trong ngày 27 tháng 9 năm 2009.
Diễn tiến của vấn đề trải qua nhiều giai đoạn và xẩy ra dưới nhiều hình thức khác nhau. Để có được một cái nhìn tổng quát về khung cảnh chung của sự việc, vấn đề Làng Mai Bát Nhã xin được tóm lược như sau:
Khởi đầu, vào thời điểm trước và sau khi Thiền sư Nhất Hạnh cùng phái đoàn tăng thân Làng Mai về thăm Việt Nam lần đầu vào năm 2005, thượng tọa Thích Đức Nghi, nguyên là viện chủ chùa Bát Nhã, đã thường xuyên sang Pháp cùng đệ tử để tu học ở Làng Mai. Sau đó, TT Đức Nghi đã nhận sự tài trợ của Làng Mai để xây dựng chùa Bát Nhã thành một tu viện lớn, có đủ cơ sở vật chất cần thiết cho khoảng 1800 người tu học. Tăng đoàn Làng Mai Bát Nhã đã hình thành và sự tu học thuần túy đã diễn biến hài hòa tốt đẹp trong phạm vi chùa chiền tự viện...
Sự biến động bắt đầu khi chủ trương giải tán Làng Mai Bát Nhã đã thành một kế hoạch không được xác định rõ ràng. Nhưng sức ép đến từ nhiều phía. Nó dàn trãi và biến tướng dưới nhiều phương tiện hành chính và bạo lực khi rõ ràng, khi ẩn dấu. Cuối cùng, bạo lực đã hiện nguyên hình thành một đám người thật sự hay ngụy trang bằng hình thức xã hội đen xông vào chùa chửi bới, đánh đập tăng ni; tàn phá những cơ sở vật chất và phương tiện của cá nhân và tập thể; đuổi 400 tăng ni trẻ ra khỏi tu viện Bát Nhã Lâm Đồng ra ngoài đường phố, không nơi trú ẩn.
Trong suốt hơn 2500 năm lịch sử của đạo Phật, sự vinh quang và pháp nạn cũng đã từng xảy ra tại nhiều nơi, trong từng thời điểm khác nhau. Nhưng ánh Đạo Vàng vẫn phong quang, sáng tỏ cho đến ngày nay. Đó là nhờ tinh thần từ bi, trí tuệ và dũng mãnh cốt tủy của đạo Phật. Tại Ấn Độ, những đền đài thánh tích Phật giáo như vườn Lâm Tỳ Ni, vườn Lộc Uyển, đại học Nalanda đã từng bị các thế lực ngoại đạo thù nghịch tàn phá tan tành nay chỉ còn trơ lại trụ đá, nền xưa. Ở Trung Hoa, cũng đã có những thờì kỳ đen tối, hàng nghìn ngôi chùa bị tàn phá, vô số tăng chúng bị giết hại. Ở Việt Nam, vua ngọa triều Lê Long Đỉnh đã từng ra lệnh chẻ mía trên đầu nhà sư. Nhưng tất cả còn lưu lại cho muôn đời sau là sự phán xét nghiêm khắc của lịch sử và lời bình phẩm công bằng của hậu thế.
Âm mưu đồng lõa với bạo lực đã bức bách, đẩy hết 400 tăng ni sinh trẻ ra khỏi chùa Bát Nhã bằng lởi lẽ xúc phạm thô bỉ, bằng hành động đập phá bất nhân, bằng gậy gộc và tay chân đánh đập tàn ác. Nhưng phản ứng của tăng ni sinh Bát Nhã đối trị với sự bạo hành và xúc phạm nghiêm trọng đó đã làm cho cho cả thế giới con người có lương tri lặng mình khâm phục. Tập thể tăng ni sinh Làng Mai Bát Nhã vẫn đồng nhất an trú nghiêm trì giới luật, giữ chánh niệm và chẳng ai tỏ ra có một chút giao động nhỏ nào trước hành động hung hãn và bạo ngược của của đám người bạo hành. Trước những đợt tấn công liên tục từ ngày nầy qua ngày nọ bằng ngôn ngữ thô bỉ qua loa phóng thanh từ bên ngoài tu viện; bằng sự đe dọa phá phách quanh chùa và cuối cùng là sự xâm phạm thể xác trực tiếp. Nhóm côn đồ đông tới vài trăm đã ập vào tu viện, đánh đập, bắt ép và lôi kéo tăng nì sinh ra khỏi chùa, vứt lên xe đang chờ sẵn và chở đi vứt xuống dọc đường từng nhóm nhỏ nhằm cô lập và ngăn chặn cá nhân tăng chúng cứu giúp nhau. Trước cảnh xâm phạm đầy máu và nước mắt của kẻ hung hãn tấn công người vô tội đang diễn ra, các lực lượng an ninh công quyền vẫn khoanh tay đứng nhìn, không can thiệp hay ra tay cứu giúp nạn nhân như một sự đồng lõa hay ngấm ngầm khuyến khích.
Trong cảnh dầu sôi lửa bỏng đó, tất cả tăng ni sinh trước sau vẫn đồng loạt giữ lòng thanh tịnh, chấp tay im lặng niệm Phật, không mảy may chao đảo hay vọng động trước nghịch cảnh. Sự im lặng sấm sét của chánh pháp đã thể hiện qua thái độ an hòa của tăng ni sinh Làng Mai Bát Nhã.
Tinh thần bi, trí, dũng đã được tăng nì sinh phát huy thành hành động cụ thể:
Lấy lòng từ bi để đối trị với hận thù.
Lấy trí tuệ để an trú trong chánh niệm,
Lấy dũng mãnh để giữ vững tâm bồ đề kiên cố không sợ hãi.
Tình thương không biên giới đã giúp người Phật tử hóa giải được cảm tính tiêu cực với kẻ đối đầu đang cố bức hại mình trước mắt. Thật ra, họ không phải là kẻ thù mà họ là nạn nhân của vô minh nên phải thương lấy họ.
Trí tuệ sáng suốt đã giúp người Phật tử hóa giải được lòng sân hận trước thế lực đang cố triệt hạ mình trước mắt. Thật ra, họ là kẻ đang tự thiêu đốt chính mình vì đang làm nô lệ cho tham sân chấp ngã nên phải tha thứ họ.
Tinh thần dũng mãnh kiên cố đã giúp người Phật tử hóa giải được phản ứng vọng động trước động cơ tạo ra hoàn cảnh đổ vỡ. Thật ra, họ là kẻ yếu đuối lạc đường vì đang bị bóng tối của kiêu mạn và dục vọng che lấp nên đáng cảm thông cho họ.
Cung cách thiền tịnh và tâm hồn từ bi, hỷ xã của tăng ni sinh Làng Mai Bát Nhã thể hiện trong những ngày qua đã làm cho tứ chúng Phật tử toàn cầu tán dương tâm hạnh. Tuổi trẻ Phật tử đang thật sự hành đạo. Đó là một đạo Phật chân chính sống thực giữa đời chứ không chỉ tiềm tàng trong lễ nghi và kinh điển. Tình thương đã thắng hận thù; từ bi trí tuệ đã thắng bạo lực vô minh như hôm nay và mấy nghìn năm trước.
Cuộc biến động Làng Mai Bát Nhã chưa kết thúc, nhưng dư luận toàn cầu đang đứng về phía đạo lý, tình thương và nhân bản để thành tâm ủng hộ và cầu nguyện cho các tăng ni sinh đang bị ngược đãi và phân ly tại Việt Nam. Với hồng ân Tam Bảo độ trì và tha lực chú nguyện cầu lành khắp nơi trên thế giới đang hướng về, chắc chắn tăng ni sinh Làng Mai Bát Nhã sẽ được thân tâm thường hằng an lạc, tiếp tục con đường tu học. Xin cầu nguyện duyên lành sẽ đến để mọi sự xung đột đều được hóa giải trong tình người và đạo lý.
Nguyên Thọ Trần Kiêm Đoàn
Cảm nghĩ của một cư sĩ về BIẾN ĐỘNG LÀNG MAI BÁT NHÃ
Monday, October 12, 2009
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 Góp ý kiến:
Post a Comment