Hai đại đệ tử xuất sắc trong mười đại đệ tử của Đức Phật là các ngài Sariputta (Xá Lợi Phất) và Moggallana (Mục Kiền Liên) tìm đến được với Đức Phật do một cơ duyên kỳ diệu.
Cơ duyên này có vẻ tình cờ, đơn giản, tưởng như có thể xảy ra hàng ngày, ở bất cứ đâu, nhưng thật ra, nếu tâm người không lặng, không nuôi dưỡng lòng thiết tha tìm cầu sự giải thoát thì sự xúc cảm không thể bén nhạy để bắt kịp cái đẹp lặng lẽ thoáng qua. Cái đẹp không mời gọi. Cái đẹp chỉ hiện diện. Người mong cầu phải cảm nhận được, tiến tới, và nắm lấy.
Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên là đôi bạn thân thiết, cùng quyết đi tìm thầy học đạo. Họ giao ước, ai tìm được minh-sư trước thì phải báo ngay, để cả hai cùng tới thọ giáo...
Một hôm, trong thành Vương Xá, Xá Lợi Phất nhìn thấy một vị sa-môn đang ôm bát đi khất thực. Nét mặt vị ấy rất thanh thản, đôi mắt dịu dàng mà uy nghi, cách ôm bát trang nghiêm, bước đi vững chãi, vóc dáng nhu hòa. Mỗi động tác nhẹ nhàng toát ra từ vị ấy như ngân lên một bài kệ, như hé nở một bông hoa….
Xá Lợi Phất cực kỳ xúc động, và linh cảm cho biết đây là một vị sa-môn đã đạt đạo.
Không thể cầm lòng, Xá Lợi Phất đã đi theo, bước qua trước vị ấy, rồi quay lại, đối diện trước sa-môn, vòng tay cung kính mà thưa hỏi rằng:
- Thưa ngài, dám xin ngài từ bi cho biết Thầy của ngài là ai? Ngài học pháp môn nào mà toát ra thân giáo an lạc đến thế?
Vị sa-môn dừng bước, nhìn Xá Lợi Phất giây lâu rồi dịu dàng trả lời rằng:
- Thầy của chúng tôi là đạo sư Gotama, người đã vừa tìm ra con đường giải thoát giác ngộ. Tôi là Assaji, em út trong ngũ huynh đệ Kiều Trần Như, đã may mắn là những đệ tử đầu tiên của Thầy.
Nghe thế, Xá Lợi Phất không thể kìm hãm tiếng reo mừng rỡ:
- Ồ, vậy ra Thầy của ngài là đạo sư Gotama! Gotama có nghĩa là Phật, là Người Tỉnh Thức! Chúng tôi đã nghe nói mà chưa gặp được Phật. Xin ngài dẫn chúng tôi đến đảnh lễ để xin được thọ giáo.
Đệ Nhất Đại Trí, tôn giả Xá Lợi Phất, Đệ Nhất Thần Thông, tôn giả Mục Kiền Liên, hai ngôi sao Bắc Đẩu đứng đầu vòm trời Thập Đại Đệ Tử của Đức Thế Tôn đã tìm được tới Chánh Đạo chỉ vì cảm nhận được Chánh Pháp qua nhân dáng một vị sa-môn đang khất thực giữa phố thị đông người.
Giản dị như thế! Nhưng thâm diệu vô song!
Nhân dáng của người tu, thật vô cùng quan trọng. Một bước đi, một cái nhìn, một nụ cười, một lời nói, một tách trà nâng lên, một cái bát đặt xuống, nhất cử nhất động đều phản ảnh trung thực cái tâm đang mang.
Cái tâm này thơ ngây và thành thật lắm, bên trong đang thế nào, nó biểu hiện ra bên ngoài như thế ấy, dù có bị cố tình ngụy tạo, che dấu, nó vẫn hiển lộ ra bản chất, không dưới hình thức này thì hình thức khác. Chỉ khi ta không làm thì người mới không biết, nên cổ nhân mới nói “Cây kim dấu dưới cát cũng phải tới ngày lộ ra trước ánh mặt trời”
Hình ảnh 400 tăng ni sinh trẻ từng tu học tại tu viện Bát Nhã, tỉnh lâm Đồng, nước Việt Nam, đang là những hình ảnh tuyệt vời, xoa dịu phần nào những tang thương thảm khốc vì hận thù, vì chiến tranh trên khắp thế giới. Ít nhất, giữa bao sụp đổ của tình người, của luân thường đạo lý, thì nơi tỉnh lỵ nhỏ bé kia có 400 người trẻ tuổi đã và đang thầm lặng thể hiện Tình Yêu, Tình Thương, Lòng Tha Thứ, Sự Nhẫn Nhục, Sự Can Đảm qua chính bản thân họ.
Tất cả những mỹ từ này không chỉ còn nằm trên giấy mực nữa. Với kỹ thuật tin học hiện đại, từng mỹ từ này đã thể hiện qua từng hình ảnh trung thực và nhanh chóng chuyền đi khắp thế giới. Dù những ai còn chấp chặt thành kiến cá nhân cũng không thể phủ nhận được thực thể của một tăng thân đã không phụ lòng Chư Phật, Chư Bồ Tát, và gần gũi hơn là vị Thầy của họ, mà thực chứng rằng, với tâm cầu học chuyên cần thì con đường trung đạo Phật đã chỉ, sự dạy dỗ tận tụy sư-phụ đã cưu mang, sẽ phải đạt thành phần nào Giáo Pháp.
Nhìn 400 tăng ni sinh đáng quý này, rồi nhìn qua những gì tương phản, có ai can đảm tới hỏi thầy Đồng châm lửa phóng hỏa am cốc, thầy Đồng vác rựa rượt chém tăng sinh, thầy Đồng chỉ huy quăng kinh sách, đồ đạc ra sân v.v… , câu hỏi nhẹ nhàng mà khi xưa Xá Lợi Phất đã hỏi sa-môn Assaji:
- Thưa ngài, thầy của ngài là ai? Và ngài đang tu pháp môn gì?
Vì câu hỏi đã sẵn rõ câu trả lời nên 400 tấm lòng không ngừng quán nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát:
“ … Chúng con biết địa ngục có mặt khắp nơi trên thế giới và chúng con nguyện sẽ không bao giờ tiếp sức xây dựng thêm những địa ngục trần gian như thế; trái lại, chúng con xin nguyện nỗ lực giải trừ những địa ngục còn đang có mặt. Chúng con nguyện tu học để đạt được đức vững chãi và kiên trì của Đất, để có thể trở thành trung kiên và không kỳ thị như Đất, và cũng được như Đất, có thể làm nơi nương tựa cho tất cả những ai cần đến chúng con.” (*)
Huệ Trân
(Tháng 10/2009 – Phong Vân Am)
(*) Phần Quán Nguyện Chư Bồ Tát trong “Nghi thức tụng niệm”, Làng Mai biên soạn.
Diệu Trân - Thưa ngài, thầy của ngài là ai?
Saturday, October 17, 2009
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 Góp ý kiến:
Post a Comment