HỒI TRỐNG BÁT NHÃ - Với tinh thần “trong nhà nói với nhau”, bài viết được tác giả gởi đến cho các cơ quan báo chí trong nước, nhưng vì một lẽ gì đó đã không được đăng(?). Tác giả là một giáo viên dạy toán tại Sài Gòn, đã tham dự hơn 10 khóa tu theo pháp môn Làng Mai và bằng cảm nhận chân thành, tác giả gởi gấm niềm suy tư cho chúng ta trong bài viết “những cái thấy ở tu viện Bát Nhã”, nhất hạn tha thiết muốn chia sẻ với những ai chưa một lần đến với Bát Nhã. Bài viết hôm nay được gởi về BBT với lời nhắn gọn, mà đậm đà nghĩa tình: “cầu mong Bát Nhã lại trở lại như xưa”. BBT/HTBT xin cám ơn thịnh tình của Cô Đào Thị Ngọc Trâm, một tiếng nói trong giới trí thức luôn nặng lòng với sự nghiệp giáo dục tuổi trẻ Việt Nam đã lên tiếng bảo bộc cho những Tu sinh Bát Nhã đang lâm nạn.
Tôi đến Bát Nhã lần thứ nhất vào ngày 4 và 5 tháng 6 năm 2007 và lần thứ 13: Ngày 3 và 4 tháng 10 năm 2009. Lần cuối cùng này không phải ở Bát Nhã mà ở chùa Phước Huệ.
Tôi là Đào Thị Ngọc Trâm, sinh năm 1958 tại Hà nội, hiện là giáo viên toán PTTH tại thành phố HCM, chưa quy y, tìm đọc sách Phật giáo từ 2006 và biết đến tu viện Bát Nhã - Làng Mai từ 2007.
Tôi xin được góp tiếng nói của một trí thức đã tham dự hơn 10 khóa tu Chánh niệm theo Pháp môn làng Mai trong 3 năm qua cũng là chia sẻ cái thấy của tôi về sự kiện Bát Nhã hiện nay hầu giúp các bạn còn chưa đến Bát Nhã biết về tu viện đặc biệt này.
1/ Tôi đã thấy gì ở Pháp môn Làng Mai?
Thứ nhất Pháp môn hay Phương pháp Làng Mai (PPLM), có tính thực hành cao hơn tính tín ngưỡng, đi sát với tinh thần của Phật pháp: Hai Kinh chủ đạo của pháp môn là Kinh quán niệm hơi thở và Kinh tứ niệm xứ của Đức Bụt, lấy Chánh niệm làm cốt tủy. Bạn được hướng dẫn thực hành không chỉ lúc ngồi thiền hay tụng Kinh mà trong mọi sinh hoạt ở tu viện.Trông bên ngoài có vẻ nhẹ nhàng nhưng thực ra nếu thực tập nghiêm túc thì khả năng kiểm soát thân tâm rất cao.
Thứ hai các bản Kinh mà PMLM sử dụng tại tu viện Bát Nhã đều bằng chữ quốc ngữ, bản dịch đúng như lời giới thiệu của Thầy Thích Thanh Từ: “ Văn dịch sáng sủa và đẹp đẽ, diễn đạt ý Kinh một cách rõ ràng và tự nhiên, rất dễ tụng đọc”.
Thứ ba PPLM phổ dụng: Ai cũng có thể tham gia bất kể bạn là tôn giáo nào: Tôi đã chứng kiến nhiều người Ki tô giáo và Hồi giáo tham dự thường xuyên. Phật giáo thể hiện ở đây không như một thứ tôn giáo để thờ phụng mà để tu tập chuyển hóa thân tâm.
Thứ tư PPLM kết tinh được nhiều bản sắc Việt: Không chỉ về hình thức “ nón lá áo nâu”, mà còn là nội dung: “Truyền thông ái ngữ” rồi “thở và cười” rất cần cho các gia đình và các giao tiếp xã hội hiện nay.Các công chức nhà nước, các bộ phận reception của các công ty rất nên thực tập PPLM. Khái niệm “ con gái phải có ý có tứ” có nguy cơ bị biến mất trong thời đại này được các sư cô giữ lại nguyên vẹn, các cháu gái có thể học theo.
Thứ năm PPLM rất kinh tế: Có khả năng giảm thiểu cho xã hội nhiều chi phí để giải quyết các vấn nạn xã hội. Chỉ nương vào hơi thở và bước chân, có sự hỗ trợ của Tăng thân hàng tháng, nhiều vấn nạn xã hội như bạo hành trong gia đình, nhà trường, các xung đột, mâu thuẫn trong công sở, … có thể được giải quyết từ gốc.
2/ Tôi thấy gì khi đến Bát Nhã?
Tôi thấy một tập thể tăng ni trẻ tu tập rất đàng hoàng, nghiêm túc, tươi mát hạnh phúc và ngời ngời lý tưởng độ đời. Ngay cả trong những ngày bị khủng bố, đe dọa, điều này vẫn thể hiện rất rõ.
Tôi gặp ở đây rất nhiều thành phần Phật tử và không phải Phật tử ( như tôi), và người theo các đạo khác như Thiên chúa, Cao đài, Hòa hảo, đặc biệt là thanh niên rất đông đảo (chủ nhật đầu mỗi tháng có từ 5 đến 10 xe ô tô 50 chỗ lên Bát Nhã, trong đó có khoảng 2/3 là thanh niên), vẻ mặt và tâm trạng đầy hoan hỉ hạnh phúc mà hiếm có đạo tràng nào ở Việt nam hiện nay có thể mang đến. Nhu cầu được tu tập theo PPLM là nhu cầu có thực của đông đảo người dân.
Tôi thấy cách làm việc, cách tổ chức khóa tu rất khoa học, hợp lý. Hãy hình dung cảnh tượng cả ngàn người cùng ngồi ăn cơm trong im lặng, không một hạt cơm rơi vãi, hầu như không tiếng động. Nơi ăn chốn ở cho một số đông người về tu tập là nghiêm túc, vệ sinh sạch sẽ hiếm có đạo tràng nào làm được. Toàn bộ chương trình khóa tu được tiến hành nhẹ nhàng và rất hiệu quả.
Tôi. xin kể lại lịch trình của những khóa tu Chánh niệm thường tổ chức vào chủ nhật đầu mỗi tháng mà tôi tham dự:
7h sáng thứ 7 : Xuất phát từ tp. HCM, trên xe có hướng dẫn hát thiền ca.
13h – 14h: Đến Bát Nhã: nghỉ ngơi
15h: Những người đã đi lần thứ hai có thể đi thưởng thức cảnh đẹp tu viện. Người mới đi lần đầu sẽ được hướng dẫn tổng quát: Cách ngồi thiền, cách lạy Bụt, luôn luôn có nhấn mạnh tất cả các hoạt động ở đây từ đi lại, ăn cơm, rửa bát, … đều phải Chánh niệm, nghĩa là ý thức rõ mình đang làm cái việc đó. Thiền sinh đuợc cho biết trong khi sinh hoạt tại tu viện, khi nghe thấy tiếng chuông chùa, hay tiếng chuông điện thoại hay tiếng chuông đồng hồ thì tất cả đều dừng lại, ý thức vào 3 hơi thở rồi lại tiếp tục làm việc. Hãy hình dung cảnh tượng cả ngàn người lập tức dừng lại để ý thức vào việc mình đang làm, một cảng tượng rất đẹp.
17h: Ăn cơm chiều trong Chánh niệm
19h: Là thời khóa thiền tụng, tất cả tập trung về thiền đường Cánh đại bàng ngồi thiền có hướng dẫn trong khoảng 30’, sau đó tụng hoặc nghe tụng kinh trong khoảng 30’ nữa thì nghỉ. Người chưa thuộc kinh như tôi được phát một cuốn Kinh hoàn toàn bằng chữ quốc ngữ để theo dõi.
21h: Là giờ “im lăng hùng tráng”, nghĩa là giờ bạn phải đi ngủ, nếu chưa cũng nên im lặng.
4h sáng chủ nhật có hiệu báo thức, mọi người thức dậy làm vệ sinh cá nhân .
5h có mặt lại ở thiền đường Cánh đại bàng dự công phu sáng, cũng giống như buổi tối hôm trước. Sau đó mọi người ra sân tập thể dục có hướng dẫn. Hai giờ công phu sáng và tối này ấn tượng ở âm hưởng của hàng trăm, có khi hàng ngàn người cùng cất giọng đọc một bài Kinh, nghe rất có hùng lực, khác hẳn ở các chùa khác. Tôi nghĩ có thể do phần lớn người đọc là người trẻ tín tâm chăng? Thêm nữa, việc ngồi thiền ở đây dễ định hơn ở nhà có lẽ có năng lượng của đại chúng đông đảo.
6h: Ăn sáng trong Chánh niệm.
7h: Tập trung lại đi thiền hành ngoài trời: Trước khi đi thì toàn thể mọi người cùng hát thiền ca, nhiều bài rất hay. Sau đó có một thầy hướng dẫn cách Chánh niệm vào bước chân rồi tất cả đi thiền hành men theo các con đường nhỏ hoặc xuống suối, hoặc men theo nương chè. Hầu như lần nào đi tôi cũng nghe một ai đó xuýt xoa: “ Thiên đường là đây chứ là đâu”, đúng như lời của một bài thiền ca: Ta hạnh phúc liền giây phút này…
8h: Pháp thoại, các thiền sinh có thể hỏi những vấn đề liên quan đến chủ đề pháp thoại sau khi nghe xong.
11h: Khất thực (ăn cơm trưa) có lúc theo hình thức quá đường rất nghiêm túc, có cảm tưởng được sống lại thời Đức Phật tại thế.
12h: Thiền buông thư trên thiền đường Cánh đại bàng, đây là phương pháp có tác dụng trị liệu đúng như giới thiệu ít nhất là đối với tôi: Sau một năm thực hành, dấu hiệu nhức mỏi mỗi khi đổi trời biến mất.
13h: Thiền trà: Giờ này các thiền sinh chia sẻ những gì mình đạt được qua thực tập Tôi được nghe nhiều cá nhân chia sẻ rất cảm động chứng tỏ vai trò tích cực của pháp môn LM trong đời sống. Ngoài ra tôi rất ấn tượng cách sắp xếp trang trí cho buổi thiền trà: Không lần nào giống nhau mà lần nào cũng không cầu kỳ mà lại tinh tế, đẹp một cách giản dị và bất ngờ ở chỗ sử dụng ngay những gì gần nhất.
15h: Các thiền sinh ra xe về lại thành phố trong tiễn đưa lưu luyến của các sư cô sư chú trẻ.
Những gì mà tôi thấy ở tu viện trong những lần lên đó hoàn toàn là việc tu tập, không có biểu hiện nào nào dù là nhỏ nhất trong cử chỉ hay lời nói hay việc làm của bất cứ một vị xuất gia nào, bất cứ một Phật tử nào tôi gặp ở Bát Nhã là “ đe dọa an ninh” hay “ làm mất trật tự ở địa phương cả”. Tôi nói với tất cả ý thức công dân của mình.
Tôi chưa hề thấy các tăng ni sinh hay các anh chị theo dòng tu Tiếp hiện của Sư ông Nhất Hạnh có biểu lộ gì là lôi kéo hay tuyên truyền mọi người theo dòng tu của mình gì cả, ngay cả đối với tôi là người biểu lộ rõ lòng hâm mộ Sư ông và Bát Nhã, không ai có ý định lôi kéo tôi cả và tôi thích điều đó.
Tôi đề nghị được tham gia làm từ thiện cùng Làng Mai và nhận thấy khi phát học bổng cũng như phát quà Vu lan cho đồng bào và học sinh nghèo, Làng Mai đã thực hiện theo tinh thần vô tướng, có lẽ chính vì vậy mà nhiều người nhận sự giúp đỡ này đến nay vẫn nghĩ là của thầy Đức Nghi.
Tôi cũng có nghe một vài ý kiến trái chiều khác về PMLM, điều này dễ hiểu vì PMLM có quá nhiều cái mới lạ, nhiều cái mà chúng ta định kiến rằng chỉ người đời mới được làm. Chẳng hạn: Các sư cô sư chú trẻ đàn và hát thiền ca, hay tăng và ni ở đây “ thân mật quá”. Nhưng chính vị trụ trì TĐN cũng đã khẳng định sau hai năm tu tập là các tăng ni rất nghiêm túc. Họ coi nhau như anh em một gia đình. Cá nhân tôi hiểu rằng, họ làm nhiều cái bề ngoài giống ta ở ngoài đời nhưng khác hẳn chúng ta về bản chất: đó là họ làm những điều đó trong Chánh niệm, chính vì vậy mà họ mới có khả năng độ đời.
3/ Tôi thấy gì qua sự kiện Bát Nhã?
Trước hết, phải nói ngay rằng cách ứng xử của các tăng ni trẻ là đáng khâm phục. Không bạo động, không hận thù. Tôi đã gặp và phỏng vấn các sư cô trẻ ngay trong những ngày khó khăn của tu viện và xác nhận tinh thần đó. Ngày gần nhất là 4/10 tôi vẫn gặp tinh thần đó của các tăng ni sinh ở chùa Phước Huệ
Bất cứ ai đồng tình với việc làm của vị trụ trì TĐN là người đó khuyến khích cho sự phát triển của hai điều xấu xa sau đây: Sự bội ước và bạo lực.Trong khi đất nước đang vất vả để có thể hội nhập và phát triển, hai điều xấu xa trên vì không bị lên án và xử lý kịp thời gây mất lòng tin, tạo ra tiền lệ nguy hiểm là lực cản rất lớn cho xã hội đi lên.
Bất cứ ai biết việc làm của đệ tử vị trụ trì TĐN ngày 27/9 cũng cảm thấy đời sống tâm linh thiêng liêng của đất nước có đa số dân theo đạo Phật chính thức hoặc không chính thức đang bị đe dọa. Có người đã từng xúc phạm đến người tu hành mà không thấy “ bị làm sao cả” có lẽ do vị tu hành đó “ chưa chín”, nhưng xúc phạm các vị chân tu và các bậc cao tăng thì theo tôi là rất nghiêm trọng, nói theo ông bà ta thì “ không phải chuyện đùa”. Các kết quả mà Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người thuộc Liên hiệp các hội khoa học kĩ thuật Việt Nam( UIA) đạt được nói lên điều đó.
Theo tôi tự cảm nhận bản than và thấy nhờ có cái nhìn Hiểu và Thương mà Thiền sư TNH hướng dẫn trong 3 năm qua nên trong sự kiện này, tôi không có cảm giác bức xúc như trước đây với các hiện tình của đất nước mà thấy thông cảm với các vị lãnh đạo Nhà nước hơn, tôi hiểu các vị có những bối rối trong vụ việc này qua cách xử lý. Nghề giáo viên được đào tạo chỉ để quản lý có vài chục con người trong trắng trong một vài giờ mà nhiều giáo viên còn lúng túng nữa là nghề lãnh đạo chưa có đào tạo chính thức, quản lý một đất nước đông dân và ở trong giai đoạn hội nhập phức tạp.
Tôi cho rằng Nhà nước và Tăng thân Bát nhã chưa hiểu nhau để đi đến những sự kiện này, thật là thiệt thòi cho đất nước. Có dấu hiệu thông tin bị sai lạc từ bên dưới, chẳng hạn như thông tin “ tu viện bị cắt điện do không nộp tiền điện” mà ông Lê Dũng phát biểu thay mặt Nhà nước, hay có Phật tử ở Tp. HCM được nói Thầy TNH thuê đất của Thầy TĐN để truyền đạo, giờ hết hạn thuê mà không chịu trả (?!),… . Dù bất cứ lý do gì đây cũng là một sự việc không nên có, có thể nói là hại đơn, hại kép, hại trước mắt và hại lâu dài cho đất nước. Cần có những xúc tiến để Nhà nước lắng nghe Tăng thân Bát Nhã và những người muốn thực hành phương pháp này vì Phật giáo được biểu hiện như ở tu viện Bát Nhã thật là đẹp và có ích cho đất nước.
Trong nghề dạy học của mình, tôi thấy rõ lớp học sẽ tốt hơn, việc giảng dạy có hiệu quả hơn nếu giáo viên biết lắng nghe học sinh một cách cầu thị, tạo kênh truyền thông tốt trong lớp. Với một đất nước tôi nghĩ cũng thế. Viết những ý kiến này gửi cho: Báo Giác Ngộ, trang mạng bauxiteVN tôi ý thức mình đang làm bổn phận của một công dân đối với đất nước, còn nghe hay không là bổn phận của các vị đứng đầu Nhà nước. Mỗi công dân mà làm tốt bổn phận của mình thì chắc chắn đất nước sẽ tốt lên.
Đào Thị Ngọc Trâm
0 Góp ý kiến:
Post a Comment