Lời Người Dịch:
Kính thưa các Tăng Ni Phật Tử,
Tôi là một người công giáo hiện đang sống ở Sàigòn và thường xuyên quan tâm đến tình tình đất nước. Khi hay tin vụ việc Bát Nhã bản thân tôi cũng cảm thấy rất bức xúc trước những hành động vô đạo đức của nhà cầm quyền. Sở dĩ chúng tôi dám khẳng định như vậy là vì cái cách công an giả dạng thường dân để chỉ huy những người cùng khổ, ít hiểu biết được họ thuê mướn để vào vai “quần chúng tự phát” đi cướp phá, đánh đập xua đuổi gần 400 tăng ni ra khỏi tu viện Bát Nhã hôm 27/9 chẳng lạ gì với chúng tôi. Thời gian gần đây nhiều nhà thờ, dòng tu bên đạo chúng tôi cũng đã từng bị nhà cầm quyền đàn áp theo cùng cách như vậy, mà vụ nhà thờ Thái Hà thuộc DCCT Hà Nội là điển hình rõ nét nhất.
Khi xảy ra các vụ việc như vậy, nhờ có nhiều trang báo mạng internet của giáo hội nhanh chóng đánh động dư luận, mà ý định lộng hành làm điều xấu xa tại nhiều địa phương được ngăn chận. Nay đến lượt Quí vị gặp nạn, tôi biết bên Phật giáo có trang Phù Sa và thế là mấy ngày qua tôi bỗng dưng trở thành độc giả của các bạn để theo dõi biết tình hình…
Sự việc xảy ra tại tu viện Bát Nhã theo đánh giá của nhiều người là rất nghiêm trọng, đến mức được rất nhiều báo quốc tế đưa tin, trong đó ‘sốt dẻo’ nhất chính là bài viết “Zen Master Decries Vietnam's Treatment of Monks” của hãng thông tấn Mỹ AP (Associated Press) mà tác giả của nó, anh Ben Stocking cũng chính là người từng bị công an VN đánh chảy cả máu đầu khi chụp hình đưa tin trong vụ Tòa Khâm Sứ Hà Nội hồi đầu năm 2008. Bài báo này được nhiều báo nước ngoài đưa tin, trong đó có cả tờ Nữu Ước Thời Báo (New York Times) danh tiếng vừa đăng tải hôm qua (09/10), và tôi cũng thấy giới thiệu trên trang Phù Sa của các bạn. Chỉ tiếc rằng nó chưa được dịch sang tiếng Việt cho nhiều người trong nước cùng đọc dễ dàng hơn, chắc do các bạn quá bận và phải lo toan nhiều việc cho các tăng ni còn đang ‘bị kẹt’ ở chùa Phước Huệ.
Xin phép giúp các bạn một tay dịch hộ vậy. Tuy nhiên, cũng xin thưa vì không phải là người dịch chuyên nghiệp nên nếu có những chỗ dịch chưa thoát hết ý (thậm chí có thể cả sai) cũng mong được thứ lỗi và xin chỉnh sửa giúp.
Thiền Sư chỉ trích cách hành xử của Việt Nam đối với các nhà tu
(Zen Master Decries Vietnam's Treatment of Monks)
TP.Hồ Chí Minh, Việt Nam (AP) - Một vị thiền sư đạo Phật nổi tiếng đã chỉ trích việc xua đuổi các môn đệ của ông ra khỏi một tu viện ở miền nam Việt Nam và nhiều trí thức Việt Nam cũng đã công bố một đơn kiến nghị hỗ trợ họ, một động thái hiếm thấy tại một quốc gia cộng sản, nơi quyền tự do phát biểu còn bị hạn chế.
Thầy Thích Nhất Hạnh, bậc thầy người Việt sáng lập ra thiền môn và phổ biến Phật giáo ở phương Tây đã viết một lá thư hồi cuối tuần rồi gởi Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, trong đó ông chỉ trích việc cảnh sát truy đuổi gần 400 môn đệ của ông khỏi một tu viện. Đây là lần đầu tiên Thầy lên tiếng về vụ việc.
Các môn sinh của Ngài nói rằng một đám đông bao gồm cả cảnh sát giả dạng đã bất ngờ tấn công vào tu viện Bát Nhã hôm 27/9, đập phá các tòa nhà và cưỡng ép các tăng ni ra khỏi nơi này, một số người còn bị đánh cả bằng gậy.
Các tranh chấp tại Bát Nhã đang đặt ra câu hỏi về hồ sơ tự do tôn giáo Việt Nam vốn bị nhiều tổ chức nhân quyền cho là ảm đạm.
Trong tuần, một nhóm các trí thức Việt Nam, nghệ sĩ, cựu đảng viên cộng sản và các nhà bất đồng chính kiến đã ra kiến nghị kêu gọi các nhà lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam điều tra các sự kiện tại Bát Nhã và cho phép các báo đài đưa tin về những gì đã xảy ra nhưng đã bị truyền thông Việt Nam nhà nước kiểm soát ‘làm lơ’ (ignored).
Một nhà báo và là nhà thơ từ TP Hồ Chí Minh, ông Hoàng Hưng người khởi xướng lá đơn kiến nghị đã yêu cầu chính phủ mở một cuộc điều tra độc lập. “Lá đơn này đã được hơn 200 người ký tên ủng hộ, gần một nửa số này là ở trong nước và nửa còn lại sống ở hải ngoại”, ông Hưng cho biết.
Những người ủng hộ cũng kêu gọi vị đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc thu xếp giúp họ một cuộc gặp với đại sứ Liên Hợp Quốc của Việt Nam. Việt Nam hiện đang giữ chức Chủ tịch của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Hôm thứ Năm (08/10), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao bà Nguyễn Phương Nga mô tả những gì đã xảy ra như là một tranh chấp bất bạo lực giữa hai nhóm Phật giáo. ''Các báo cáo tuyên bố rằng có xung đột và một số nhà sư đã bị bắt giữ hay bị thương là hoàn toàn sai'' Bà Nga phát biểu tại cuộc họp báo định kỳ. Bà cho biết chính quyền địa phương đã hành động bảo vệ “an ninh, nhân phẩm, tính mạng và tài sản'' của mọi người dân.
Những gì xảy ra tại Bát Nhã là kết quả của cả một chuỗi hoạt động đáng ghi nhớ bắt đầu từ năm 2005, khi thầy Nhất Hạnh trở về quê nhà sau gần bốn thập niên sống xa quê hương.
Ông đã được chào đón nồng nhiệt bởi chính quyền Việt Nam và vị sư trụ trì ở Bát Nhã, Thượng tọa Thích Đức Nghi, người đã mời các môn sinh của thầy Nhất Hạnh về tạo lập cơ ngơi tại nơi này.
Nhưng mối quan hệ của tu viện với nhà cầm quyền đã bắt đầu xấu đi khoảng một năm về trước, sau khi thầy Nhất Hạnh kêu gọi chính phủ Việt Nam về việc giải thể Ban Tôn giáo Chính Phủ và bỏ cụm từ ''xã hội chủ nghĩa'' ra khỏi tên nước.
Trong bức thư của ông đến Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, thiền sư Nhất Hạnh nói rằng hành vi của cảnh sát là đi ngược lại với tinh thần của những người cách mạng từng lật đổ thực dân Pháp ra khỏi Việt Nam và đưa những người cộng sản lên nắm quyền.
''Các sĩ quan cảnh sát và an ninh công quyền chắc chắn không phải là con của cách mạng” bằng bút danh Nguyễn Lang, thầy Nhất Hạnh viết ''những hành động này trái với truyền thống đạo đức truyền thống của tổ tiên chúng ta''
Thầy Nhất Hạnh đã bán được hàng triệu cuốn sách trên toàn thế giới. Hiện ông đang sống tại các tu viện Làng Mai ở miền Nam nước Pháp, nơi mà hàng ngàn người thăm viếng hàng năm để tập làm Phật tử tập sự dưới sự hướng dẫn của thầy, bằng phương pháp tập trung suy tưởng và làm việc thiện.
(Sàigòn 10/10, Gia Bảo lược dịch)
0 Góp ý kiến:
Post a Comment