Các con nhớ thở thật nhẹ cho thầy và đi thiền hành thảnh thơi cho thầy. Dù trong hoàn cảnh nào, chúng ta cũng thực tập xử lý ngày hôm nay cho thật hết lòng. Chúng ta cần tập sống cho thật, tập nhìn tất cả với con mắt từ bi.
Tu Viện Bích Nham, ngày 21-10-2009
Hôm qua tại thiền đường Đại Đồng của tu viện Bích Nham đã có lễ xuất gia cho hai người trẻ tuổi, một người đã tốt nghiệp Nha Khoa và một người đã tốt nghiệp Kinh Doanh. Đó là hai sư cô Chân Lân Nghiêm và Chân Mạnh Nghiêm. Hai người này đã có cơ hội được thầy chỉ dạy về giới luật và uy nghi trong suốt một tuần lễ trước ngày xuất gia. Các vị này đã được chấp nhận thường trú ở xóm Hạc Trắng của tu viện Bích Nham.
Thầy nhớ khi xuống tóc cho các sư em thầy đã nhất tâm hộ niệm để các em giữ mãi được tâm ban đầu trong suốt một đời tu. Giữ được tâm ban đầu thì thế nào tu tập cũng thành công. Có những người tu thành công, và có những người tu không thành công. Nếu người tu không biết cách thực tập thì có thể bị hư hỏng trong khi tiếp nhận sự cung kính và cúng dường từ người tại gia. Cho nên mỗi khi có một đợt người trẻ xuất gia, điều đầu tiên thầy căn dặn họ là phải rất cẩn thận trước sự cung kính và cúng dường của người cư sĩ.
Khi mặc vào chiếc áo tu, mình trở thành biểu tượng của Tam bảo là Bụt, Pháp và Tăng. Mình đại diện cho Tăng Bảo. Trong Tăng Bảo có Pháp Bảo và Phật Bảo. Vì vậy thấy hình dáng của một vị xuất gia, người cư sĩ có khuynh hướng muốn tỏ bày niềm cung kính. Và cách thức tỏ bày niềm quy kính ấy là lễ lạy và cúng dường.
Một người mới xuất gia phải thực tập như thế nào khi có người tới lễ lạy? Ta có khuynh hướng muốn nói: xin đừng lạy tôi, tại vì tôi mới xuất gia, chưa có đức độ gì để quý vị lễ lạy. Nhưng nếu ta từ khước như thế thì vị cư sĩ kia mất đi một cơ hội để tỏ bày niềm quy kính Tam Bảo của người ấy. Cho nên ta phải ngồi thật yên, theo dõi hơi thở và quán chiếu: người cư sĩ kia đang tỏ bày niềm quy kính đối với Tam Bảo chứ không phải đang tôn sùng cái ngã của mình. Mình phải ngồi thật yên cho người ấy lạy. Họ lạy Tam Bảo chứ không phải lạy mình. Và như thế mình sẽ được an toàn, và đức khiêm cung của mình sẽ được bảo vệ. Nếu không thì mình sẽ hư hỏng. Hư hỏng vì mình tưởng mình là đối tượng của sự cung kính. Cũng như lá cờ quốc gia. Lá cờ ấy chỉ là một mảnh vải. Người ta chào cờ là người ta chào một quốc gia chứ không phải chào một mảnh vải. Nếu mảnh vải nghĩ nó là đối tượng của sự kính trọng kia thì mảnh vải đã lầm.
Bản thân thầy vốn không thích để ai lễ lạy. Nhưng mà thầy phải tập ngồi để người ta lễ lạy. Lễ lạy là một phép thực tập quan trọng của người tại gia. Mình phải ngồi với chánh niệm để đại diện cho Tam Bảo. Nếu thực tập được như thế thì người lễ lạy nuôi dưỡng được niềm tôn kính Tam Bảo, còn mình cũng nuôi dưỡng được đức khiêm cung. Nếu không thực tập thì mình trở thành nạn nhân của sự cung kính và đời tu của mình sẽ thất bại.
Sư Ông của các con, tổ Thanh Quý, là một người có đức khiêm cung rất lớn. Bản tính của Sư Ông là không thích ai lễ lạy mình, nhưng vì là một vị thầy nên Sư Ông phải để cho người ta lễ lạy. Khi đại sư Chí Niệm xây tháp cho Sư Ông, Sư Ông dặn là phải an trí trên chóp tháp một tượng đức Bổn Sư, như vậy sau này có ai đến lễ lạy ở tháp, Sư Ông muốn đó là họ đang lễ lạy đức Bổn Sư chứ không phải là lễ lạy Sư Ông. Ở chùa tổ Từ Hiếu ai cũng biết chuyện đó. Thầy trò chúng ta phải học cho được thái độ khiêm cung ấy của Tổ Thanh Quý. Đức khiêm cung đó sẽ có thể giữ cho chúng ta mãi mãi còn là chúng ta. Chúng ta thấy cả trong hai truyền thống Bắc Tông và Nam Tông đều có những vị xuất gia hư hỏng vì thiếu sự thực tập này; các vị ấy thấy người ta lễ lạy mình thì cứ tưởng là người ta đang khâm phục cái ta của mình. Trong khi đó ai cũng biết rằng cái ta là cái đáng ghét nhất. Trong truyền thống đạo Bụt, cái ta chỉ là một ảo tưởng.
Khi lạy xuống, ta có cơ hội buông bỏ ảo tưởng về cái ta. Năm vóc sát đất, ta mở rộng hai bàn tay. Ta quán chiếu: “Lạy đức Thế Tôn, lạy chư vị tổ sư tâm linh và huyết thống, con không có gì để tự hào cả. Những gì con đang có như một chút ít tài năng, một chút thông minh, tất cả đều do đức Thế Tôn và liệt vị trao truyền. Con chỉ là sự tiếp nối của liệt vị.” Khi quán chiếu như thế ta thấy trong con người của ta có rất nhiều không gian, có rất nhiều tự do, và ta buông bỏ được mọi mặc cảm tự tôn. Nếu ta có mặc cảm tự ti, ta cũng quán chiếu như thế: “Lạy đức Thế Tôn, lạy chư vị tổ sư tâm linh và huyết thống, con có những yếu kém, những yếu kém này cũng không phải là con mà đã được trao truyền lại. Là sự tiếp nối của liệt vị, con nguyện sẽ thực tập để chuyển hóa những yếu kém ấy trong con, và đáp ứng được sự trông đợi của liệt vị.”
Đời sống của người xuất gia phải vừa khiêm cung vừa giản dị. Mười giới sa di và sa di ni mà ta tiếp nhận ngày ta được gia nhập đoàn thể của những người xuất gia là những giới pháp đẹp tuyệt vời. Giới thứ sáu là không sử dụng các loại mỹ phẩm và các đồ trang sức, giới thứ bảy là không vướng mắc vào các lối tiêu khiển trần tục, giới thứ tám là không sống đời vật chất sang trọng và xa hoa. “ Ý thức được rằng sống trong những điều kiện vật chất và xa hoa, người xuất gia sẽ khởi tâm ái dục và tự hào, con nguyện suốt đời chỉ sống một nếp sống giản dị, thiểu dục và tri túc. Con nguyện không ngồi và không nằm trên những chiếc ghế và chiếc giường lộng lẫy, không sử dụng lụa là, gấm vóc, xe cộ bóng loáng và nhà cửa cao sang.” Cái đẹp của người xuất gia được làm bằng đức khiêm cung và nếp sống đơn giản. Cho nên khi tiếp nhận phẩm vật cúng dường, người xuất gia không giữ phẩm vật ấy cho mình mà phải chuyển lại cho đại chúng, nghĩa là cho đoàn thể của người xuất gia. Những phẩm vật cúng dường này là để dành cho những vị nào đang thực sự thiếu thốn. Đời sống xuất gia thì phải “tam thường bất túc” nghĩa là trong ba cái ăn, mặc và ở thì đừng có cái nào quá đầy đủ. Phải thiếu một chút thì mới đúng. Ví dụ ăn thì không nên ăn quá no. Mặc thì không nên mặc quá ấm, đừng nói là quá đẹp. Ở thì không nên ở quá tiện nghi, đừng nói là quá sang. Theo tiêu chuẩn ấy mà xét, ta có thể thấy được ai là người chân tu, ai không phải là người chân tu. Khoác áo người xuất gia, ta có tư cách để tiếp nhận sự cung kính và cúng dường. Nếu ta không thực tập, thì ta sẽ lạm dụng sự cung kính và cúng dường ấy và đánh mất pháp thân của ta. Pháp thân là đời sống tâm linh đích thực.
Thầy có cái may mắn là tới tuổi này rồi mà thầy vẫn còn cảm thấy e thẹn khi có một vị cư sĩ cúng dường. Các con biết đó, thầy cũng sống đơn giản như các con, và mỗi khi có ai cúng dường thầy chẳng bao giờ giữ lấy cho riêng thầy. Đạo tràng nào của chúng ta cũng có chương trình Hiểu và Thương, và chúng ta luôn luôn biết cắt bớt sự tiêu thụ để chia sẻ những tài vật đang có với những người thiếu thốn: những bé cô nhi, những bô lão cô đơn, những trẻ em thiếu học hành và dinh dưỡng, những nạn nhân của nghèo đói, bệnh tật và thiên tai. Chúng ta nuôi dưỡng từ bi bằng những chương trình cứu trợ ấy. Và ta có biết bao nhiêu sư anh sư chị và các thân hữu cư sĩ đã và đang hết lòng giúp chúng ta làm việc này. Đó là một trong những hạnh phúc lớn của người xuất gia. Đó là sự thực tập giới thứ hai: chia sẻ thì giờ, năng lực và tài vật với những kẻ thiếu thốn. Hạnh phúc của chúng ta được làm bằng chất liệu lý tưởng và tình huynh đệ chứ không phải là làm bằng khả năng tiêu thụ. Sở dĩ những người trẻ tới đông đảo với chúng ta vì họ thấy được cái hạnh phúc đó. Đến với chúng ta, họ thực tập buông bỏ được những hệ lụy và khổ đau của họ, và họ nếm được chất liệu hạnh phúc do lý tưởng và tình huynh đệ đem lại. Hai vị mới được xuất gia ngày hôm qua đều là con nhà đại gia, có học vị cao, có dư điều kiện sống một đời sống vật chất dư dã và xa hoa, nhưng các vị ấy đã buông bỏ hết để được xuất gia. Mắt họ long lanh khi tiếp nhận giới pháp, đều này chứng tỏ họ đang có hạnh phúc lớn, và hạnh phúc ấy được làm bằng chất liệu lý tưởng và tình huynh đệ.
Thầy thấy người đi làm cách mạng cũng có chí hướng tương tợ như chí hướng của những người xuất gia. Hành động của Siddharta Gotama khi bỏ ngai vàng để đi xuất gia cũng là một thứ hành động cách mạng. Sở dĩ ta buông bỏ được là tại vì ta có chí nguyện lớn. Người làm cách mạng phải là người có chí nguyện lớn, nếu không thì người ấy cũng không buông bỏ được nếp sống phù hoa để đi theo con đường phụng sự đất nước. Và cũng như người xuất gia, người cách mạng cũng phải sống một nếp sống đơn giản không nặng nề danh vọng và lợi lộc. Một nhà cách mạng chân chính cũng sống một nếp sống đơn giản như một người xuất gia, và cũng có cái hạnh phúc tương tợ như cái hạnh phúc của người xuất gia, nghĩa là có chất liệu lý tưởng và có tình huynh đệ, có tình đồng chí. “Áo anh rách vai, quần tôi có hai miếng vá. Miệng còn cười, chân giá buốt không giày. Yêu nhau tay nắm lấy bàn tay.” Theo tinh thần này, thì một người công an cũng là một chiến sĩ cách mạng. Người công an cũng có thể sống có hạnh phúc với lý tưởng cách mạng và với tình đồng chí như người xuất gia.
Trong số các vị đệ tử thọ giới Tiếp Hiện tại Hoa Kỳ, có một đại úy công an tên là Cheri Maples. Vị này đã tu tập rất giỏi theo pháp môn Làng Mai, ban đầu thì thọ Năm Giới, nhưng sau đó nhiều năm đã thọ giới Tiếp Hiện, và năm 2008 đã được nhận lễ Truyền Đăng làm giáo thọ cư sĩ. Thật ra Cheri Maples trong hơn mười năm qua đã làm trách vụ giáo thọ cư sĩ một cách xuất sắc rồi, và quần chúng mà vị này hướng dẫn tu tập phần lớn đã thuộc về giới những người có nhiệm vụ giữ gìn an ninh cho xã hội, trong đó có giới cảnh sát, công an, thẩm phán, luật sư và ban quản giáo các nhà tù, các trung tâm cải huấn. Cheri Maples đã ở trong ngành cảnh sát 20 năm, đã từng giữ trách vụ đào tạo cảnh sát công an, có nhiệm vụ bổ dụng và cất chức những vị này.
Trong 20 năm phục vụ ở ngành Cảnh Sát, Cheri Maples đã thực tập theo pháp môn Làng Mai được 14 năm. Sự thực tập này đã giúp cho Cheri chuyển hóa rất nhiều và đã giúp cho Cheri thành công lớn trong việc đào tạo phân phối và bổ nhiệm nhân viên Cảnh Sát. Do sự thành công lớn lao đó mà Cheri đã được đưa lên một chức vị cao trong cục Cải Huấn và Tư Pháp. Trong nhiệm vụ mới này, Cheri đã huấn luyện hơn 1500 nhân viên, trong đó có các luật sư, chánh án, sĩ quan công an và quan chức nhà nước, huấn luyện bằng cách sử dụng những pháp môn mà Cheri đã học được từ Làng Mai. Trong hiện tại, Cheri đang áp dụng những pháp môn (gọi là kỹ thuật tu tập) ấy để giúp cho những nhân viên quản trị các trại giam và ngay cho những người bị giam giữ trong các trại tù ấy.
Năm 2003, Cheri đã tổ chức một khóa tu tại Madison, Wisconsin cho trên 650 người, trong đó phần lớn là các nhân viên Cảnh Sát, Công An, và các viên chức trong ngành Tư Pháp. Thầy và tăng thân Làng Mai đã được mời tới hướng dẫn khóa tu này. Trong khóa tu này, không có đốt hương, không có tụng niệm, không có lễ nghi, chỉ có sự thực tập để làm lắng dịu và chuyển hóa thân tâm, làm sống dậy và nuôi dưỡng chất liệu lý tưởng và tình huynh đệ, đem một chiều hướng tâm linh vào đời sống chuyên nghiệp, để có thể thành công hơn trong nghiệp vụ và để có thêm niềm vui trong đời sống hàng ngày. Khóa tu thành công lắm. Các con hãy tưởng tượng những chú cảnh sát Hoa Kỳ to con đang tập đi thiền hành với những bước chân thảnh thơi, đang tập ngồi thiền với những hơi thở lắng dịu, đang tập hạnh lắng nghe và ái ngữ với một thế ngồi bình an. Giới cảnh sát công an và các viên chức làm trong ngành Tư Pháp có một đời sống rất căng thẳng và nhiều khổ đau. Các con có biết là mỗi năm ở Hoa Kỳ có khoảng 300 cảnh sát viên tự tử bằng súng của chính họ không? Hành động này gọi là ăn súng của chính mình (eating their own gun). Số lượng các vị cảnh sát tự tử bằng súng của mình đông bằng hai lần số lượng cảnh sát bị côn đồ và tội đồ bắn chết. Giới viên chức quản trị các trại giam cũng có rất nhiều căng thẳng vì phải đối diện thường xuyên với năng lượng bạo động trong trại giam và ngay trong chính bản thân. Người ta cho biết là sau 20 năm phục vụ trong ngành này, phần lớn các nhân viên chỉ có tuổi thọ trung bình là 58 tuổi.
Những nhân viên cảnh sát và công an đã từng tới Bát Nhã và đã gây khó khăn cho các con Bát Nhã của thầy chắc chắn cũng có nhiều căng thẳng và khổ đau trong bản thân. Họ là viên chức nhà nước và phải tuân theo mệnh lệnh của cấp trên, nhiều khi buộc phải làm những điều khiến cho họ cảm thấy bứt rứt trong thân tâm họ. Các baby monks của thầy khi viết thư cho các chú công an đã thấy được điều này, cho nên thầy đã thầm khen các con khi thầy được đọc lá thư ấy. Lương bổng của người công an không đủ sống, thầy biết như vậy, và một số những người công an đã phải sử dụng quyền hành và chức vụ của mình để kiếm thêm tiền, do đó cũng dần dần đánh mất lý tưởng phục vụ đất nước của họ.
Cheri Maples nói rằng năm 1984, khi đi vào ngành Cảnh Sát, nguyện ước sâu sắc nhất của cô là phục vụ cho hòa bình, chấm dứt bạo động và bất công xã hội. Đó là chất liệu lý tưởng. Cheri viết trong bài tựa một cuốn sách của thầy những dòng sau đây: “Mỗi đêm, tôi đều trăn trở với những khổ đau do nghèo đói, kỳ thị chủng tộc, bất công xã hội, trộm cắp, lạm dụng tình dục, bạo hành trong gia đình, tiêu thụ bừa bãi và áp bức xã hội gây nên. Tôi khao khát bình an, nhưng tôi không biết rằng cái bình an ấy phải tới từ trái tim của mình trước. Tôi bị tràn ngập bởi những khổ đau mà tôi chứng kiến được trong xã hội, bởi những hiểu lầm, và bởi chính cái chính sách của nha Cảnh Sát Công An của tôi. Cái bất bình giận dữ của kẻ khác đã thắp cháy lên cái bất bình giận dữ trong tôi. Và tôi bắt đầu thực hành nhiệm vụ của tôi một cách máy móc. Tôi bắt đầu uống rượu. Tôi bị chứng trầm cảm. Và tôi đã tạo ra khổ đau cho tôi, cho những người thân, và cho cả những người khác.” Sau khi được tiếp xúc với Pháp Môn Làng Mai, được biết rằng có thể mang bên hông một khẩu súng với chánh niệm thì Cheri mới bắt đầu được chuyển hóa, và đã làm sống dậy được lý tưởng của mình. Cuối cùng Cheri đã phục vụ được thật nhiều cho đất nước và dân tộc của Cheri. Hạnh phúc của Cheri tăng tiến rất nhiều, đó là nhờ công phu tu tập. Nghe tin các con bị trục xuất khỏi Bát Nhã và đang bị bao vây tại Phước Huệ, Cheri đã viết thư cho Chủ Tịch Nước và Ông Bộ Trưởng Bộ Công An để nhờ can thiệp cho các con được trở về tu tập an ổn tại nơi các con đã được xuất gia, và Cheri đã gửi cho thầy một bản sao của lá thư ấy.
Nếu Cheri đã tu tập thành công, đã làm sống dậy được lý tưởng phụng sự đất nước, đã tìm được niềm vui trong đời sống phục vụ quốc gia, nhờ vào công phu tu tập, thì các chú công an của mình cũng có thể làm như thế được, phải không các con, nhất là khi ta biết rằng nhiều vị sĩ quan và nhân viên công an cũng là con nhà Phật tử. Trong lá thư gửi cho Chủ Tịch Nước và Ông Bộ Trưởng Bộ Công An, Cheri đã nói lên ước vọng là trong tương lai sẽ có những khóa tu tổ chức cho giới cảnh sát và công an tại Việt Nam như khóa tu đã từng được tổ chức ở tiểu bang Wisconsin, và có thể có khả năng là các vị cảnh sát và công an Hoa Kỳ cũng được đi Việt Nam thực tập chung với các vị cảnh sát và công an Việt Nam. Khóa tu ở Wisconsin thành công lớn lắm, tuy không phải là một khóa tu dễ dàng. Khổ đau và thành kiến lúc ban đầu rất lớn, đã được từ từ chuyển hóa trong khóa tu. Khóa tu ấy có chủ đề là “Canh Giữ Cho Hòa Bình” (Keeping the Peace). Chủ đề này làm thầy nhớ bài hát của thiếu nhi Việt Nam ở ngoài Bắc “Chú bộ đội, chúng cháu yêu chú lắm, súng vác trên vai, chú canh giữ cho hòa bình.” Những thực tập trong khóa tu đã giúp cho mọi người thực hiện thêm được rất nhiều bình an trong lòng người nhân viên công an và trong các cộng đồng xã hội mà những vị ấy phục vụ. Cheri đã viết trong lá thư: “Nhờ sự giáo huấn của Thầy, cả Cục Cảnh Sát trong đó có tôi đã được chuyển hóa. Từ những nhân viên chỉ biết sử dụng quyền hành, chúng tôi đã trở nên những chiến sĩ hòa bình có liên hệ tốt đẹp với quần chúng.”
Các khóa tu tổ chức cho giới cảnh sát công an, cũng như các khóa tu tổ chức cho giới dân biểu và quan chức nhà nước đều được tổ chức dưới hình thức không tôn giáo (non sectarian) vì vậy cho nên trong các khóa tu ấy không có sự thực tập nghi lễ và tín mộ, bởi vì luật lệ của các nước dân chủ Tây phương là như thế: “Không được trộn lẫn giáo quyền và chính quyền.” Thầy và Tăng thân đã tôn trọng nguyên tắc ấy, và các khóa tu kia không có mục tiêu khuyên người ta trở thành Phật tử mà chỉ muốn giúp cho người thực tập chuyển hóa khổ đau và khó khăn nội tâm, tìm lại được niềm tin nơi lý tưởng và tình huynh đệ. Cái học trong các Phật học đường của chúng ta có tính lý thuyết nhiều hơn thực tập, và vì thế những pháp môn thực tập này cần phải được đưa vào các trường cơ bản, trung cấp và cao cấp Phật học, để cho đạo Phật thật sự có thể được ứng dụng thực tế vào đời sống hàng ngày. Có sự thực tập này, người tu mới phục hồi và giữ vững được lý tưởng của người xuất gia, không bị lợi và danh ràng buộc. Sự thực tập này cũng rất có ích lợi cho các trường Trung Cấp Công An Nhân Dân, các trường Đại Học Cảnh Sát Nhân Dân và các Học Viện An Ninh Nhân Dân. Nó có thể được giảng dạy như một môn học và thực tập không có màu sắc tôn giáo, giống như trong khóa tu Wisconsin. Thầy nghĩ rằng vị Vụ Trưởng Vụ Hợp Tác Quốc Tế của ngành Công An có thể trao đổi với Giáo Thọ Cheri Maples để có thêm kiến giải về vấn đề này và các vị giáo thọ của chúng ta cũng sẽ có thể góp phần trong việc giảng dạy và thực tập trong các cơ sở đào tạo nhân viên Công An và Cảnh Sát ấy. Làm được công việc ích nước lợi dân thì dù có bị chụp mũ là cộng sản cũng không sao, miễn là nhờ đó mà dân chúng bớt khổ. Công an khổ thì dân chúng cũng khổ theo. Công an có những khổ đau trong lòng mà không giải tỏa được thì sẽ trút lên đầu gia đình và trên đầu dân chúng. Công an mà tham nhũng và lạm quyền thì không những tội cho công an mà còn tội cho chánh quyền và nhất là cho dân chúng. Giáo dục làm sao mà những chánh sách của các Tổng Cục và của các Cục có thể đáp lại nhu yếu đích thực của người dân thì đó mới là một nền giáo dục thật sự hữu ích.
Này các con của thầy, trong lịch sử, cứ thỉnh thoảng lại có một vị đại đạo sư xuất hiện để thanh lọc và làm mới lại truyền thống Phật giáo. Các vị như Long Thọ, Đề Bà, Vô Trước, Thế Thân, Trần Na, Huyền Trang, Huệ Năng, Lâm Tế, Trí Giả, Tăng Hội v.v... đều là những nhà cách mạng có khả năng làm cho đạo Bụt trẻ lại, để có thể phục vụ hữu hiệu hơn trong những hoàn cảnh xã hội đã thay đổi. Đạo sư Thái Hư trong những năm 30 của thế kỷ trước đã kêu gọi “Cách mạng giáo lý! Cách mạng giáo chế! Cách mạng giáo sản!”; rất nhiều người trong giới xuất gia nước ta đã lắng nghe những lời kêu gọi ấy và đã nỗ lực tìm cách chấn hưng đạo Phật. Suốt một cuộc đời thầy, thầy cũng chỉ tìm cách làm những việc ấy. Nếu không cách mệnh giáo lý thì khó có thể ứng dụng giáo lý vào đời sống mới, vì vậy từ đạo Bụt nhập thế mình đã có đạo Bụt ứng dụng. Nếu không cách mạng giáo chế thì giới luật và uy nghi truyền thống không đủ để đối phó với những vấn nạn lớn của thời đại và những băng hoại trong xã hội nhiều tệ nạn ngày nay. Vì vậy mà mình đã có Năm Giới tân tu, Mười Giới tân tu, dòng Tiếp Hiện, và giới Khất Sĩ tân tu. Nếu không cách mệnh giáo sản mà cứ bám vào chế độ cúng dường thì làm sao có đủ tự do để thực hiện cách mạng giáo lý và cách mạng giáo chế và để đóng góp được vào công tác thanh lọc và xây dựng một xã hội công bình và lành mạnh? Không có cách mạng giáo lý, giáo chế và giáo sản thì đạo Phật sẽ trở nên già nua, hư hỏng, thiếu sự sống, không tiếp tục được nữa sứ mạng của mình, và sẽ bị đào thải. Một tổ chức chính trị cũng vậy, nếu không có ngọn lửa cách mạng nuôi dưỡng thì sẽ trở nên già nua, hư hỏng, đi ngược lại với bản hoài của mình lúc ban đầu, và những người tìm cách gia nhập tổ chức cũng chỉ vì lợi lộc mà không phải vì lý tưởng.
Trong chuyến về nước năm 2007 thầy đã có dịp một mình ghé vào một ngôi chùa ở Hà Nội để quan sát. Trong chính điện, ở tổ đường, ngoài sân chùa, hễ nơi nào có tượng Phật, tượng Bồ Tát, La Hán, Tổ Sư, Hộ Pháp, Thánh Mẫu v.v... thì đều có tiền cúng dường trên tay các bức tượng. Thầy có cảm tưởng là tất cả các vị Bụt, Bồ Tát, La Hán, Tổ Sư, v.v... đều trở thành những người ăn hối lộ, và các vị đều là những vị thần linh chỉ phù hộ cho những ai biết đút lót cho mình mà thôi. Hình ảnh này cho ta thấy thế giới thần linh chỉ phản ảnh thế giới nhân sự: ai không chấp nhận tham nhũng thì sẽ không thành công, và sẽ không làm gì được. Thầy đặt câu hỏi: có phải vì Bát Nhã không chịu theo cái quy luật ấy cho nên Bát Nhã đã không thể tồn tại? Có người đã nói: nước trong quá thì cá sẽ không sống được. Có phải đây là sự thực hay không?
Không, thầy không muốn tin đó là sự thực. Chúng ta đang có những vị chân tu trên đất nước, không bị danh vọng và tiền tài mua chuộc. Và các con của thầy đang nối gót theo các vị ấy, dù quanh ta có nhiều người xuất gia đã đánh mất tâm ban đầu và chỉ đang đi tìm những tiện nghi vật chất và tình cảm để sống cho hết một cuộc sống thiếu lý tưởng và thiếu tình huynh đệ của họ.
Trong giới trí thức, nhân bản và chính trị cũng thế, chung quanh ta còn có những người liêm khiết, chính trực, thà chịu nghèo chứ không để tán tận lương tâm. Ông thân sinh của sư anh Pháp Hội là một cán bộ rất liêm khiết và chính trực; bác ấy đã chịu sống nghèo trong suốt cả một đời để nuôi các đức liêm khiết và chính trực của mình cho nên ngày nay ta mới có một sư anh Pháp Hội. Và có bao nhiêu người khác nữa, nhờ có niềm tin nơi truyền thống đạo nghĩa của đất nước mà vẫn giữ được nếp sống liêm chính của mình.
Những hạt giống Phật pháp, những hạt giống của Pháp môn gieo trồng trong những năm qua đã bắt đầu nẩy mầm. Tiếp xúc với Pháp môn, tiếp xúc với Tăng thân, những hạt giống tốt của lý tưởng và của hạnh phúc có sẵn nơi người trẻ đã bắt đầu mọc lên tươi tốt. Người trẻ xuất gia cũng như người trẻ tại gia thấy được một con đường tâm linh đẹp có thể mở ra một chân trời mới của tình huynh đệ và của lý tưởng độ đời. Những Cheri Maples của Việt Nam cũng đã bắt đầu xuất hiện. Có những sĩ quan công an và cảnh sát trẻ đã tới với chúng ta để thực tập và bắt đầu được chuyển hóa. Các con đã có dịp làm quen với các vị ấy. Một vị đã tâm sự: khi tâm ta bất an thì ta không có khả năng đem lại sự an bình trong xã hội, và vì những bất an trong tâm ấy mà ta có thể làm cho tình trạng xấu thêm. Đó cũng là cái chân lý mà chính Cheri Maples đã tìm ra. Vụ việc đau thương của Bát Nhã là chứng tích của sự bất an trong lòng người. Vì lo sợ, vì oán trách, vì nhận thức sai lầm mà những người có trách vụ an ninh đã tạo ra những bất an trong xã hội và làm xấu đi hình ảnh của đất nước trên vũ đài quốc tế. Một trong những vị Cheri Maples của Việt Nam ấy cũng đã ngỏ ý muốn xin được xuất gia.
Cách đây chỉ mới mấy hôm, một vị tập sự nữ ở xóm Mây Đầu Núi tên là T.M.T. đã viết một lá thư làm cho chúng ta rúng động và đã cho ta thấy được rằng ngọn lửa thiêng của lý tưởng và của tình huynh đệ có thể được dễ dàng khơi cháy lại nơi tâm hồn những người trẻ. Vị tập sự nữ ký tên T.M.T. trong lá thư ấy (Đằng Sau Ánh Hào Quang) đã chứng tỏ có khả năng buông bỏ mọi ràng buộc, giàu sang và quyền thế đang có để được xuất gia, sống đời đạm bạc mà hạnh phúc với lý tưởng độ đời và giúp người. Cả đại gia đình của T.M.T. đều chống đối việc này và ai cũng cho T.M.T. là điên. Các con nghĩ sao? Nếu T.M.T. có điên thì cái điên ấy cũng không khác gì cái điên của thái tử Sĩ Đạt Đa khi bỏ ngai vàng mà đi xuất gia. Sĩ Đạt Đa là ai? Sĩ Đạt Đa là một người trẻ có khả năng buông bỏ tất cả để tìm cầu một lý tưởng đẹp. Sĩ Đạt Đa có ngọn lửa cách mạng trong lòng nên mới có đủ năng lượng dứt bỏ tất cả mọi đặc ân và mọi tiện nghi. Sĩ Đạt Đa là ai? Sĩ Đạt Đa chính là T.M.T. của ngày hôm nay đó. Chúng ta là những người trẻ đi tìm một lý tưởng đẹp. Chúng ta là sự tiếp nối của Sĩ Đạt Đa. Sĩ Đạt Đa đang có mặt trên quê hương cho nên ta có quyền hy vọng. Những thanh niên đi xuất gia có tâm ban đầu rất mạnh, cũng như những thanh niên đi làm cách mạng có tâm ban đầu rất mạnh. Phải giữ cho được tâm ban đầu thì ta mới thành công. Có tâm ban đầu thì ta không bị ràng buộc bởi lợi danh. Còn tâm ban đầu thì còn tự do và giải thoát. Phương pháp của đức Thế Tôn là tưới tẩm những hạt giống ân nghĩa, từ bi, trí tuệ và dũng cảm nơi ta. Những đau thương của Bát Nhã đã đánh động được trái tim của bao nhiêu người trong nước và ngoài nước và giúp cho ngọn lửa lý tưởng và chất liệu can trường nơi họ sống dậy. Nhà thơ Hoàng Hưng đã viết trong bài Bốn Trăm Quả Chuông Bát Nhã rằng Lá Thư Thỉnh Nguyện mà ông khởi xướng để kêu gọi sự che chở cho Tăng thân Bát Nhã đã có được chữ ký của những tên tuổi lớn trong giới khoa học và văn nghệ, những người “chưa bao giờ từng tham dự vào bất cứ một cuộc bày tỏ tập thể nào trước chánh quyền.” Như vậy có nghĩa là hạt giống của từ bi và dũng cảm nơi các vị ấy đã được tưới tẩm, do đó các vị ấy đã không ngần ngại ký tên vào Lá Thư Thỉnh Nguyện. Có một vị đã tâm sự: “Trước đây tôi rất sợ dính vào những chuyện như thế này, nhưng lần này tôi thấy mình không lên tiếng thì hèn quá, sẽ tự mình không chịu nổi chính mình.” Và cố nhiên là ký xong thì vị ấy có ngay được cái hạnh phúc của một người biết rằng mình đang có chất liệu liêm trực trong trái tim. Công phu thực tập của các con Bát Nhã của thầy đã tưới tẩm được hạt giống tốt trong lòng người, Phật tử cũng như không Phật tử, trong nước cũng như ngoài nước, người đồng bào cũng như người nước ngoài. Đó là những hạt giống của niềm tin, hạt giống của thương yêu và của sự quả cảm. Cách hành xử bất bạo động và không hận thù của các con đã khơi dậy niềm tin nơi một hướng đi nhân bản thuần hậu của nhân loại trong tương lai, đã đánh động lòng yêu thương nơi mọi người và làm sống dậy nơi mọi người đức vô úy sẵn có của họ. Các vị tôn túc đã lên tiếng. Học tăng đã lên tiếng. Sinh viên đã lên tiếng. Giới nhân sĩ và trí thức đã lên tiếng. Giới tiểu thương đã lên tiếng. Giới cán bộ và đảng viên đã lên tiếng. Bằng hữu của các tôn giáo bạn đã lên tiếng. Thế giới đã lên tiếng. Bát Nhã như một đóa sen ngát hương đã làm sống dậy biết bao nhiêu tình cảm đẹp đẽ của con người. Pháp môn “tưới tẩm hạt giống tốt” của chúng ta có thể đem lại hoa trái thương yêu và hạnh phúc rất mau chóng.
Này các con, nếu nhìn cho kỹ thì các con sẽ thấy các vị có trách nhiệm giải thể Tăng thân Bát Nhã đã làm ngược lại với pháp môn. Họ chỉ tưới tẩm những hạt giống xấu. Họ đe dọa và nói dối để tưới tẩm hạt giống sợ hãi nơi chúng ta. Họ nói Tăng thân Bát Nhã làm chính trị. Họ nói sự có mặt của Tăng thân Bát Nhã là một đe dọa cho nền an ninh quốc gia. Họ sơn phết để gán cho Bát Nhã danh từ phản động. Một vị thiếu tướng của Tổng Cục Xây Dựng Lực Lượng Công An Nhân Dân đã được gửi vào để “đối phó” với Bát Nhã như là một tập đoàn phản động. Trong khi đó thì các con là những người tu tập trong trắng, không tha thiết gì đến chính sự, rất mong muốn được tu tập an lành dưới sự che chở của Giáo Hội và của luật pháp đất nước. Họ thuê những người nghèo khổ, thất học, không biết gì về Phật pháp, không phải là Phật tử đến để thay họ đánh phá và trục xuất các con ra khỏi tu viện; họ lừa dối những người này, nói rằng các con là những người đi chiếm chùa, các con là những người phản động, đi cõng rắn về cắn gà nhà, rằng các con là một mối đe dọa cho an ninh quốc gia, nói tóm lại là họ tưới tẩm những hạt giống hiểu lầm, nghi kỵ, hận thù nơi người đồng bào khác. Khi những người này mất hết bình an trong tâm thì họ mới có khả năng tới chửi rủa, đập phá và xâm phạm đến tài sản và nhân phẩm của những người đồng bào của họ. Làm gì có thứ Phật tử đốt kinh, đốt tượng, liệng phân thối vào các vị tôn đức, xé ca sa của các vị xuất gia, lôi xềnh xệch các vị ấy như những bao rác và xâm phạm vào chỗ kín của những vị này? Thầy thấy cách hành động này rất nguy hiểm và những viên chức nào sử dụng những người như thế sau này cũng sẽ trở thành nạn nhân của chính những người này.
Nhìn lại cho kỹ ta thấy rằng không những Tăng thân Bát Nhã là nạn nhân của một chính sách sai lầm mà chính quyền và nhân dân địa phương cũng là nạn nhân của chính sách ấy. Các chú công an cũng như những viên chức khác của chính quyền đã nhận được lệnh triệt tiêu Bát Nhã và đã phải làm tất cả những gì có thể làm để hoàn thành nhiệm vụ này, dù những điều mình làm có trái với luân thường đạo lý. Người ta nói vì Đảng, vì chế độ, vì an ninh quốc gia, ta phải buộc lòng làm những việc ấy. Ta cố trấn áp ta để tin rằng đó là việc làm vì nước vì dân. Nhưng trong chiều sâu tâm thức ta, ta biết rằng đó là những việc làm thất đức, trái với luân thường đạo lý. Lương tâm ta cắn rứt. Những người trong gia đình ta nhìn ta bằng con mắt nghi ngờ, oán trách. Đồng bào ta nhìn ta với con mắt khinh khi, chê trách và ghét bỏ. Cái khổ của một viên chức chính quyền lương không đủ sống, đó là một cái khổ tương đối nhỏ. Cái khổ bị lương tâm cắn rứt, bị gia đình và đồng bào nhìn bằng con mắt oán trách mới là cái khổ thật sự. Mất đi sự bình an, mất đi sự tự trọng, cái ấy mới là cái khổ to lớn. Đó là một tổn thất lớn. Ra trận, thì phải có tổn thất. Đó là số người chết, số người bị thương và số người mất tích. Trận đánh nào cũng phải có tổn thất. Trong những trận đánh như Bát Nhã, tuy không có ai chết nhưng tổn thất rất trầm trọng. Đó là đứng về phương diện nhân phẩm, lương tri, lý tưởng, tình đồng bào và thể diện của đất nước trên trường quốc tế. Chúng ta đã không có công mà còn có tội với đất nước khi bị dồn vào thế phải đánh những trận thất đức như thế. Cho nên tất cả chúng ta, tu sinh, viên chức chính quyền hay công an đều đã trở thành nạn nhân.
Một chính sách ích nước lợi dân luôn luôn được dựa trên nền tảng của một cái thấy chính xác, trong đạo Bụt gọi là chánh kiến (right view). Nếu tâm ta bị tham dục, sợ hãi và ghi ngờ che lấp thì ta không có được chánh kiến, và cái thấy của ta bị méo mó, sai với sự thực. Cái thấy này gọi là tà kiến (wrong view). Thấy Bát Nhã là một đe dọa cho một nền an ninh quốc gia là một cái thấy sai lạc rất lớn. Một chuyện buồn cười như thế mà xảy ra được, điều này thật là khó hiểu. Vì cái tà kiến đó cho nên mới có loại tư duy sai trái: cần phải triệt tiêu Bát Nhã, bằng mọi cách. Đó là tà tư duy (wrong thinking). Tư duy sai trái thì ngôn ngữ và hành động cũng sẽ sai trái. Nói rằng Bát Nhã là một tranh chấp nội bộ, nói rằng chính quyền và công an không can thiệp vào Bát Nhã, nói rằng Bát Nhã làm chính trị, v.v... tất cả những lời nói ấy đều không phải là chánh ngữ mà là tà ngữ. Tiếp theo là loại hành động được gọi là hành động sai trái, tức là tà nghiệp (wrong action). Đập phá, trục xuất, bắt bớ, xâm phạm vào nhân phẩm của người dân, đem lại khổ đau cho cộng đồng mà mình muốn phục vụ và đem lại khổ đau cho chính bản thân mình. Cái gốc của khổ đau xét cho cùng là ở cái thấy sai lạc. Vì cái thấy sai lạc ấy nên mới có những chính sách sai lầm có hại cho dân và cho nước.
Để vực dậy niềm tin và sức sống của cộng đồng Phật giáo, các vị chân tu phải tìm cách ngồi lại với nhau, nhất là các vị không còn giữ trách vụ trong tổ chức Phật giáo. Vì sợ hãi nghi ngờ cho nên người ta mới có chủ ý kiểm soát tổ chức Phật giáo. Mà cách thức kiểm soát lâu nay thường được sử dụng là đưa người của người ta vào để có thể giật dây. Một chức sắc Phật giáo mà có tỳ vết thì mới giật dây được. Nếu vị ấy liêm trực thì mình không thể giật dây. Đưa vào những người như thế trong tổ chức Phật giáo là làm hư tổ chức. Có những văn kiện của tổ chức đưa ra mà ngôn ngữ không phải là ngôn ngữ đích thực của truyền thống Phật giáo. Ai cũng biết là các văn bản ấy đã được soạn thảo sẵn để viên chức Phật giáo ký tên. Như thế thì tổ chức Phật giáo làm sao thực sự đóng được vai trò lãnh đạo? Nếu một tổ chức tôn giáo mà bị kiểm soát đến mức tê liệt không dám lên tiếng để bảo vệ cho con em của chính mình thì tổ chức ấy không còn có đủ uy tín để lãnh đạo. Cho nên thầy nghĩ là các vị chân tu phải ngồi lại với nhau, phải lên tiếng để hướng dẫn cho tuổi trẻ Phật tử và chuyền năng lượng cần có cho tổ chức Phật giáo để tổ chức này có cơ duyên thức dậy và đi tới. Điều này cũng đúng với một tổ chức cách mạng. Các vị cách mạng lão thành liêm khiết phải ngồi lại với nhau và phải cùng lên tiếng. Lên tiếng để chỉ dẫn cho tuổi trẻ, để khơi dậy niềm tin nơi họ. Để giúp làm khơi dậy ngọn lửa thiêng của cách mạng đang thoi thóp trong tổ chức. Phải làm sao cho những người tới với tổ chức cách mạng là những người có lý tưởng, có bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, có khả năng buông bỏ quyền hành và danh vọng. Nếu không tổ chức sẽ chỉ quy tụ được những phần tử cơ hội chủ nghĩa, gia nhập vào tổ chức chỉ với mục đích là tìm cầu địa vị và quyền hành. Một tổ chức như thế không còn là một tổ chức cách mạng nữa, nhất là khi những bậc đàn anh trong tổ chức là những kẻ kẹt vào địa vị và quyền hành, sống một cuộc đời quá sung túc và xa hoa, có các bọc tiền khổng lồ chôn dấu tại các ngân hàng nước ngoài. Không có ngọn lửa cách mạng trong lòng, làm sao chúng ta gọi nhau là đồng chí mà không ngượng miệng?
Họ muốn tiêu diệt Bát Nhã nên mới đặt điều cho rằng các vị xuất gia ở Bát Nhã là những người làm chính trị, chống đối chế độ, chống đối giáo hội, và Bát Nhã phải được đối trị như một tổ chức phản động. Nước lã mà người ta muốn vã nên hồ. Trong lá thư của tập sự nữ T.M.T. có câu: muốn giết một con chó thì phải nói đó là một con chó điên. Đó là cái luật ngàn đời, chỉ có kẻ ngu mới không hiểu điều đó. Tại sao con lại đi theo cái dòng Bát Nhã đó? Đó là con đường đi vào cửa tử. Người ta đã muốn triệt tiêu thì nó sẽ bị triệt tiêu thôi, dù sớm muộn nó cũng bị triệt tiêu.
Nhưng các con của thầy chắc cũng đã thấy rằng trường hợp Bát Nhã đã trở thành một trường hợp đặc biệt. Nhờ cách hành xử của các con, nhờ những dòng nước mắt trong veo không hận thù không bạo động của các con mà thiên hạ biết rằng đây không phải là một con chó điên, một con chó dại, và người ta có thể sẽ không bao giờ giết được con chó Bát Nhã. Hàng xóm của chúng ta, trong nước và ngoài nước, đã thấy được rằng đây là một con chó khôn, ta cần bảo tồn tính mạng cho nó, bởi lẽ một con chó khôn thì có khả năng giữ được cửa được nhà.
Các con nhớ thở thật nhẹ cho thầy và đi thiền hành thảnh thơi cho thầy. Dù trong hoàn cảnh nào, chúng ta cũng thực tập xử lý ngày hôm nay cho thật hết lòng. Chúng ta cần tập sống cho thật, tập nhìn tất cả với con mắt từ bi. Ngày hôm nay là chất liệu để làm nên ngày mai. Vì vậy ta phải sống cho đẹp ngày hôm nay. Thầy có niềm tin lớn nơi các con. Năng lượng lành của Tam Bảo đang che chở cho chúng ta. Các con hãy chuyên cần thực tập bài thi kệ Quay Về Nương Tựa. Không nên đi tìm một nơi nương tựa khác ngoài hải đảo tự thân. Đó là lời đức Thế Tôn căn dặn.
Về lại Mai Thôn, thầy sẽ có dịp viết tiếp cho các con.
Thầy của các con,
Nhất Hạnh
0 Góp ý kiến:
Post a Comment