Màn đêm buông xuống, nhẹ nhàng bao trùm cả không gian bao la. Ngồi dưới một góc cây xanh tươi nơi sân chùa Phước Huệ chỉ nhìn thấy được một khoảng không gian nhỏ xinh, nhưng tôi biết bên ngoài đất trời mênh mông bát ngát đang dang tay đón lấy màn đêm. Cảnh vật về đêm rất đỗi dịu dàng, sâu lắng và cũng là khoảng thời gian sinh động nhất, khơi gợi cảm xúc nhiều nhất đối với tôi. Ngồi bên cạnh tôi có một vài sư anh khác nữa, tất cả đang tận hưởng vẻ đẹp của trời đêm trong sự tĩnh lặng. Tối quá, không thấy rõ nhau, nhưng tôi cảm nhận được nụ cười của các sư anh - nụ cười nhẹ nhàng mà thiên nhiên vừa ban tặng. Rồi bỗng dưng có một tiếng hát trầm ấm cất lên: «Khi nghĩ về một đời người tôi thường nhớ về rừng cây, khi nghĩ về một rừng cây, tôi thường nhớ về nhiều người. Trẻ trung như cụm hoa hồng, hồn nhiên như ngàn ánh lửa chiều hôm khi gió về. Cây đã mọc từ thuở nào, trên đồi núi thật cằn khô, cây có hiểu vì sao chim thường kéo về làm tổ. Và em như cụm lan mọc từ những cành cổ thụ già kia».
Tôi thương lắm bài hát ấy bởi nó ý nghĩa biết bao. Nếu nhạc sĩ Trần Long Ẩn có mặt với chúng tôi đêm nay thì thế nào chúng tôi cũng đốt lên một đống lửa ngồi quây quần bên nhau, ôm đàn guita mà hát say sưa. Bài ca chân thành ấy mà hát cho anh chị em chúng tôi trong tình cảnh này thì thấm thía quá phải không ạ? Và có lẽ nhạc sĩ sẽ cùng chúng tôi sửa một số lời để thích hợp cho Tăng thân trong tình cảnh này: «Chân lý thuộc về mọi người không chịu sống đời nhỏ nhoi. Xin hát về bạn bè tôi những người sống vì mọi người. Ngày đêm gìn giữ trong chánh niệm, hạnh phúc trong tình huynh đệ bền lâu »...
Cuộc đời mến thương ơi! Rừng cây đó chính là Tăng thân của chúng tôi, rừng cây chỉ mới bốn năm tuổi trên miền cao nguyên thân yêu. Rừng đã lớn lên và xanh tươi hơn nhiều, trẻ trung và giàu sức mạnh hơn nhiều. Mỗi thành viên trong Tăng thân là một cây xanh, có một vị trí hài hòa trong khu rừng, chúng được «sống gần nhau thân mới thẳng. Có một cây là có rừng và rừng sẽ lên xanh. Rừng giữ đất quê hương». Nói đến rừng người ta sẽ cảm nhận được năng lượng vững vàng và mạnh mẽ hay chỉ cần dạo bước trong rừng đã làm cho lòng người lắng dịu, thanh thản, bình an. Từ ngàn xưa, rừng đã che chở bảo vệ sự sống và nuôi dưỡng tinh thần cho tổ tiên mình, tổ tiên đã gắn bó khăng khít và trân quý từng khu rừng của quê hương. Nhìn một cơn bão đi qua khung cảnh trở nên tan tác. Dù là những cây đại thụ xanh tươi hay những loài cây đã phát triển mạnh, có sức chống chịu tốt nhưng đứng đơn độc để đối diện với mưa bão, cơ may sống sót của nó thật nhỏ nhoi. Chúng có thể bị bật gốc hay gãy ngang thân, hay ít nhất thì những cành cây, lá cây bị quật tan tành trong mưa gió. Đáng thương và nhọc nhằn lắm! Bão đến với một rừng cây dù là rừng cây chưa đủ năm tháng trưởng thành cũng khác rất nhiều. Những thân cây, đọt cây oằn oại trong mưa gió, cành này nâng cành khác, thân này đổ thân kia, cùng nghiêng ngả theo hướng gió. Rễ cây bám chặt lấy đất mẹ, những rễ cây xen vào nhau thật gần gũi để tạo thành nền tảng vững chắc cho cây. Cơn bão đi qua, bạn có thể nghe tiếng thở nhẹ và nụ cười bình an của Rừng. Rừng là như thế đó!!!
Một thoáng mơ mộng về một đống lửa nhỏ bên cạnh nhạc sĩ Trần Long Ẩn để hát ca chưa thể trở thành hiện thực, thôi thì chúng ta cùng nhau hướng về bếp lửa thân quen của người dân Việt để cùng nhìn cho rõ. Bếp lửa đỏ bập bùng, tí tách nghe thật vui tai, đưa đôi bàn tay lạnh, đưa đôi bàn chân trần nhỏ bé bên bếp lửa mà hơ. Cái hơi ấm ấy, lan tỏa đến tận tâm hồn thiếu vắng của bạn, đến tận con tim thổn thức của bạn. Xin hãy thử một lần ngồi chơi bên bếp lửa để cảm nhận đều ấy, bạn sẽ hiểu ra. Và bạn cũng thấy, bếp lửa của chúng tôi chỉ có những cành khô nhỏ nhắn, thẳng xinh, chúng xếp chồng lên nhau rất hài hòa tạo thành không gian thích hợp cho lửa cháy đều. Lửa cành này nương vào cành kia mà cháy, cành này giúp cành khác đứng vững trong vị trí của nó. Có như vậy thì những cành củi khô có thể đem hết khả năng của mình góp cho bếp lửa, cống hiến hơi ấm bạn cần. Và đây giọng nói ấm áp của Thầy còn vang vọng trong tôi, trong bạn:
«Bếp tôi ấm rồi, mời anh về với chúng tôi thôi
Công phu của ai ngàn năm bắc một nhịp cầu nối liền xa cách
Tác phẩm còn tươi nét mực
Lấy giọng trong lành, em tôi sẽ đọc lên cho chúng mình nghe bên tiếng nổ tí tách của những cành lửa reo vui»
(Trích đoạn bài thơ Xóm Mới - Sư Ông Làng Mai)
Cũng lời Thầy dạy từ buổi ban sơ học làm người tu sĩ: «Sự nghiệp cao cả nhất của người tu là sự nghiệp xây dựng Tăng thân». Lời tuyên bố dõng dạc ấy có lẽ rất lạ lẫm đối với mọi người, ngay cả Phật tử. Có thể bạn từng nghe, từng hiểu về lý tưởng của người xuất gia nhưng chưa bao giờ nghe một lý tưởng như thế. Bạn ơi! Tăng là một trong ba ngôi Tam Bảo: Phật - Pháp - Tăng. Trong Phật có Pháp và Tăng, cũng như trong Tăng có Phật và Pháp. Tăng mà vững mạnh nghĩa là Phật và Pháp vững mạnh. Không có Tăng thì cuộc đời nhìn vào đâu để thấy Phật và tiếp xúc với lời Phật dạy. Phật ở đâu, Pháp ở đâu trong Tăng thân trẻ của chúng tôi? Câu trả lời nằm trong lòng của bạn, trong lòng của mỗi người. Chúng tôi chỉ biết rằng mỗi ngày trôi qua thật ý nghĩa, không uổng phí, không hổ thẹn với lòng. Mỗi sáng thức dậy miệng mỉm cười và thầm đọc bài kệ:
«Thức dậy miệng mỉm cười
Hăm bốn giờ tinh khôi
Xin nguyện sống trọn vẹn
Mắt thương nhìn cuộc đời»
Mở đôi mắt ra thấy người bạn đồng tu đang hiện hữu ở đó - khỏe khoắn và bình an, lòng tôi dâng trào niềm vui sướng, biết ơn vô hạn. Biết ơn vì họ đang đi trên cùng một con đường lý tưởng với tôi. Bụt, Tổ, Thầy là những người khai mở con đường cho tôi nhưng chính những người bạn đồng tu trong Tăng thân là những người tác thành cho tôi. Bởi lẽ: Bụt dạy hãy yêu thương chính mình và yêu thương người khác nhưng bài học thương yêu ấy tôi học từ người bạn đồng tu của mình. Tôi muốn thực tập chánh niệm theo lời Thầy dạy để đạt được sự vững chãi, thảnh thơi và chính những người bạn đồng tu nhắc nhở cho tôi những lúc thất niệm, vụng về. Chúng tôi cùng thức dậy thật sớm để chuẩn bị công phu sáng, cùng nhau dạo bước nhẹ nhàng để đến thiền đường ngồi thiền chung, cùng ăn cơm trong im lặng, trong không khí gia đình, họ cùng khóc cùng cười với nỗi đau và niềm vui của tôi, của bạn. Chúng tôi chấp tác bên nhau: nào nấu ăn, rửa nồi, dọn dẹp, chặt củi, trồng rau, lượm rác,... cùng chia nhau món quà của gia đình gửi lên, chia nhau quả mít ngon lành của vườn chùa. Cứ như vậy, chúng tôi đã trở thành niềm vui sống cho nhau tự thuở nào không rõ nữa, bạn ạ!!!
Cuộc sống mến thương ơi! Bạn mến thương ơi! Chúng tôi khao khát đưọc tu tập theo lời Bụt dạy để bước đi trọn vẹn trên con đường lý tưởng. Khắc cốt ghi tâm điều ấy cho nên trong đời sống hằng ngày chúng tôi nào dám xao lãng, buông lung. Cũng bởi vì lý tưởng ấy mang ý nghĩa vô cùng lớn lao cho bản thân mỗi người và góp phần làm đẹp cho xã hội, cũng bởi vì sự nghiệp ấy đâu phải thành tựu trong một sớm một chiều. Chúng tôi cần phải đi bên nhau để nâng đỡ, soi sáng cho nhau, đoàn kết bên nhau như hình ảnh rừng cây hay bếp lửa. Cây rừng thương nhau, gắn bó bên nhau, tha thiết xin người đừng đốn ngã cây rừng, xin đừng bứng những gốc cây ra khỏi khu rừng để trồng một nơi lẻ loi nào khác. Bếp lửa hồng ấp áp của quê hương, tha thiết xin người đừng đưa tay rút từng khúc củi ra khỏi, xin hãy cho những khúc củi hiền lành đứng bên cạnh nhau để giữ gìn lửa đỏ. Tha thiết xin người giữ gìn rừng xanh, giữ bếp hồng cho quê hương thân yêu.
Kính yêu
Sư chú Pháp
Cành lửa reo vui
Sunday, October 11, 2009
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 Góp ý kiến:
Post a Comment