Khi một vị thiền sư gửi thư cho một vị quốc trưởng, một vị tổng thống hay một vị chủ tịch nước thì thế nào vị thiền sư ấy cũng sử dụng ngôn ngữ thiền. Tôi đã đọc lá thư thiền sư Nhất Hạnh gửi cho chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ngày 30.09.09 và tôi có cảm tưởng là tôi hiểu được ý thầy trong lá thư. Vào đầu lá thư, thiền sư viết: "Tôi không biết hiện giờ Chủ Tịch đang ở đâu nên nhờ mạng Phù Sa gửi một bản thư này đến Chủ Tịch." Câu này ý nghĩa thật khôn lường. Ai không biết rằng Chủ Tịch Nước thì luôn luôn có mặt ở phủ Chủ Tịch, chỉ cần lên Google là có thể tìm được địa chỉ ấy để gửi thư. Theo tôi, câu nói ấy của thiền sư có nghĩa: Thưa ngài Chủ Tịch, ngài có đang thực sự có mặt ở đó không, nếu ngài đang có mặt thực sự thì làm sao một chuyện động trời như chuyện đánh bật một cọng đồng tu sinh ra khỏi một tu viện lại có thể xảy ra được hôm 27.09.09? Hoặc giả người ta đã sắp đặt để ngài Chủ Tịch đi vắng, để ở nhà người ta ra tay? Hoặc giả ngài Chủ Tịch đang có mặt nhưng cảm thấy mình bất lực, không ngăn nổi cái chuyện động trời đang xảy ra trên đất nước của chính Ngài? Câu nói của thiền sư như vậy thì ý nghĩa quả thật là khôn lường. Nhưng chưa chắc tôi đã thấy được hết cái ý nghĩa đó, bởi vì tôi chỉ là người mới thực tập thiền chưa được sáu năm.
Tại sao thiền sư không nhờ mạng Làng Mai đăng tải lá thư mà lại nhờ mạng Phù Sa? Trang nhà Làng Mai là trang nhà chính thức của đạo tràng Mai Thôn, có đăng tải lá thư này, nhưng tại sao thiền sư lại nhờ mạng Phù Sa? Có thể vì trang nhà Làng Mai chú trọng nhiều tới việc tu học, không chuyên đưa tin thời sự, nên có thể không đủ khả năng chuyển đạt lá thư tới ngài Chủ Tịch. Theo tôi biết thì Phù Sa là một tờ báo điện tử độc lập, ban đầu thì chống Cọng dữ dội, nhưng sau khi tiếp xúc được với Làng Mai thì tìm thấy được một con đường "Giữ Thơm Quê Mẹ" hữu hiệu hơn, nên đã bắt đầu ủng hộ pháp môn Làng Mai và đăng tải nhiều tin tức về Làng Mai. Có người nghĩ rằng Phù Sa là do Làng Mai chủ trương, điều này theo tôi hoàn toàn sai với sự thực. Tôi được ban biên tập trang nhà Làng Mai cho biết là có những bài gửi tới mạng Làng Mai không đăng mà Phù Sa lại đăng. Phù Sa là một tờ báo ngoài đời, có lập trường văn hóa và chính trị, trong khi trang nhà Làng Mai chỉ phục vụ cho một tăng thân tu học, cho nên thiền sư nhờ Phù Sa chuyển lá thư là đúng.
"Đây là một tiếng chuông chánh niệm." Câu này ý nghĩa cũng thâm sâu không kém câu đầu. Tiếng chuông chánh niệm là tiếng chuông giúp cho mình tỉnh dậy. Chánh niệm là năng lượng giúp cho mình biết cái gì đang thực sự xảy ra trong thân, trong tâm và trong hoàn cảnh mình. Cái gì đang xảy ra là chính quyền do ngài Chủ Tịnh Nước cầm đầu đang đàn áp một tu viện Phật Giáo ở Bảo Lộc y hệt như chính quyền ông Ngô Đình Diệm đã đàn áp chùa Xá Lợi ở Sài Gòn năm 1963. Lá thư thiền sư không phải là một lá thư thỉnh nguyện, một lá thư xin xỏ. Nó là một lời cảnh báo. Nó là một thiền ngữ, một bài cảnh sách. Thiền sư muốn nhắc để ngài Chủ Tịnh Nước ý thức được về những gì đang xảy ra trên đất nước và lịch sử sẽ ghi chép về cách ứng xử của Chủ Tịch Nước. Rằng nếu Chủ Tịch không đề cao cảnh giác thì Ngài sẽ lặp lại lỗi lầm của ông Diệm và lịch sử sẽ ghi lại điều ấy.
Và điều này cũng giải thích tại sao thiền sư ký bút hiệu Nguyễn Lang. Nguyễn Lang là một sử gia, tác giả bộ sách Việt Nam Phật Giáo Sử Luận mà tất cả các nhà trí thức trong nước đều biết đến. Các nhà trí thức biết tới Nguyễn Lang nhiều hơn là biết tới thiền sư Nhất Hạnh cho nên viết với bút hiệu Nguyễn Lang thì lá thơ sẽ được giới trí thức và khoa học gia chú ý tới hơn. Viết với tư cách một thiền sư thì họ có thể nghĩ đây chỉ là một vấn đề tôn giáo. Mà đây không phải chỉ là một vấn đề tôn giáo, đây là một vấn đề lịch sử. Ký bằng bút hiệu Nguyễn Lang lá thư nặng ký hơn nhiều. "Cửa Phật là cửa rộng, những lúc hiểm nguy ai cũng có quyền tới nương nhờ." Chắc hẳn ngày xưa khi còn là chiến sĩ cách mạng, Chủ Tịch Nước đã từng ẩn náu tại một ngôi chùa nào đó, có thể là trên Cao Nguyên. Nhắc lại để Chủ Tịch nước nhớ tới việc ngày xưa các vị xuất gia đã từng hết lòng bảo hộ cách mạng. Nhắc như vậy để tưới tẩm hạt giống ân nghĩa nơi ngài Chủ Tịch cũng như nơi tất cả những nhà cách mạng chân thực khác. "Bây giờ đây cảnh sát và công an của Chủ Tịch đã đánh bật 400 thầy và sư cô ra khỏi chùa." "Các vị ấy đã tìm tới tỵ nạn nơi một chùa khác" và "hiện thời cảnh sát công an của Chủ Tịch lại đang vây quanh chùa Phước Huệ buộc các vị xuất gia ấy phải ra khỏi chùa trong đêm nay." Câu "cảnh sát công an của Chủ Tịch" là một công án đưa ra để ngài Chủ Tịch quán chiếu. Những gì cảnh sát công an làm là Chủ Tịch làm, ngài không thể nói ngài không biết. "Các vị cảnh sát công an này chắc hẳn không phải là con cháu của cách mạng." Câu này là trọng tâm của lá thư, câu này là tiếng gầm của sư tử lớn (đại sư tử hống âm). Giả sử chế độ có sụp đổ thì sự sụp đổ này có thể không phải do Phủ Chủ Tịch hoặc Phủ Thủ Tướng gây ra mà là do công an cảnh sát gây ra, và cả chế độ phải sụp theo: cho nên câu "cảnh sát công an của Chủ Tịch" là một sự nhắc nhở rất khéo. Nếu những người thừa hành có lầm lỗi thì phải lập tức sửa chữa, đừng vì sợ "mất mặt" mà phải bao che cho những người ấy. Như vậy mới không đánh mất niềm tin của Quốc Dân. Đánh mất niềm tin của Quốc Dân là đánh mất tất cả, là không còn chỗ đứng.
"Tôi xin Chủ Tịch kịp thời ngăn chận hành động trái với luân thường đạo lý này." Đó là lời khuyên của thiền sư. Chống tham nhũng và lạm quyền, ta không thể chống bằng tiền bạc. Có những cường quốc đã viện trợ tiền bạc để giúp nhà nước chống tham nhũng. Nhưng tiền bạc làm sao chống được tham nhũng? Chỉ có hành động đúng với luân thường đạo lý mới có thể chống tham nhũng được. Mà cái này thì trong gia sản tinh thần đất nước đã có sẵn, không cần ai phải viện trợ. Một tu viện trong đó người trẻ đang thực tập để giúp vực dậy gia sản tinh thần liêm khiết và chính trực mà mình lại làm đủ mọi cách đê hèn để tiêu diệt, có phải đó là mình đang tự tàn phá chính bản thân mình hay không? Có tiếng chuông chánh niệm nào hào hùng hơn thế nữa?
Những ai đã từng trách thiền sư Nhất Hạnh sao không lên tiếng, nên đọc lại lá thơ mà thiền sư viết ngày 30.09.09 gửi cho ngài Chủ Tịch Nước. Lá thư rất ngắn, nhưng qua lá thư đó thiền sư đã nói được tất cả những gì đáng nói. Theo tôi, thiền sư không cần nói thêm gì nữa cả. Như vậy là quá đủ rồi. Không lẽ thiền sư phải lên tiếng chửi mắng, lên án và buộc tội với những lời lẽ mà ta thấy nghe hằng ngày, những lời lẽ chỉ nhắm tới làm hả bớt cơn giận của người nói mà không có mảy may hiệu lực gì trên hướng thay đổi tình trạng?
Có thể ngôn ngữ của lá thư chứa đựng nhiều hơn những điều tôi thấy, nhưng sức tôi chỉ thấy được chừng đó. Ngôn ngữ thiền rất là cô đọng súc tích, ta không thể hời hợt phẩm bình.
Huỳnh Thiện Thắng
New York ngày 30 tháng 9, 2009
Kính thưa Chủ Tịch,
Tôi không biết hiện giờ Chủ Tịch đang ở đâu, nên nhờ mạng Phù Sa gửi một bản thư này đến Chủ Tịch. Đây là một tiếng chuông chánh niệm. Cửa Phật là cửa rộng, những lúc hiểm nguy ai cũng có quyền tới nương nhờ. Ngày xưa trong Cách Mạng chống Pháp, hàng ngàn chiến sĩ cách mạng đã từng tới ẩn náu tại chùa và các thầy các sư cô luôn luôn tìm mọi cách để đùm bọc và che chở. Bây giờ đây cảnh sát và công an của Chủ Tịch đã đánh bật 400 thầy và sư cô ra khỏi chùa (Tu Viện Bát Nhã ở Bảo Lộc) và các vị ấy đã tìm tới tỵ nạn nơi một chùa khác (chùa Phước Huệ ở Bảo Lộc). Hiện thời cảnh sát và công an của Chủ Tịch lại đang vây quanh chùa Phước Huệ buộc các vị xuất gia ấy phải ra khỏi chùa trong đêm nay. Các vị cảnh sát và công an này chắc hẳn không phải là con cháu của Cách Mạng. Tôi xin Chủ Tịch kịp thời ngăn chận hành động trái chống luân thường đạo lý này.
Trân trọng cảm ơn Chủ Tịch.
Nguyễn Lang
Tác giả Việt Nam Phật Giáo Sử Luận
0 Góp ý kiến:
Post a Comment