Thu Nguyen - Hoa sẽ nở trên đường ta bước!

Tuesday, October 27, 2009

Em thân yêu, các em Bát Nhã thân yêu của tôi. Các em nhỏ nhoi quá có thể vỡ tan bởi cơn bão lớn. Nhưng lịch sử sẽ nhớ em, chúng tôi sẽ nhớ em. Chúc em và các em Bát Nhã có nhiều năng lượng thương yêu, vững chãi, sáng suốt và hạnh phúc trong thử thách và quyết định của mình. Và hãy tin rằng hoa vẫn sẽ nở trên đường ta bước.

Gửi em T.M.T thân yêu và các em Bát Nhã của tôi!

Nhân đọc bài “đằng sau ánh hào quang” của em tôi xin viết vài dòng chia sẻ nỗi niềm cùng em - một người tôi chưa hề quen biết - một cách sâu sắc. Bởi những gì em gặp phải hôm nay, chính tôi đã phải đối mặt hôm qua. Tôi xin kể em nghe câu chuyện của tôi, một câu chuyện chưa ai được biết trọn vẹn. Mong em và các em Bát Nhã đừng buồn vi không phải chỉ các em, các anh chị cũng đã từng âm thầm gánh chịu nỗi gian truân: Làm tu sĩ ở nơi quê hương mình.

Em biết không tuổi thơ của tôi từ khi tôi biết nhớ là cả một thời thơ mộng, thời là một học sinh cấp hai tôi là một học sinh khá giỏi và rất ngoan. Là đội viên xuất sắc ở trường, có lẽ vì vậy năm tôi 13-14 tuổi gì đó tôi đã trở thành đoàn viên, đoàn viên Thanh niên Cộng Sản Hồ Chí Minh trẻ nhất ở chi bộ trường tôi. Sự kiện trở thành đoàn viên Thanh Niên Cộng Sản là một niềm vui của tôi và của cả gia đình. Tôi vui vì từ nay mình có một lý tưởng cao đẹp và mình sẽ sống và bảo vệ lý tưởng cao đẹp đó, lý tưởng Cộng Sản. Cha mẹ còn vui hơn tôi với mong ước của của các bậc làm mẹ làm cha, vì họ nghĩ rằng mai này tôi sẽ trở thành Đảng Viên Đảng Cộng Sản, nhờ đó tôi sẽ được quyền cao chức trọng, giàu sang phú quý, sung sướng an nhàn trên khổ sở của vạn người, đó là con đường tiến thân duy nhất thủa đó vì không phải là đảng viên anh đừng hòng mơ tưởng một tương lai cho dù có giỏi đến đâu...

Một ngày nọ, mẹ tôi đi Chùa về bảo tôi: Chùa cần có chú tiểu con muốn đi tu không? Đi tu cho đỡ khổ. Tôi không biết đi tu là gì nhưng có một cảm giác mới lạ đến trong tôi, một cảm giác tôi không thể giải thích được nhưng tôi rất muốn đi tu, rất muốn khám phá thế giới mới mẻ này. Quyết định đi tu của tôi là một cú sốc rất lớn với bố tôi nhất là bên nội. Bên nội tôi vốn theo nho giáo thờ ông bà, ông nội tôi vốn là một vị quan thời triều Nguyễn nên khi nghe tôi đi tu vì tôi là con trai nên tôi đi tu có nghĩa là ông bà mất đi người cúng tế. Mẹ tôi hết lòng ủng hộ tôi nhưng cuối cùng không thể thuyết phục được bố tôi và bên nội. Bà đành bảo thôi con ạ, hãy đợi đến năm con 18 tuổi hẳng tính, lúc ấy không ai làm khó dễ con được. Nhưng tôi không ngã lòng, tôi muốn đi tu! Thầy tôi lúc ấy ra điều kiện ông sẽ cho tôi đi tu nếu có giấy cho phép của ba tôi.

Tôi nhớ như in cái lúc tôi ngồi thuyết phục ba, tôi đã nói: Nếu con không đi tu mai này con lớn lên, có vợ con sự nghiệp chắc gì cha mẹ đã nhờ được con. Có biết bao người con có lo cha mẹ được đâu. Thôi thì con đi tu, cha mẹ hãy coi như chưa có con vậy. Nghe đến đó cha tôi giận run người, ông không kiềm chế được đã nói “Mày muốn đi tu, theo cái đám đầu trọc ăn bám, được nhưng từ nay mày không còn là con tao nữa, gia phả nhà này không có tên mày.” Ông ký mà run rẩy không viết rõ tên mình vì đó là ông rứt bỏ núm ruột của mình. Thế là tôi trở thành một chú tiểu. Nhưng khi mong ước đi tu của tôi thành hiện thực thì tôi mới phát hiện mình vui mừng quá sớm. Không lâu sau đó tôi phải đối mặt với nhiều sự thật đau lòng. Có lẽ phần nào giống như em và các em Bát Nhã hôm nay.

Đầu tiên là thầy chủ nhiệm và các thầy cô trong trường không muốn tôi đi tu. Tôi không biết vì sao có lẽ tôi là học sinh giỏi chăng? Tôi chỉ biết các thầy cô thuyết phục cha mẹ tôi bằng mọi cách tôi trở về nhà. Vài hôm sau, Cô hiệu trưởng, ngày xưa là bạn học cũ của mẹ tôi, đến thăm Thầy tôi, hai người trao đổi một lúc lâu rồi cô ra về. Hôm sau, Thầy tôi kêu tôi đến gặp Thầy. Câu đầu tiên Thầy tôi hỏi: Con muốn đi tu không? Với một người mới xuất gia câu hỏi đó có vẻ hơi thừa, nhưng với vẻ mặt nghiêm trang của Thầy tôi không kịp suy nghĩ nhiều bèn trả lời: rất muốn. Kế đó Thầy tôi hỏi: con muốn đi học không? Đương nhiên cầu trả lời: rất muốn. Đi học là nguyện vọng của tôi mà. Thầy tôi lặng lẽ bảo tôi theo Thầy lên chánh điện làm lễ. Sau khi làm lễ xong, Thầy tôi dặn, con vẫn là đệ tử của Thầy, vẫn ở chùa, nhưng bây giờ con không còn giữ mười giới của người xuất gia nữa, chỉ còn tám giới thôi, từ bây giờ con không phải cạo tóc mỗi nữa tháng và cứ bận đồ Tây đi học như các bạn. Lúc ấy tôi là một đứa bé ngây thơ, không biết nhiều như em và các em bây giờ nên nhất nhất vâng theo lời Thầy mà không chút thắc mắc. Có lẽ như vậy cũng là một điều hay.

Sau này lớn lên mẹ tôi mới cho tôi biết ngày đó cô hiệu trưởng sau khi không thuyết phục được cha mẹ tôi đã đến gặp và thuyết phục Thầy tôi với một số điều kiện. Thứ nhất tôi sẽ không được học ở đó nữa. Thứ hai nếu tiếp tục học thì không được bận đồ tu tức bận cái áo nhật bình lam, áo vạt hò đi học vì nếu làm như vậy Cô sẽ bị kỷ luật và lẽ đương nhiên Cô cũng không muốn mình bị kỷ luật và mất việc. Lúc ấy ở quê tôi đó là ngôi trường duy nhất, không học ở đó thì học ở đâu. Chẳng lẽ chịu dốt hay sao? Cuối cùng Thầy tôi đã quyết định xả giới cho tôi không làm một chú tiểu như bao chú tiểu khác để bảo vệ tương lai của tôi sau này và không mắc lỗi với Phật.May cho tôi, tôi quá ngây thơ để đặt những câu hỏi vì sao để rồi phải đau khổ vì không thể tìm câu trả lời. Vì sao một chú tiểu nhỏ đi học thì Cô hiệu trưởng bị kỷ luật? Vì sao một chú tiểu không thể bận áo nhà tu để đi học?

Em biết không, từ lúc tôi ở chùa đến tận bây giờ hộ khẩu thường trú của tôi vẫn ở nhà cha mẹ. Vì sao em biết không, chính quyền không cho tôi nhập hộ khẩu vào chùa. Thầy tôi xin rất nhiều lần nhưng họ nói: ông có chắc người này tu suốt đời không? Thầy tôi biết đó chỉ là một cách nói để từ chối nên không làm gì hơn. Đến tận bây giờ, tôi đi tu đã nhiều năm hộ khẩu thường trú của tôi vẫn ở nhà cha mẹ, mỗi ba tháng, sáu tháng, cha mẹ tôi phải ra phường xin tạm vắng cho tôi ngần ấy năm trời. Em biết không nhà tôi và chùa cùng một thị xã, nhà tôi phường 3, Chùa tôi ở phường 2. Có một lần được người quen giới thiệu, có một quan chức địa phương cho Thầy tôi biết người ấy có thể chuyển hộ khẩu của tôi vào Chùa với điều kiện Thầy tôi phải đưa người ấy hai chỉ vàng, một món tiền không nhỏ thời bấy giờ. Vì muốn chuyển hộ khẩu tôi ở chùa cho hợp lệ, thầy tôi đã đồng ý. Sau đó trong sổ hộ khẩu của Chùa có tên tôi, thầy tôi vui mừng thở phào nhẹ nhõm. Nhưng không lâu sau đó, có một nhóm cán bộ đến điều tra về hộ khẩu của tôi họ nói tên của tôi chỉ có trong danh bộ của Phường mà không có trong danh bộ của Thị xã, tức là có sự gian lận. Kết quả là cái hộ khẩu tội nghiệp của lại bị trả về cha mẹ tôi chỉ cách chùa mươi phút đi xe cho đến tận bây giờ.

Rồi thời gian trôi qua mau, tôi lớn lên, được xuất gia, được thọ giới và được đi học. Lúc ấy định thi vào Trường Cao Cấp Phật Học tiền thân của Học Viện Phật Giáo Việt Nam Tại Thành Phố hồ Chí Minh bây giờ. Thủ tục lúc ấy là phải mang sơ yếu lý lịch ra Phường xác nhận. Tôi về nhà mượn sổ hộ khẩu gia đình ra Công an phường. Câu đầu tiên vị Công an trẻ hỏi tôi không phải liên quan đến lý lịch mà là : gia đình anh có đóng đủ thuế và các khoản phí tự nguyện chưa, tôi chới với vì không biết chuyện ấy xảy ra nhưng gia đình tôi rất gương mẫu lúc nào cũng đóng thuế đầy đủ nên tôi mạnh dạn trả lời: dạ có . Người Công an ấy bắt tôi sang một phòng khác để kiểm tra, xong tôi được biết gia đình tôi đóng thuế đủ nhưng còn phải đóng các khoản tự nguyện như: quỹ xóa đói giảm ngheo, quỹ an ninh quốc phòng, quỹ xây dựng…Tôi tròn xoe mắt vì lúc này tôi đã lớn chút ít nên không hiểu nổi chữ “tự nguyện” nhưng bắt buộc phải đóng. Không đóng đừng hòng ký. Sau khi buộc phải đóng các khoản “tự nguyện” xong, cầm một xấp biên nhận không dính dáng gì đến cái lý lịch ấy, tôi trở về phòng công an, khấp khởi nghĩ rằng vậy là xong việc. Đến phiên tôi người Công an trẻ nhận hồ sơ nhìn bộ áo nhật bình lam của tôi từ đầu đến chân rồi lạnh lùng bảo: Trưởng công an đi vắng, anh về thay đồ thường xong ra đây tôi mới giải quyết? Tôi tròn mắt ngạc nhiên nhưng đủ kiên nhẫn để năn nỉ giải thích với anh rằng tôi là tu sĩ, tôi phải bận áo nhà tu, lại nữa tôi ký lý lịch để đi thi trường Phật học, không bận áo nhà tu thì bận đồ gì. Câu trả lời vẫn không đổi: về thay đồ tây xong ra đây tôi mới tính. Đến tận bây giờ tôi vẫn tự hỏi vì đã hỏi rất nhiều nhưng chưa ai trả lời thỏa đáng nên không biết hỏi ai nữa: Tại sao một tu sĩ lại không được mặc đồ tu sĩ? Tại sao một tu sĩ có giấy tờ hộ khẩu hợp lệ lại không được xác nhận lý lịch mà phải mặc đồ đời mặc dù trong hộ khẩu tôi khai rõ là tu sĩ Phật giáo?

Tôi bước ra về mà lòng đầy sầu muộn vì tôi như em và các em Bát Nhã bây giờ. Tôi đã đủ lớn để ý thức rằng mình không thể bỏ màu áo tu hành bao năm của mình cho dù bất kỳ hoàn cảnh nào. Nhưng nếu thế thì không đi học được sao? May quá cho tôi lúc không biết phải làm sao ấy thì một chiếc xe gắn máy đỗ xịch trước mặt với tiếng hỏi: Ủa con đi đâu đây? Thì ra là chú công an từng là hàng xóm của gia đình tôi trước kia, chú làm ở Thị xã hôm nay xuống Phường không biết có việc gì. Tôi lúng túng trình bày hoàn cảnh của mình, chú cười lớn bảo: đưa lý lịch đây cho chú, chờ ở đây nhé! Chú cầm tờ khai lý lịch của tôi bước vào bên trong tôi nghe tiếng chú nói: Ký giùm cho thằng cháu đi học! Ngay sau đó chú quay ra đưa cho tôi lý lịch đã xác nhận xong. Thì ra ông trưởng công an vẫn có ở đó chứ không đi vắng và ký lý lịch đơn giản hơn tôi tưởng, họ vẫn có thể ký mà không cần xem lý lịch hay hộ khẩu gia đình tôi. Chẳng qua họ không muốn cho một người tu sĩ đi học ở trường Phật học.

Thời gian rồi cũng dần trôi, tôi cũng ra trường. Với trình độ cử nhân Phật học, cử nhân Anh văn, cử nhân tiếng Trung quốc, Thạc sĩ ngôn ngữ học Đại học Khoa Học Xã Hội Nhân Văn, Tâm Lý Học Đại Học Sư Phạm Thành Phố Hồ Chí Minh tôi trở về tỉnh nhà làm một vị giáo thọ trẻ nhất lúc bấy giờ cho các vị xuât gia ở trường cơ bản. Khi có cơ hội làm việc với chư tôn đức trong Ban Trị Sự tỉnh, tôi nhận thấy thủ tục hành chính và nhiều điều không được cởi mở, nên tôi lại muốn tìm một con đường mới để giúp các em tăng sinh của tôi. Tôi không muốn các em thương yêu của tôi tiếp tục lặp lại những gì mà thế hệ trước đã làm, Phật giáo cần có một không khí mới, tư tưởng mới, như Hòa Thượng Nhất Hạnh đã viết tôi không muốn các em tôi trở nên giống các vị Hòa Thượng quá sớm. Tôi quyết định đi Mỹ. Tôi đắn đo rất nhiều. Lúc ấy anh tôi là trụ cột nuôi bố mẹ tôi và vợ con anh ấy, anh ấy sắp vào Đảng để trở thành giám đốc công ty nhà nước. Tôi quyết định âm thầm lặng lẽ ra đi trong bí mật. Ngày tôi lên máy bay, chỉ có anh tôi tình cờ đi Sài Gòn họp sẵn tiện đưa tôi. Những người thân nhất chỉ biết tôi sẽ đi Ấn độ du học mà không biết đi ngày nào.

Ngần ấy năm rồi, tôi không liên lạc về bên nhà, mọi người vẫn nghĩ tôi du học Ấn độ. Ngần ấy năm tôi vẫn, mang cái tiếng là kẻ vong ơn bội nghĩa, phản bội thầy tổ, ăn cháo đá bát…vì đã lặng lẽ bỏ những người có công nuôi dạy tôi ra đi. Nhưng tôi vẫn bằng lòng với quyết định của mình. Tôi không muốn tương lai gia đình tôi phải khốn khổ vì tôi. Tôi không muốn Thầy tôi phải chịu sự tra hỏi làm khó của chính quyền. Tôi cũng không muốn quý Tôn Đức những ân nhân nuôi dạy tôi trong Ban Trị Sự phải đối mặt với Ban Tôn Giáo, Công an tôn giáo vì một thành viên bỏ sang Mỹ. Tôi cũng biết rất rõ một điều rất đau lòng rằng Đảng Cộng Sản, lý tưởng một thời của tôi, quyết không đội trời chung với Thế Tôn và các đệ tử của Người. Như Hòa Thượng Nhất Hạnh đã nói “cửa Phật là cửa rộng, ai cũng có thể nương nhờ” cửa Phật dễ dàng chấp nhận một Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản trở thành Phật tử, nhưng một tu sĩ, một Phật tử thuần thành không thể trở thành một Đảng viên.

Em thân yêu, các em Bát Nhã thân yêu của tôi. Các em nhỏ nhoi quá có thể vỡ tan bởi cơn bão lớn. Nhưng lịch sử sẽ nhớ em, chúng tôi sẽ nhớ em. Chúc em và các em Bát Nhã có nhiều năng lượng thương yêu, vững chãi, sáng suốt và hạnh phúc trong thử thách và quyết định của mình. Và hãy tin rằng hoa vẫn sẽ nở trên đường ta bước.

Thu Nguyen

0 Góp ý kiến:

TÂM THƯ TĂNG THÂN BÁT NHÃ

Tăng Ni sinh và bạn trẻ Việt Nam trong và ngoài nước "... Chúng tôi vô cùng cảm động khi đọc “Huyết Thư” trên mạng phusaonline ngày 30/9/2009 của quý liệt vị. Chúng tôi rất biết ơn quý vị đã hết lòng yểm trợ cho chúng tôi trong thời gian qua. Huyết thư đó đã trấn an cho chúng tôi rất nhiều. Chúng tôi biết trong hoàn cảnh nào quý vị vẫn luôn có đó cho chúng tôi như những người sư anh, sư chị của mình, luôn sẵn sàng nâng đỡ yểm trợ hết lòng cho chúng tôi khi chúng tôi cần đến. Tuy thế chúng tôi vẫn đang ở trong tình thế bị động và rất bất an. Tuy được lánh nạn tại chùa Phước Huệ ở thị xã Bảo Lộc tỉnh Lâm Đồng sau hai lần bị hành hung và bị đuổi ra khỏi Tu Viện Bát Nhã, nhưng chúng tôi vẫn đang tiếp tục bị áp lực phải rời khỏi nơi đây và bị đe dọa sẽ bị hành hung như lần trước..."

"... Chúng tôi là những người tu sĩ trẻ thuộc tăng thân Tu Viện Bát Nhã, chúng tôi đang bị lâm nguy vì sự việc xảy ra vừa qua tại TV Bát Nhã ngày 27/9/2009. Chúng tôi đã bị hành hung, đánh đập và bị đuổi ra khỏi Tu Viện trong khi ngoài trời đang mưa bão (Các bạn có thể xem chi tiết trên phusaonline). Hiện tại chúng tôi đang tạm lánh nạn ở chùa Phước Huệ - Bảo Lộc, Lâm Đồng nhưng lại tiếp tục bị áp lực phải rời khỏi nơi đây mà chúng tôi không biết phải đi đâu. Chúng tôi đang bị đe dọa là sẽ bị hành hung như lần trước như tại TV Bát Nhã trong nay mai. Tình trạng rất nguy nan và khẩn cấp. Vì vậy, chúng tôi viết thư này xin các bạn trẻ bên ngoài giúp đỡ..."

Bài mới đăng

Tổng mục lục