Có thể nói rằng từ giai đoạn đất nước Việt Nam đổi mới từ năm 1986 tới thời điểm 2009 này, sự kiện công an VN đàn áp trục xuất 400 tăng ni tại tu viện Bát Nhã là một sự việc làm mất cảm tình của dân chúng nhất. Không khéo sự kiện này sẽ là cái nhân làm thay đổi chế độ. Nhân dân toàn nước nghĩ gì và phản ứng như thế nào khi trước mắt họ phải chứng kiến một đất nước hành xử tùy nghi, có luật như không luật. Đây chính là chất xúc tác giúp họ sẵn sàng tham gia theo hình thức khác nhau để thay đổi chế độ.
Phải nhìn nhận khách quan rằng Phật Giáo Việt Nam là một tôn giáo bất bạo động, từ bi, gắn bó cùng dân tộc, luôn tìm mọi phương pháp để giúp đỡ đất nước được trường tồn. Phật Giáo Việt Nam đồng thời ẩn chứa uy dũng bất năng khuất mà khi cần thiết phát khởi thì sẽ cuồn cuộn sóng trào, như tia sét xé tan đêm tối. Chỉ cần một ngọn lửa của Bồ Tát Thích Quảng Đức đã chấn động điạ cầu, âm ba vang nghìn thế giới, mà kết qủa là chế độ độc tài Ngô Đình Diệm phải sụp đổ dù có bao lực lượng mật vụ, cảnh sát, binh lính khí tài...
Sự kiện Bát Nhã đã biến bao người dân và bạn bè khắp năm châu có cảm tình với chế độ hiện tại trở thành những người sẵn sàng lên án chế độ và đòi hỏi một sự thay đổi. Nhà nước VN không hiểu rằng rất nhiều nhà khoa học gia, nhà văn hoá, nhà tài chính trên thế giới vốn có cảm tình với đất nước VN qua ảnh hưởng văn hoá của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh, nay chính những vị này sẽ có một cái nhìn khác về VN. Hằng triệu người trên thế giới yêu mến Thiền Sư Thích Nhất Hạnh qua các ấn phẩm cũng như băng giảng của thiền sư, nay cũng nhìn chế độ hiện tại với con mắt ngao ngán. Hãy vào các mạng xã hội Facebook, Myspace và nhìn vào số fan của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh hoặc LangMai, PlumVillage: con số fan mấy chục ngàn người và họ không phải là những bà già đi chùa. Họ là những nhà trí thức, doanh nhân tài ba trên toàn thế giới. Những lá thư phản kháng gởi đi dù không hô hào vận động, chỉ trong vòng chưa tới 1 tuần đã gần mười ngàn chữ ký - hầu hết là những người không phải VN ở khắp năm châu.
Không có một logic nào có thể giải thích nổi hành động đàn áp 400 tăng ni trẻ tuổi Bát Nhã. Hành động sai lầm này không khác gì hành động Cải Cách Ruộng Đất năm 1954, Tư Sản Mại Bản năm 1978 làm người dân oán thán thù ghét chế độ và nhân tài thì bỏ nước ra đi dù trong lòng yêu quê hương da diết. Trong một sớm một chiều sự kiện Bát Nhã đã làm mất đi hằng triệu trái tim có cảm tình và mong muốn đóng góp giúp đỡ VN. Đã đẩy bao người đi vào con đường yểm trợ cho những trạng thái đấu tranh cực đoan mà không khéo dễ bị ngoại bang lợi dụng.
Những trang web độc lập nhưng có ít nhiều cảm tình với VN như Blog Sen Việt, Giao Điểm, trong những ngày qua cũng đăng bài phản kháng. Phải nói thêm là mạng Giao Điểm luôn bị người Việt chống cộng cho là báo của đảng Cộng Sản, của Công An Tình Báo. Nói như thế để cho chính quyền VN thấy rằng, ngay cả những thành phần cảm tình nhất với VN tại hải ngoại cũng ngán ngẩm cách ứng xử tệ hại.
Mấy ngày qua, tin tức Bát Nhã đã loan truyền khắp thế giới. Qua những hình ảnh và âm thanh ghi lại người ta liên tưởng sự hiện hữu của một chế độ thời trung cổ. Hình ảnh VN đã xấu đi rất nhiều trong mắt người dân thế giới và đã làm xoá mờ đi một hình ảnh VN bất khuất, nghĩa hiệp.
Đã đến lúc chính quyền VN phải lượng định lại việc hành xử của mình để có những việc làm cụ thể gấp rút lấy lại nhân tâm. Có như thế ngoại bang mới không lợi dụng lòng dân bất mãn để phân hoá, thống trị đất nước. Có như thế hình ảnh một đất nước Việt Nam anh hùng đầy lòng nhân ái mà nhân dân Việt Nam đã hy sinh nhiều xương máu không bị biến mất trong lòng người dân thế giới.
Huyền Lam
Sự Kiện Bát Nhã: Hãy Vượt Qua Bờ Mê
Thursday, October 1, 2009
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 Góp ý kiến:
Post a Comment